| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng: Vườn tược xơ xác, dân trắng tay sau mưa lũ lịch sử

Thứ Hai 12/08/2019 , 07:01 (GMT+7)

Sau đợt mưa lũ, nhiều nhà vườn của người dân tỉnh Lâm Đồng trở nên xơ xác, cây trồng bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh trắng tay.

* Một hộ mất trắng 40 tỷ đồng
 

Tan hoang sau lũ

Mưa lớn từ ngày 6-9/8 đã khiến nhiều vùng của tỉnh Lâm Đồng bị ngập trong biển nước. Nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp, nhà kính công nghệ cao bị lũ quét tàn phá.

Cây trồng trong nhà kính của một hộ dân bị nước cuốn gãy đổ.

Tại phường 7 (TP Đà Lạt), vườn hoa của người dân bị hư hỏng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Tuấn Thành cho biết, gia đình ông trồng gần 3 sào hoa cúc, sắp đến ngày thu hoạch thì bị nước lũ tràn về gây hư hại. Cạnh vườn ông Thành là khu nhà kính trồng hoa của một hộ dân khác cũng bị nước lũ quật tả tơi. Theo Phòng kinh tế TP Đà Lạt, mưa lũ trong 3 ngày đã làm 9ha hoa, rau của người dân bị ngập, thiệt hại ước gần 10 tỷ đồng.

Tại xã Lát (huyện Lạc Dương), sau khi nước rút, người dân trở lại trang trại để khắc phục hậu quả. Ông Trần Văn Hạnh cho biết khu nhà kính hàng trăm m2 mà ông mới xây dựng nằm ở gần mép suối nên lũ quét qua làm đổ sập.

“Tích góp bao nhiêu năm và vay mượn thêm được hơn trăm triệu đồng để làm vườn vậy mà giờ tan hoang cả. Nhìn nhà kính bị đổ sập, cây trồng héo úa, bật gốc, tôi lại rớt nước mắt. Đợt này trắng tay rồi”, ông Hạnh buồn bã.

17-12-22_nh_3
Vườn bí của một hộ dân trồng cạnh suối bị nước lũ quét sạch.

Nhìn 8 sào rau héo úa, dập nát, bà Cao Thị Mai không cầm được nước mắt. Bà kể: “Rạng sáng 7/8, nước lũ đổ về như thác và tràn qua vườn. Tôi và những người trong nhà không có cách nào để cứu cây. Chỉ mấy chục phút sau, nước tràn vào nhà, nhấn chìm toàn bộ máy móc, vật dụng”. Theo bà Mai, sau đợt mưa lũ, gia đình bà thiệt hại hơn trăm triệu đồng.
 

Một hộ mất trắng 40 tỷ đồng

Một trong những hộ dân chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ là gia đình anh Nguyễn Văn Toản (SN 1975, thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương). Anh Toản cho biết gia đình anh nuôi 200 tấn cá tầm thương phẩm, cá giống ở hồ rộng 1,2ha tại khu vực hạ nguồn suối Đạ Nghịt.

Hồ cá tiền tỷ của gia đình anh Nguyễn Văn Toản (Lạc Dương, Lâm Đồng) bị thiệt hại do lũ.

Vào rạng sáng 8/8, do mưa lớn nên nước lũ từ thượng nguồn đổ về làm vỡ đê chắn và tràn vào hồ cá. Lúc này, dòng nước đục cuồn cuộn chảy, cuốn phăng 100 tấn cá lớn nhỏ ra suối. Trong số đó, có hàng nghìn con cá giống nặng lên đến 20kg.

Anh Toản buồn bã nói: “Lúc đó nước đổ về ầm ầm và chỉ trong phút chốc hồ cá bị vỡ. 100 tấn cá bị cuốn trôi, 100 tấn cá còn lại thì lờ đờ nổi trên mặt nước đặc sánh bùn sau đó chết trắng. Thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng”. Để vớt vát tài sản, chủ hồ đã thuê người vớt xác cá còn tươi lên bờ rồi bán cho người dân, thương lái với giá rẻ mạt.

Anh Nguyễn Văn Toản là một trong những người nuôi cá tầm quy mô lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng. Từ một người ăn nên làm ra từ nghề nuôi cá với doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng đã trở thành người trắng tay sau đợt mưa lũ.

Mưa lũ lịch sử ở Lâm Đồng cũng làm cây trồng của người dân ở các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai và TP Bảo Lộc hư hỏng. Trong đó, 200ha lúa tại huyện Cát Tiên bị ngập, mất trắng.

Thiệt hại trên 130 tỷ đồng

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn từ ngày 6-9/8 đã làm một người chết, 4 người bị thương.

Về tài sản, toàn tỉnh có trên 2.430 căn nhà bị ngập (trong đó có 31 căn bị hư hỏng; 548 hộ dân được phải di dời đến vị trí an toàn).

Mưa lũ làm 2.582ha cây trồng bị ngập; 2,3ha nhà kính bị thiệt hại; 40 con gia súc, 1.320 con gia cầm bị cuốn trôi; 56,4ha nuôi trồng thủy sản bị ngập và 300 tấn cá tầm bị nước cuốn trôi.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN ghi nhận 30 cây thông bị ngã đổ; 1 trường học bị ngập và hơn 38 vị trí đường giao thông bị sạt lở, chia cắt; 3 xe ô tô bị hư hỏng; 7 cầu, cống bị cuốn trôi; 3 công trình thủy lợi và 1 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng. Ước tổng thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất