| Hotline: 0983.970.780

Lạm dụng truyền dịch - hậu họa khôn lường

Thứ Bảy 03/11/2018 , 08:01 (GMT+7)

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, lạm dụng thuốc kháng sinh, xu hướng ưa thích truyền dịch, can thiệp gì đó vào cơ thể là thói quen của đa số người dân nước ta...

bloghinhdvyte6171736122
Ảnh minh họa

Sốt cao - truyền dịch, nôn trớ nhiều - truyền dịch, người mệt mỏi cũng nghĩ ngay đến truyền dịch. Việc lạm dụng truyền dịch này gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng, trong đó phải kể đến hai trường hợp tử vong cùng ngày vào giữa tháng mười vừa qua ngay khi đang truyền dịch là hồi chuông cảnh tỉnh cho việc lạm dụng việc truyền dịch này.
 

Những ca tử vong đau lòng

Chiều 15/10, vợ chồng anh Nguyễn Đình Dân (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đưa con trai đến phòng khám tư của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc ở quận Long Biên khám vì bé sốt, tiêu chảy.

Chiều hôm sau con uống thuốc không bớt đau, bố mẹ tiếp tục đưa đến phòng khám này kiểm tra lại. Tại đây, bác sĩ trưởng phòng khám trực tiếp truyền dịch (ringer lactat) cho bé. Sau khoảng 15 phút truyền dịch, bé tím tái, anh Dân gọi bác sĩ kiểm tra. Bệnh nhi sau đó được đưa đến Bệnh viện Đức Giang cấp cứu nhưng được xác định tử vong trước khi đến viện.

Cùng ngày 16/10 khoảng 4h50 sáng 16/10, kíp trực cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân, Hải Phòng tiếp nhận cháu Nguyễn Ngọc H. (6 tuổi, trú quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) trong tình trạng mệt mỏi, môi khô, đi ngoài và nôn nhiều. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mất nước nặng. Kíp bác sĩ đã kiểm tra, xác định nhịp tim của cháu H. bình thường (110 lần/phút), phổi thông khí kém. Bác sĩ trực chỉ định, cho thở oxy, truyền nước điện giải, ủ ấm và cho bệnh nhi nằm tại phòng lưu bệnh nhân, bên cạnh phòng cấp cứu.

Sau khoảng 40 phút truyền dịch, cháu H. có biểu hiện co giật nên êkip trực đã tiến hành các biện pháp chống sốc, đồng thời gọi cấp cứu 115 để phối hợp cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong trước khi 115 đến nơi.

Đây chỉ là hai ca trong số nhiều ca tử vong liên quan đến truyền dịch thời gian gần đây. Tuy nhiên, đáng lưu ý là tình trạng lạm dụng truyền dịch gần như phổ biến thời gian qua. Nhiều gia đình có người nhà, con em bị ốm, mệt là nghĩ ngay đến việc truyền dịch. Cẩn thận thì đưa đến phòng khám, viện khám và xin truyền dịch. Nhưng tương đối nhiều người chọn phương án gọi dịch vụ truyền nước tại nhà khi mà chỉ phải bỏ ra 200 - 300 ngàn đồng là đã được bù nước nhưng ít ai ngờ tới hệ lụy nguy hiểm đến mức nào.
 

Không phải ai cũng truyền được dịch

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, lạm dụng thuốc kháng sinh, xu hướng ưa thích truyền dịch, can thiệp gì đó vào cơ thể là thói quen của đa số người dân nước ta, vì vậy đã có rất nhiều người tự gọi nhân viên y tế đến truyền dịch tại nhà hoặc truyền dịch tại phòng khám không được phép truyền dịch mà không biết điều đó có thể nguy hiểm tới tính mạng. Theo đó, có nhiều tình huống từ nhẹ đến nguy hiểm tính mạng có thể xảy ra khi truyền dịch. Các biểu hiện nhẹ như sưng, đau vùng tiêm truyền, nặng là sốc phản vệ. Chính vì vậy trước khi chỉ định truyền dịch cần phải khám tổng thể xem người bệnh có những bệnh lý gì, có thể truyền dịch tốc độ như thế nào... để ra y lệnh phù hợp.

Đồng tình với quan điểm này, BS. Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), cho rằng chưa có nghiên cứu về việc bệnh nhân có thích truyền dịch hay không, nhưng về cảm quan thì ông thấy có việc bệnh nhân ưa truyền dịch. Tại nhiều gia đình, việc gọi nhân viên y tế đến nhà truyền dịch mỗi khi có người thân ốm, sốt, tiêu chảy là việc khá phổ biến tại nhiều nơi.

Trong khi đó, ông Dũng cho rằng không phải ai cũng truyền được dịch và phương thức truyền của mỗi một người lại khác nhau. Chẳng hạn người có tiền sử bệnh tim, phổi truyền dịch nhanh không tốt, nhưng người tiêu chảy mất nước nhiều cần truyền nhanh để bù nước. Đặc biệt, chỉ nên truyền dịch khi có bệnh lý gây mất nước, nhiễm trùng nặng và bác sĩ đánh giá thấy cần thiết, cho chỉ định truyền dịch. Trước khi truyền dịch, bác sĩ cũng sẽ đánh giá cẩn thận, chi tiết theo đặc thù của người bệnh để chỉ định dịch truyền và chỉ cơ sở được cấp phép mới được truyền dịch.

Một số bác sĩ cũng cho biết để chỉ định cho người bệnh được truyền dịch, các bác sĩ còn dựa vào các kết quả xét nghiệm. Để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra khi truyền dịch thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để có chỉ định cụ thể, an toàn. Truyền dịch không chỉ gây nguy hiểm cho trẻ em mà cả với người lớn, nếu người được truyền dịch chưa được thăm khám kỹ, có bệnh lý kèm theo. Trong khi nếu xảy ra sốc phản vệ tại cơ sở y tế không đủ phương tiện cấp cứu sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không truyền dịch tại nhà, tại cơ sở y tế không được cấp phép thực hiện dịch vụ này bằng việc xem danh mục hành nghề của cơ sở khám chữa bệnh, tránh những tai biến nguy hiểm tính mạng.

Những trường hợp không được truyền dịch

- Thông thường những bệnh nhân đã lớn tuổi thường có độ lọc thận yếu hơn hay những bệnh nhân tim mạch có bệnh lý về não khi truyền các chất điện giải sẽ rất nguy hiểm do cơ thể không thể dung hòa được các chất.

- Trường hợp trẻ bị sốt thì bố mẹ và người nhà cần lưu ý tuyệt đối không được truyền muối và đường bởi các chất này khi đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ gây ra triệu chứng phù não rất nguy hiểm.

- Đối với những trường hợp trẻ bị viêm phổi cũng tuyệt đối không được truyền dịch, bởi khi truyền dịch vào sẽ làm tăng áp lực cho phổi và tim. Ngoài ra với các trường hợp bệnh nhi bị viêm não, viêm màng não nếu muốn truyền dịch cần phải tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi sử dụng để tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

 

(Kiến thức gia đình số 44)

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.