Học giả Nguyễn Trần Bạt: Làm gì để Bắc Trung bộ vượt sóng vươn lên?

Hoàng Anh - Thứ Sáu, 20/10/2017 , 08:30 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, vùng đất Bắc Trung bộ đủ tiềm năng, lợi thế để có thể trở thành vùng kinh tế trọng điểm của đất nước nhưng thực tế hiện nay chưa xứng tầm.

Vậy vấn đề của Bắc Trung bộ là gì? Cần phải làm gì để tạo được những bước đột phá cho mảnh đất này? NNVN xin giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trần Bạt, một doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả, nhà sáng lập và là Chủ tịch kiêm TGĐ InvestConsult Group - Công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh sau Đổi mới…

bt-3154934649
Ông Nguyễn Trần Bạt.

Hi vọng cuộc trò chuyện với người đã từng nhiều lần tư vấn cho Chính phủ về các vấn đề kinh tế, chính trị sẽ gợi mở thêm những đường hướng mới tạo sự bứt phá cho vùng đất Bắc Trung bộ.
 

Phải hấp dẫn hơn

Nhà báo Trần Cao: Thưa ông, dải đất Bắc Trung bộ là một vùng đất nhiều khó khăn nhưng cũng có những lợi thế nhất định, có rừng, có biển, có đường Hồ Chí Minh đi qua… Đây lại còn là vùng đất học danh tiếng có cả những tiềm năng, lợi thế về văn hóa, con người. Vậy nhưng Bắc Trung bộ lại đang là vùng đất nghèo khó. Với tư cách là một học giả, một doanh nhân và hơn hết là một người con sinh ra ở chính mảnh đất Bắc Trung bộ, ông kiến giải thực trạng này như thế nào?

Học giả Nguyễn Trần Bạt: Trước hết phải nói rằng, miền Trung là một miền đất khó. Miền Trung nghèo trong một quốc gia nông nghiệp. Bằng chứng là từ xưa tới nay, ở các tỉnh Bắc Trung bộ gần như không có bất kỳ một câu ca dao, tục ngữ nào nói về sự trù phú cả. Hơn 30 năm đất nước Đổi mới rồi mà những lời ca, giai điệu vẫn mang âm hưởng của cái nghèo. Chúng ta cố gắng tô vẽ cho đẹp hơn, sâu sắc hơn, cảm động hơn nhưng Bắc Trung bộ vẫn cứ nghèo.

Hôm nay chúng ta sẽ nói chuyện với tư cách là những người con của mảnh đất này. Tôi là người Nghệ An và luôn băn khoăn về quê hương của mình từ khi tôi biết nghĩ như một con người trưởng thành.

Băn khoăn là bởi dải đất Bắc Trung bộ có một tiềm năng kinh tế, tiềm năng chính trị khổng lồ. Bằng chứng, mảnh đất này là nơi cung cấp cho đất nước không biết bao nhiêu nhà lãnh đạo, mà nhà lãnh đạo sáng nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi cung cấp cho đất nước không biết bao nhiêu nhà khoa học. Đến tất cả các trường đại học của chúng ta, khi người ta giới thiệu hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa, chủ nhiệm bộ môn bao giờ chúng ta cũng nghe thấy cái giọng nếu không Nghệ An thì cũng là Hà Tĩnh…

Trong những năm kháng chiến tôi đã quan sát và thấy khu IV, đặc biệt là Nghệ An - Hà Tĩnh vào thời điểm ấy là một trong những trọng điểm kinh tế kháng chiến, trọng điểm chính trị kháng chiến và trọng điểm học vấn kháng chiến. Tôi nghĩ rằng phải làm thế nào để vùng đất này khôi phục lại địa vị như là một trong những nguồn cung cấp cho đất nước các nhà chính trị, các nhà trí thức và bây giờ thêm cả các nhà kinh doanh nữa. Cha ông tôi là những nhà kinh doanh lớn người Nghệ An.

Ông nội tôi là người đã khai khẩn hàng ngàn ha đồn điền tại vùng Phủ Quỳ những năm 1930. Đến khi cách mạng thành công thì ông cụ đem hiến tài sản ấy cho cách mạng và trở thành tổng giám đốc các nhà máy đường mà chính ông cụ tạo ra trước khi cách mạng thành công. Ông ngoại tôi là người cho vay lãi, nhưng có uy tín nên trở thành Chủ tịch hội tín dụng khu IV vào những năm trước cách mạng.

Khu IV là một trọng điểm con người, trọng điểm tài nguyên, trọng điểm chính trị, vì thế tôi không nghĩ mảnh đất này có thể kém bất cứ vùng đất nào khác cả. Vậy thì vấn đề ở đây là gì? Chúng ta hãy thử suy nghĩ xem Bắc Trung bộ đã có sự đầu tư thật chưa? Đáng buồn là chưa, từ trước cho đến cả bây giờ.

Gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhiều chính sách khích lệ các yếu tố đầu tư và không khí đầu tư khá rầm rộ, nhưng thử hỏi, tại sao một tập đoàn kinh tế đầu tư vào Thanh Hóa sau đó họ bỏ qua cả phần lớn dải đất miền Trung để vào tận Quy Nhơn đầu tư?

Bản thân tôi là một doanh nghiệp, vào những năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới, hầu hết các đầu tư nước ngoài có mặt ở tỉnh Hà Tây là do công ty chúng tôi đưa vào, và tôi được Bí thư Tỉnh ủy mời làm cố vấn. Tôi đã đưa vào nhà máy Coca Cola đầu tiên ở miền Bắc, nhà máy chế tạo lon nhôm đầu tiên ở miền Bắc, rồi nhà máy sản xuất thức ăn gia súc mà vào thời điểm ấy có lẽ là lớn nhất miền Bắc. Cuối những năm 90, anh Võ Đức Huy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi có mời tôi làm cố vấn kinh tế cho tỉnh Quảng Ngãi, và chúng tôi là người đào tạo ê kíp đầu tiên để quản lý khu công nghiệp Dung Quất.

Lâu nay, trong sinh hoạt chính trị, chúng ta bàn rằng miền Nam phát triển kinh tế tốt hơn miền Bắc, nhưng hình như không ai phân tích xem tại sao lại như thế. Sở dĩ có hiện tượng này là vì trước năm 1975, xã hội miền Nam đã làm quen với nền kinh tế thị trường, tức là độ dài tiếp xúc với nền kinh tế thị trường ở miền Nam dài hơn miền Bắc. Vì thế cho nên, thói quen kinh doanh của người miền Nam nhuần nhuyễn hơn và phải nói rằng trong việc tiếp cận với thị trường, tiếp cận với đầu tư, tiếp cận với ngân hàng và tài chính thì ở miền Nam tốt hơn.

Tôi đã từng dự một cuộc kêu gọi đầu tư vào Nghệ An được chủ trì bởi anh Lê Doãn Hợp. Tôi rất ngạc nhiên vì ở trong phòng họp không có nhà đầu tư nào cả. Kêu gọi đầu tư ở một cuộc họp không có các nhà đầu tư thì làm sao kêu gọi được?

Tuổi của tôi cũng thuộc thế hệ thứ 2 trong giới trí thức sau cách mạng. Người ta về quê nhiều. Bình Định về, Cần Thơ về nhưng Bắc Trung bộ không về. Vì người ta sợ nhau. Anh phải chứng minh là vùng đất có thể chơi với nhau được thì mới nói đến chuyện thu hút đầu tư, thu hút nhân tài…

Một tỉ lệ rất lớn các trí thức trong nước là người Bắc Trung bộ. Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều người đứng đầu các ngành, thậm chí ở đôi chỗ còn có cả các nhà kinh doanh hàng đầu là người Bắc Trung bộ, nhưng sự gắn bó của lực lượng này đối với các tỉnh là chưa có.

Nhà báo Trần Cao: Rõ ràng với tiềm năng, lợi thế của mảnh đất Bắc Trung bộ thì bức tranh đầu tư như hiện nay hoàn toàn chưa xứng tầm, nguyên nhân cốt lõi của sự ảm ảm đạm này là gì, thưa ông?

Học giả Nguyễn Trần Bạt: Có lẽ đây là thời điểm chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và tự hỏi vì sao Bắc Trung bộ không hấp dẫn?

Nghe qua thì rất vô lý bởi vì dải đất Bắc Trung bộ đẹp chứ. Đẹp về thiên nhiên, đẹp về kiến tạo của địa lý và càng nghèo càng đẹp. Biển đẹp, núi đẹp, rừng đẹp nhưng chính trị và nhân dân ở đây không hấp dẫn. Nói cách khác, nhân cách, cốt lõi rất hấp dẫn nhưng chính trị và vỏ văn hóa không hấp dẫn.

Tôi vẫn thường nói, nếu không có một nền chính trị hấp dẫn thì không có một tương lai đẹp có thật và có tiền. Bộ máy chính trị, bộ máy lãnh đạo các địa phương cực kỳ quan trọng. Và tôi thấy rằng, từ khi hòa bình đến giờ, gần như không có một tỉnh nào ở dải đất này mà sự đoàn kết được thể hiện cả. Sự mất đoàn kết diễn ra phổ biến. Có bao giờ chúng ta thử đặt câu hỏi, một vùng đất học như thế, có nhiều người đỗ đạt như thế, nhưng số người về quê rất ít. Có phải vì “chúng ta sợ nhau” hay không?

Thứ hai là tham nhũng. Những thông tin về tham nhũng của nhiều lãnh đạo, cán bộ lãnh đạo các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ là dày đặc. Tôi không tài nào hiểu được một vùng đất nghèo khổ như thế mà còn có những người lấy của dân để lo cho con cho cái, lo cho họ cho hàng. Không biết có phải càng nghèo càng mất đoàn kết hay không, nhưng tôi luôn tự hỏi với sự mất đoàn kết một cách phổ biến và triền miên như thế này thì nhân dân dựa vào đâu để tin tưởng vào tương lai, dựa vào đâu để tìm kiếm sự công bằng để kiên nhẫn sống và phát triển.

Chúng ta có một số yếu tố làm cho chúng ta không khá lên được. Chúng ta ngưỡng mộ quá khứ. Chúng ta mất nhiều thì giờ để ngưỡng mộ cái quá khứ của mình, không đầu tư thỏa đáng cho tương lai, không chú ý thỏa đáng về phía trước và do đó chúng ta chậm. Rất nhiều nhà khoa học của chúng ta hiểu được những khái niệm, viết về những khái niệm và thảo luận những khái niệm rất hiện đại, nhưng những khái niệm ấy chỉ nằm ở trên miệng hay nằm trong ý nghĩ của họ mà không biến thành ý chí xã hội. Đấy là một thực tế mà muốn khắc phục thì chúng ta phải sửa. Chúng ta hơi sĩ diện, chúng ta nặng về các tiêu chuẩn hình thức, chúng ta không phải là người thực dụng một cách tỉnh táo. Cho nên đôi khi chúng ta mải mê chạy theo cái bóng mà quên mất con mồi.

Chúng ta nói cho cùng là một dân tộc biết đoàn kết gắn bó trong chiến tranh, nhưng trong hòa bình chưa đoàn kết. Năng lực hợp tác trong hòa bình kém, cho nên chúng ta không truyền được cho nhau sức lực, trí khôn, không biến trí khôn trở thành sở hữu công cộng để tất cả mọi thành viên đều có quyền sử dụng nó vì mục tiêu phát triển. Đấy là tất cả những nhược điểm mà tôi đã suy nghĩ ba bốn chục năm nay. Đấy là những nhược điểm có thể sửa. Chúng ta không nên mất quá nhiều thì giờ để ngưỡng mộ quá khứ. Chúng ta ghi công quá khứ, chúng ta nhớ đến quá khứ nhưng chúng ta không nên bới móc nó mãi.

Chúng ta cũng thích nói về ưu điểm của mình để che đi những khuyết điểm. Tại sao chúng ta không cố gắng sửa chữa, đơn giản như giọng nói chẳng hạn, rất khó nghe. Cái sự mỗi một huyện một giọng nói đã thể hiện sự không thống nhất về văn hóa, kết quả của ít giao lưu mà ít giao lưu thì làm sao phát triển được.

Thế nên chúng ta đành phải dũng cảm nói về các nhược điểm cơ bản của Bắc Trung bộ. Đừng ca ngợi nữa. Nhân dân bắt đầu có những dấu hiệu chống đối rồi, xem biểu tình như một phương tiện chính trị cơ bản và phổ biến rồi. Không còn thơ ca mà đã mất dần nét cơ bản của quần chúng cách mạng.
 

3 giải pháp bắt buộc

Nhà báo Trần Cao: Thế hệ chúng tôi đều biết rằng ông luôn đau đáu với quê hương. Và có lẽ, khi thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm của quê hương như thế này hẳn sẽ rất đau lòng. Xin hỏi ông, Bắc Trung bộ cần phải làm gì để có thể thay đổi được tình hình như hiện nay?

Học giả Nguyễn Trần Bạt: Tôi tham gia các hội đồng hương. Vẫn thường gặp các nhà lãnh đạo địa phương từ quê ra, vẫn thường gặp các lãnh đạo cao cấp người Bắc Trung bộ, vẫn thường gặp các doanh nhân, trí thức, những người con của mảnh đất này. Và khi gặp nhau bao giờ chúng tôi cũng nói về cái nghèo của quê hương. Bây giờ làm thế nào? Chẳng lẽ cứ nghèo mãi hay sao? Và tôi cũng luôn nghĩ, không cẩn thận cái nghèo của Bắc Trung bộ sẽ trở thành định mệnh.

Đầu tiên, phải chống tham nhũng. Cần phải có một cách nhìn nhận thật sự nghiêm túc, cần phải xúc tiến lại các giá trị để đoàn kết nhân dân để chống lại tham nhũng. Đất nước được nhờ ý chí cách mạng của người Bắc Trung bộ nhưng người dân ở đó vẫn tiếp tục nghèo. Chính vì chúng ta có thể đóng góp vài nhà cách mạng cho đất nước nhưng cũng sản sinh ra nhiều đối tượng tham nhũng.

Nhân dân các tỉnh Bắc Trung bộ là nhân dân của cách mạng, của vùng đất cách mạng thật sự. Họ có địa vị chính trị và xã hội cực kỳ nổi bật trong thời kỳ chiến tranh. Họ là công chúng và quần chúng của cách mạng. Nhân dân ấy sẽ không gắn bó với nhà nước, hợp tác với nhà nước nếu tình hình tham nhũng cứ tiếp tục như thế này. Bởi vì, những kẻ tham nhũng chính là những đối tượng sát hại tình cảm chính trị của nhân dân Bắc Trung bộ. Cái xấu bao giờ cũng lớn mạnh rất nhanh, phát triển mạnh như vũ bão.

Chính vì vậy, khi nhân dân không còn sự kiên nhẫn thì miền Trung sẽ trở thành vấn đề của đất nước, thậm chí là vấn đề của Đảng. Cần phải kêu gọi nhân dân miền Trung kiên nhẫn và ủng hộ cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay. Nếu nhân dân không còn là công chúng, quần chúng của cách mạng thì phải nói rằng Bắc Trung bộ càng khó. Chỉ có ý chí của những người cách mạng mới có thể dẫn dắt nhân dân miền Trung đi qua một chu kỳ kiên nhẫn để đuổi kịp, mới có thể lựa sóng để có thể đẩy nền kinh tế khá lên.

Muốn như thế hệ thống lãnh đạo phải gương mẫu. Phải nhớ rằng đừng đánh mất lòng yêu nước, đừng đánh mất lịch sử gắn bó với cách mạng của người dân Bắc Trung bộ. Nếu tiếp tục để nạn tham nhũng như hiện nay thì tình cảm chính trị của nhân dân Bắc Trung bộ sẽ mất hết.

Vì vậy, giải pháp thứ hai, phải phấn đấu có một chính quyền trong sạch, phấn đấu có những nhà lãnh đạo trong sạch, người đứng đầu trong sạch. Nếu không thì vô phương cứu chữa. Tôi kêu gọi người Bắc Trung bộ hãy giải phóng mình, cố gắng xây dựng phẩm hạnh cách mạng để có thể thúc ép sự phát triển chính trị để có một đội ngũ lãnh đạo không tham nhũng. Mỗi một tỉnh phải có một người lãnh đạo đứng đầu có thể cam kết: Tôi không tham nhũng, tôi trong sạch.

Thứ ba là văn hóa.

Tôi còn nhớ, từ nhiều năm trước, trong những lần đến chơi nhà, các ông Chu Mạnh, Nguyễn Quốc Thước vẫn thường hỏi tôi: Muốn Nghệ An khá giả thì làm gì? Tôi trả lời: Phải cải cách văn hóa. Nghe thế các ông nổi cáu: Làm sao mà phải cải cách văn hóa?

Xin thưa rằng, chính vì miền đất của chúng ta không hấp dẫn nên phải sửa văn hóa trước.

Bắc Trung bộ cũng như miền Trung nói chung, có tiềm năng vô cùng lớn là du lịch. Ngày trước, khi chuẩn bị làm nhậm chức Bí thư Đà Nẵng, bác Phan Diễn từng tham vấn tôi về kinh tế miền Trung, tôi đã trả lời là du lịch.

Muốn hút được khách du lịch thì phải hấp dẫn. Muốn hấp dẫn thì chúng ta phải thay đổi. Người Nghệ An có một đặc điểm cực kỳ quan trọng là rất không khéo léo hay là ngay thẳng một cách thô bạo. Đặc điểm này hoàn toàn không thuận lợi cho sự phát triển kinh tế du lịch. Hoặc lảnh lót, ngọt như người Huế lại quá mức cần thiết. Người Nha Trang không ngọt ngào quá, nhưng người ta không thô lỗ. Tôi đã từng dẫn những tập đoàn khách sạn như Marriott, như SRS vào Việt Nam cho nên chúng tôi biết rất rõ họ nghiên cứu các yếu tố nào để phát triển dịch vụ du lịch. Người Nghệ chúng ta có một nhược điểm là không khéo. Ngay cả những nhà nghiên cứu khoa học gốc Nghệ cũng nhấn mạnh quá các thực trạng thổ ngữ, địa phương ngữ mà không đô thị hóa nó, không hiện đại hóa nó để tạo cho người Nghệ An một hệ thống ngôn ngữ phù hợp với độ mở của nền kinh tế.

Tôi nghĩ rằng cần phải có một nhận thức, một chương trình thế nào đó để đô thị hóa phong cách của người Nghệ. Tất nhiên, anh nào mà đô thị hóa quá thì cũng mất cái chất Nghệ đi. Tôi là một ví dụ không hay lắm, tôi không nhận được sự hỗ trợ chính trị của các đồng hương Nghệ Tĩnh cấp cao của tôi. Nhưng giữ nguyên nó thì cũng không được. Làm thế nào để thật mà không thô, khéo mà không giả, đấy là điều quan trọng nhất trong việc xây dựng phong cách ngôn ngữ của người Nghệ. Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người rất ý thức vai trò của văn hóa ngôn ngữ, ông kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cũng nhiều người không thích và chế giễu chuyện ấy, nhưng tôi hiểu rất rõ rằng ông làm việc ấy là rất có tầm nhìn đối với sự phát triển của Việt Nam.

Nói đến miền Trung, nói đến Bắc Trung bộ người ta vẫn thường đổ hết khó khăn cho thiên tai. Tất nhiên điều đó là đúng, nhưng chỉ một phần. Trên thế giới có bao nhiêu quốc gia, bao nhiêu vùng đất thường xuyên đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng họ vẫn vượt lên để phát triển đấy thôi.

Người Việt chúng ta đã sử dụng những năng lực của mình trong chiến tranh một cách cực kỳ xuất sắc, và xuất sắc đến mức hòa bình 30 năm rồi chúng ta vẫn không quên được sự xuất sắc ấy, chúng ta đi giật lùi để ngắm thành tựu chiến tranh. Trong quá trình làm nghề, tôi đi rất nhiều nước, tôi đến những vùng khác nhau của sự phát triển, quan sát, nghe và đo chất lượng văn hóa của các dân tộc để tìm xem người Việt thiếu cái gì mà không khá lên được.

Người Việt Nam có kém là kém ở khía cạnh khác chứ không phải khía cạnh phẩm chất cá nhân. Chúng ta thiếu yếu tố để liên kết các phân tử hợp lý tồn tại trong xã hội thành một cộng đồng hợp lý. Cái đấy là trách nhiệm của chính trị. Tôi phải nói rằng không gắn kết được các hạt rất lý tưởng trong đời sống xã hội Việt Nam là trách nhiệm của chính trị, không phải là trách nhiệm của khoa học kinh tế. Và chính trị là cái có thể chủ động thay đổi.

Chủ động thay đổi để có thể tận dụng, có thể huy động một cách hợp lý nhất, mạnh mẽ nhất toàn bộ tiềm năng của một địa phương hoặc một quốc gia thì thấy là sáng tạo, là công lao của nhà chính trị. Còn chăm học thì người Nghệ chăm học hàng đầu trong người Việt. Tôi là một ví dụ. Lúc tôi đi học không có đèn điện mà phải học bằng đèn dầu. 

Tôi phải đốt mỗi tháng 10 lít dầu để học, mà thời kỳ bao cấp thì một gia đình 5 - 6 người con cũng chỉ được 5 lít/tháng. Vào thời điểm đi học đại học chính qui, tôi còn học song song hệ ngoại khóa của hai trường đại học nữa để có kiến thức. Tôi nghĩ rằng nếu không tạo ra được một công nghệ chính trị hợp lý để kết hợp và huy động tất cả những yếu tố vốn tồn tại một cách tích cực trong xã hội chúng ta thì chính trị có lỗi.

(Học giả Nguyễn Trần Bạt)

Hoàng Anh
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.