| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 08/04/2010 , 10:27 (GMT+7)

10:27 - 08/04/2010

Làm gì để giữ rừng nghiến?

Mấy hôm nay mặt báo nóng rực vì các khu rừng nghiến cuối cùng của Việt Bắc bị “làm thịt”. Thực ra không phải đến bây giờ rừng mới bị tàn phá, nó bị “giết” từ rất lâu rồi- đó là lời của một lão nông năm nay đã 80 tuổi, sống trong ngôi nhà sàn cũ kỹ gần đường nơi lâm tặc vẫn dùng xe máy phân khối lớn đêm đêm chở gỗ nghiến về xuôi.

Tôi hỏi: Có cách nào giữ được rừng nghiến, thưa ông? Ông cười bảo: Nhà nước đã làm rồi nhưng chưa triệt để. Đấy anh xem, chỗ nào giao đất giao rừng triệt để đến hộ dân thì giữ được rừng, chỗ nào chủ rừng là chính quyền địa phương hay của Nhà nước thì rất khó giữ “Cha chung không ai khóc mà”. Đã thế, các khu rừng này hầu hết là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ với nhiều loại gỗ quí hiếm, ai thấy mà chả thích, chả thèm. Tôi nói thật, mấy ông cán bộ xã, vườn rừng quốc gia, kiểm lâm được giao nhiệm vụ trông coi giữ rừng, nhưng họ cũng chỉ là người làm công ăn lương, hết 8 tiếng là họ về với gia đình vợ con họ, bỏ ngỏ rừng, gỗ quí hiếm không bị cưa mới là chuyện lạ!

Đấy là nói của những người dân trong sạch tận tuỵ. Còn những kẻ thoái hoá biến chất thì lợi dụng cơ hội này để làm giầu, họ bắt tay, làm ngơ cho lâm tặc chặt hạ gỗ quí chở ra để được ăn chia có khi tới 50 - 60% lợi nhuận, mà 1m3 gỗ nghiến ra khỏi cửa rừng đã có giá mấy chục triệu đồng, lợi nhuận chỉ sau ma tuý. So với lương, với thưởng bắt được gỗ lậu gấp mấy chục lần, ai mà không ham?

Mỗi khi có chuyện (ấy là do mấy phóng viên nhiệt tình, lặn lội vào tận rừng sâu chụp ảnh, quay phim đưa việc phá rừng công khai lên mặt báo, để bàn dân thiên hạ biết, còn không ngày ngày cây rừng vẫn đổ nhưng ít ai quan tâm, để ý), thì chính quyền lại họp bàn, lại chỉ đạo đội “liên ngành” kiểm lâm – công an – quân đội...vào cuộc truy quét lâm tặc, được khoảng dăm bữa nửa tháng hết lương, hết gạo lại quay về “giao lại rừng cho chính quyền địa phương quản lý”. Lâm tặc chỉ chờ có thế, lại vác cưa vào rừng...

Cuộc chiến giữ rừng cứ như là đánh nhau với cối xay gió, có lẽ chỉ kết thúc khi rừng trọc lóc mà thôi.

Ông nói như thế thấy nản quá, chẳng lẽ đã hết cách, đành để mất những cánh rừng cuối cùng này sao? Tôi hỏi.

Vẫn còn cách, đó là giao những khu rừng này cho những người có đủ điều kiện, năng lực quản lý, bằng cách đấu thầu công khai. Hãy mời những người có năng lực tài chính tham gia đấu thầu các cánh rừng. Tôi nghĩ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ hay rừng gì gì đi chăng nữa thì cuối cùng vẫn phải tính đến hiệu quả kinh tế - môi trường. Trên cơ sở tài nguyên rừng đã được các cơ quan chuyên môn đánh giá thẩm định, chủ rừng phải quản lý bảo vệ để phát triển vốn rừng. Khi ấy lực lượng kiểm lâm chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về rừng, còn công tác bảo vệ, phát triển rừng thuộc về chủ rừng- vị lão nông yêu rừng nói.

Vâng, hãy mạnh dạn giao những khu rừng do chính quyền địa phương quản lý hiện nay tới những người yêu rừng có đủ điều kiện, năng lực giữ và phát triển vốn rừng trước khi quá muộn.