| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để miền núi giảm nghèo?

Thứ Ba 16/11/2010 , 11:54 (GMT+7)

Thiết nghĩ, để giảm nghèo bền vững cần xuất phát từ những chăm lo bình dị, thiết thực như ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe...

Hình minh họa
Nhìn vào bản đồ đói nghèo của nước ta thấy rất rõ hộ nghèo vẫn còn chủ yếu ở nông thôn, miền núi, một số vùng khu vực tỷ lệ hộ nghèo còn cao như Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và chúng ta vẫn còn 62 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%.

Qua thực tiễn ở địa phương, chúng tôi thấy giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  miền núi quả là nhiều khó khăn và gian nan do cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, tổ chức thực hiện còn bất cập, tính chủ động, tự  lập vươn lên thoát nghèo của người dân chưa được phát huy, các điều kiện để giảm nghèo như đất đai, vốn, sức lao động, KHKT thiếu hoặc chưa được đáp ứng.

Điều  đáng nói là sản xuất nông nghiệp nguồn thu nhập chủ yếu của đồng bào vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém, chưa tạo được thị trường trao đổi hàng hóa kích thích sản xuất. Để tổ chức sản xuất cho đồng bào, theo tôi cần giải quyết tốt những vấn đề sau.

Một là, khẩn trương giải quyết đủ đất sản xuất cho đồng bào theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, giải quyết dứt điểm những tranh chấp khiếu kiện về đất đai giữa một bộ phận  đồng bào dân tộc thiểu số với các đơn vị  doanh nghiệp và các nhóm dân cư khác, giải quyết hài hòa lợi ích giữa yêu cầu phát triển mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, đầu tư các dự án thủy điện, thủy lợi, giao thông với việc quy hoạch đảm bảo đủ đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số theo tiêu chí xây dựng NTM. Rà soát tình hình quản lý sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để  điều chỉnh, thu hồi lại một số diện tích đất sử dụng không hiệu quả hoặc sử dụng sai mục đích, thậm chí bao chiếm quá nhiều diện tích, để tạo quỹ đất phục vụ cho việc  đảm bảo nhu cầu đất đai hiện tại và tương lai của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ. Đặc biệt đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng cho cộng đồng buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực tế hiện nay cho thấy quỹ đất canh tác nông nghiệp  ở Tây Nguyên đã cạn kiệt, đồng bào dân tộc thiểu số vốn sống liền kề rừng, dựa vào rừng họ có kinh nghiệm về rừng hơn bất kỳ  nhóm dân cư nào khác. Hơn nữa giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng chính là từng bước khôi phục lại quyền làm chủ đối với núi rừng. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã công nhận cộng đồng là một chủ thể được giao rừng với các quyền và nghĩa vụ được quy định cụ  thể, cho nên giao đất, giao rừng và nghề rừng với những cơ chế hưởng lợi thỏa đáng, hợp lý phải trở thành một giải pháp để giảm áp lực về đất đai, đồng thời góp phần vào việc xã hội hóa nghề rừng, bảo vệ  môi trường sinh thái, ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng, điều hòa lại những mâu thuẫn trong quá  trình quản lý đất rừng ở Tây Nguyên hiện nay.

Hai là, nghiên cứu xây dựng chính sách chuyên sâu, tổ chức lại sản xuất cho các buôn làng vùng dân tộc thiểu số. Nhìn lại các chương trình, mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế xã hội liên quan đến vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng nghèo có thể thấy rằng các chương trình đề ra còn thiếu tập trung, nguồn lực ít nhưng phân tán do quá nhiều chương trình, nhiều Bộ, ngành cùng quản lý, có chương trình mang tính thực tiễn, nhưng tổ chức thực hiện chậm, đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ và hiệu quả không cao. Một số chương trình trùng đối tượng, trùng địa bàn, khó tổ chức thực hiện để đạt được kết quả như mục tiêu đề ra.

Chúng tôi đề nghị cần rút kinh nghiệm về các chương trình, mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 để  đề xuất chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tới, với yêu cầu tập trung đầu mối chỉ đạo, tăng tổng mức đầu tư, tập trung nguồn lực, xác định rõ đối tượng, địa bàn thụ hưởng, phương thức triển khai tổ chức thực hiện. Đối với vùng dân tộc thiểu số chúng tôi đề xuất cần một chính sách thiết thực, đồng bộ cho việc tổ  chức lại sản xuất cho các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có những cơ chế chính sách đặc thù để hộ sản xuất là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, vốn vay phát triển sản xuất ở  mức cao nhất. Tạo cầu nối giữa người dân với thị  trường, nhằm từng bước đưa sản xuất nhỏ, phân tán, manh mún của các hộ hòa nhập vào thị trường hàng hóa. Hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật. Thiết lập mạng lưới cung, tiêu để đảm bảo sản phẩm của đồng bào sản xuất ra được bán ra thị trường, đem lại thu nhập ổn định. Phát triển dịch vụ, tổ chức cung ứng vật tư  nông nghiệp, mở rộng hệ thống đại lý vật tư nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa với sự  tham gia nhiều thành phần kinh tế.

Ba là, từng bước thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm việc làm nông nghiệp, tăng việc làm phi nông nghiệp, bằng cách phát triển các ngành nghề  truyền thống gắn với khôi phục các giá trị  văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phục vụ cho hoạt động du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó cần chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số để họ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với thị trường lao động, cung ứng lao động cho các dự án đang triển khai trên chính quê hương mình.

Bốn là, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế của quân đội, tạo việc làm, nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất, liên kết làm ăn, trên cơ sở đất đai, lao động của dân, cộng với vốn đầu tư  KHKT và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên, nhằm thúc đẩy sản xuất ở các buôn làng. Đối với những dự án nhất thiết phải thu hồi vốn của dân thì nên thực hiện cổ phần hóa, chuyển giá trị đền bù đối với  đất thành cổ phần để dân có được cuộc sống ổn định lâu dài.

Năm là, để tổ chức lại sản xuất cho đồng bào chúng tôi nghĩ cần tập trung giải quyết sớm những vướng mắc trong các dự án di dân tái định cư  liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống của  đồng bào dân tộc thiểu số như những tác nhân dẫn đến đói nghèo. Chúng ta không thể phủ  nhận những lợi ích của các dự án thủy  điện mang lại, nhưng không thể xem thường tác động tiêu cực của tình trạng dây dưa bố trí  tái định cư, chậm bố trí đất sản xuất trong việc vận hành quy trình điều tiết nước gây  úng lụt, xói lở đất đai canh tác của nhân dân, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm hộ  đồng bào dân tộc thiểu số và hàng trăm hộ  nông dân.

Chúng tôi thiết nghĩ để giảm nghèo bền vững cần xuất phát từ những chăm lo bình dị, thiết thực như ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe của người dân, nhất là những người dân nghèo ở vùng nông thôn, vùng khó khăn miền núi để họ có cơ hội nhiều hơn hưởng thụ những thành quả sự phát triển của  đất nước.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.