Cực kỳ nguy hiểm
Đáng lưu ý, trong các bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim là bệnh nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim chiếm tới 73%. Trên thế giới mỗi năm có tới 7 triệu người tử vong vì nhồi máu cơ tim. Tại Việt Nam, theo số liệu của Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 20 lần số tử vong do ung thư và gấp 10 lần số tử vong vì tai nạn giao thông.
Ảnh minh họa |
Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột, ngay cả trong lúc người bệnh đang ngủ, chơi hay làm việc. Nhồi máu cơ tim thường gặp ở người lớn tuổi, những người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, tim mạch, người ít vận động hoặc có thói quen hút thuốc lá, ăn nhiều muối và thực phẩm chế biến sẵn.
PGS.TS Tạ Mạnh Cường - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đa số bệnh nhân tim mạch đến khám do có triệu chứng đau ngực, hoặc đau thắt ngực và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Điều đáng báo động là có rất nhiều thanh niên trẻ tuổi cũng than phiền rằng họ gặp các vấn đề về tim mạch, tăng huyết áp… Các cơn đau ngực đôi khi chỉ xảy ra thoáng qua, bệnh nhân nghỉ ngơi là hết nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân thấy đau nhói ngực (vùng tim), đau thắt ở ngực bên trái và lan xuống cánh tay trái… người bệnh có cảm giác chưa hề đau vậy bao giờ khiến họ lo lắng và phải vào viện ngay.
Thói quen sinh hoạt
“Hầu hết mọi người đều cho rằng bệnh tim khởi phát do yếu tố di truyền, đái tháo đường, béo phì, cao tuổi. Thực tế, chế độ ăn uống và lối sống thiếu lành mạnh mới là “quả bom” gây bùng phát bệnh tim. Thói quen ăn nhiều muối, ít rau xanh, dung nạp các chất béo có hại, lười vận động, hút thuốc lá, thuờng xuyên stress, lo lắng… là những nguyên nhân phổ biến của căn bệnh này. Bên cạnh đó, người bệnh thường bỏ qua những dấu hiệu nhỏ như tăng huyết áp, khó thở, tức ngực… mà không biết rằng chúng có thể biến chứng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong đột ngột”, PGS Cường nhấn mạnh.
Đó là trường hợp anh Nguyễn Xuân T. (32 tuổi, Hà Nội), hàng ngày anh vẫn làm việc bình thường, thậm chí khỏe mạnh khi uống bia, rượu không biết say. Vốn là cai thầu xây dựng nên dường như chuyện rượu, chè với anh như cơm bữa mỗi ngày hàng chục năm trời vẫn diễn ra như thế. Cách đây 1 năm, sau khi ăn cơm tối xong, đang đứng trong nhà, bỗng anh T. thấy tay chân bên phải không điều khiển được. Người thân chạy lại đỡ và hỏi chuyện nhưng thấy anh lơ ngơ, không nói được, cũng không có phản ứng với lời của người khác. Vợ anh vội vàng đưa đến viện cấp cứu, dù được các bác sĩ điều trị tích cực nhưng đến nay anh đã bị tai biến liệt hoàn toàn nửa người.
Ảnh minh họa |
Do vậy, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho rằng việc chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch là rất cần thiết. Theo đó, ngay từ lúc còn trẻ phải cố gắng thực hiện lối sống lành mạnh để hạn chế đến mức tối đa các yếu tố nguy cơ về tim mạch. Không hút thuốc lá, thuốc lào; hạn chế rượu bia; không nên ăn mặn; hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo động vật, các thức ăn có chứa nhiều cholesterol, nên tăng cường ăn rau xanh trong các khẩu phần ăn hàng ngày; tập thể dục đều đặn và đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày (khoảng 30-45 phút mỗi ngày); tránh lo âu căng thẳng thần kinh, nên điều chỉnh để có chế độ sinh hoạt lành mạnh, chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, cần kiểm tra sức khỏe một cách thường xuyên (khoảng 6 tháng một lần) có kèm với làm một số xét nghiệm cơ bản nhất như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu… Nếu có các bệnh lý hay yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp thì cần điều trị tích cực để hạn chế tối đa các biến cố có thể xảy ra. Người đã từng bị đột quỵ còn cần phải uống các thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh căn nguyên.