| Hotline: 0983.970.780

Làm méo mó tiếng mẹ đẻ là có tội

Thứ Sáu 10/09/2010 , 09:42 (GMT+7)

Thời gian gần đây, quả thực tiếng Việt đang bị ngược đãi và bóp méo, đó là hiện tượng cần phải báo động và đáng ra, phải báo động từ lâu rồi.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
Thời gian gần đây, quả thực tiếng Việt đang bị ngược đãi và bóp méo, đó là hiện tượng cần phải báo động và đáng ra, phải báo động từ lâu rồi.  

Vị trí của tiếng Việt hiện đang bị cạnh tranh ghê gớm, trước đây trong suốt 1000 năm Bắc thuộc, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ giao tiếp trong gia đình, trong làng xóm, còn người ta đi học là học chữ Hán, đi thi là thi chữ Hán, công văn chiếu biểu cũng là chữ Hán hết. Tuy vậy, ngay trong thời điểm đó, đã xuất hiện nhiều nhà tri thức yêu nước như Nguyễn Trãi, sau này là Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương…, họ là những người rất yêu quý tiếng nói dân tộc, họ đã sáng tác thơ văn bằng tiếng dân tộc, vào thời điểm đó, đây là điều hết sức mới mẻ, chính những đóng góp của các nhà tri thức này đã góp phần bảo tồn và phát triển tiếng Việt, truyền lại cho chúng ta ngày hôm nay.

Còn vào thời Pháp thuộc, chúng ta đi học tiếng Pháp, giao tiếp nhà nước cũng bằng tiếng Pháp, tiếng Việt chỉ được dùng trong gia đình, làng xóm, những người ít học. Nhưng các nhà văn, nhà thơ thi thức yêu nước thời đó như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh,… dù rất giỏi tiếng Tây nhưng những sáng tác của họ lại bằng tiếng Việt, những sáng tác đó trở thành đỉnh cao của văn thơ Việt Nam, đỉnh cao của tiếng Việt. Thời đó, không ai tưởng tượng nổi là tiếng Việt có thể giải thích được những vấn đề khoa học. Nhưng GS Hoàng Xuân Hãn lại đi tiên phong trong việc dịch thuật ngữ tiếng Tây ra tiếng Việt.

 Ngay trong những ngày hoạt động cách mạng bí mật thì Bác Hồ cũng đã rất quan tâm đến việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, thể hiện qua các tác phẩm của Bác. Đến cách mạng Tháng 8, Đảng ta và Bác Hồ đã làm một việc chấn động mà không ai có thể làm nổi là đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia, đặc biệt là đưa tiếng Việt vào giảng dạy từ tiểu học đến đại học. Bây giờ, chúng ta có thể thấy rằng, tiếng Việt có thể đảm nhiệm được tất cả các chức năng xã hội.

 Còn bây giờ, tôi phải nói là tôi hơi buồn, dường như chúng ta tự nguyện hội nhập mà không có sự chuẩn bị gì cả. Nên khi hội nhập, tiếng Việt lại trở nên lép vế so với ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Cả anh và tôi đi ra đường và nhìn xem, quảng cáo, pa-nô, tên hiệu chỉ toàn là tiếng Anh, điều này là trái với pháp lệnh quảng cáo. Tôi còn nghe thấy rằng, một số khu phố mới của một số thành phố lớn còn đặt tên đường, tên phố toàn bằng tiếng Anh hết. Đi vào đó, tôi như đang lạc vào nước nào chứ chẳng phải Việt Nam.

Qủa thật là kì lạ, pháp luật nước nào cũng có quy định dùng ngôn ngữ “mẹ đẻ”, tiếng Anh có thể nhỏ hơn ở bên dưới. Ngoài ra, một số sách vở, luật lệ của nước mình cũng toàn dùng ngoại ngữ trong khi chúng ta có thể dịch, ví dụ như luật thương mại, có cả một chương về dịch vụ logistic, tôi đã phản đối cái này trước Quốc hội, phải dùng từ thuần Việt, tại sao không dùng là: Dịch vụ hậu cần thương mại mà phải là dịch vụ Logistic. Lúc đó, tôi bị thua và chỉ có 150 người ủng hộ, còn lại là ủng hộ người soạn thảo, nhưng tôi đảm bảo là 90% đại biểu Quốc hội không hiểu logistic là gì, ngay cả tôi, tôi cũng không hiểu!

 Bị chèn ép đã đành, thời gian gần đây, tiếng Việt còn bị sử dụng sai và bị bóp méo. Thời tôi còn thanh niên, có rất ít các tờ báo và không phải đăng tin sốt dẻo như hiện nay nên mọi người luôn đắn đo, cân nhắc từng chữ, ví dụ như ông Quang Đạm ở báo Nhân dân, các báo khác cũng vậy. Các toà báo cũng tranh cãi viết hoa như thế nào, gạch nối như thế nào, có thể nói lúc đó tiếng Việt trên báo chí, sách vở, hội nghị bị kiểm soát hơn. Còn báo chí bây giờ, họ chạy tin rất nhanh, không thể có thời gian mà đủng đỉnh như ngày xưa, ngoài ra thì ý thức của người viết hiện giờ cũng không coi trọng việc viết đúng tiếng Việt nữa nên câu cú lôi thôi lắm.

Tuy vậy, đáng buồn nhất là chuyện tiếng nước ta bị bóp méo, chủ yếu do các bạn trẻ và các bạn ấy dùng tiếng Việt méo mó này để giao tiếp trên mạng Internet. Dĩ nhiên, tự mình viết cho mình thì mình có thể viết bằng ký hiệu nhưng mà khi mình đã giao tiếp với cộng đồng thì mình phải đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt. Mạng Internet lan truyền nhanh lắm nên khó có thể kiểm soát được hậu quả của thứ tiếng Việt kì quái này. Theo tôi, chúng ta nên ngồi lại và thảo luận một cách dân chủ và rộng rãi, liệu có nên sử dụng thứ ngôn ngữ như thế không. Tôi thấy rằng, so với các thứ tiếng trên thế giới, không có thứ tiếng nào bị xuyên tạc một cách ghê gớm như tiếng Việt.

 Vậy lỗi do đâu? Có quá ít các nhà nghiên cứu, hiểu về tiếng Việt lên tiếng, nhà văn thì hầu như không ai nói, các nhà nghiên cứu thì lên tiếng một vài lần rồi cũng chìm nghỉm, còn một số người thì nương theo các bạn trẻ và cho rằng, đó là sự tiến bộ. Thay đổi trong ngôn ngữ là chuyện thường diễn ra nhưng không phải bóp méo như vậy! Các tổ chức xã hội cũng phải có trách nhiệm. Tại sao Đoàn Thanh niên không đưa vấn đề này ra bàn, thảo luận với nhau? Đó là những giải pháp có thể làm.

Ngoài ra, còn có trách nhiệm của Nhà nước trong vấn đề quản lý, chúng ta cần phải có văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề ngôn ngữ, điều chỉnh cả 3 lĩnh vực: tiếng Việt, tiếng dân tộc và ngoại ngữ và giao cho một đơn vị nào đó phù hợp quản lý, chứ như bây giờ thì không phải chuyện của Bộ GD-ĐT, cũng chẳng phải Bộ Văn hoá, Viện Ngôn ngữ thì chỉ nghiên cứu mà thôi, không có quyền hạn gì. Chúng ta hoàn toàn có thể giao cho Bộ VH-TT-DL làm việc này vì ngôn ngữ là văn hoá mà, đồng thời giao trách nhiệm cho Viện ngôn ngữ hướng dẫn đọc, viết đúng tiếng Việt. Nhìn sang Trung Quốc, người ta đã làm việc này rồi. Vậy tại sao chúng ta không làm? Đừng bóp méo tiếng Việt, vì như vậy là có tội với cha ông của chúng ta!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất