| Hotline: 0983.970.780

Lâm nghiệp Triệu Hải luôn sáng tạo, đi đầu

Thứ Bảy 22/06/2019 , 07:05 (GMT+7)

Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải của tỉnh Quảng Trị là đơn vị điển hình trong việc thực hiện trồng rừng FSC, rừng gỗ lớn đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu của ngành Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị.

Hiện 100% diện tích rừng trồng của Công ty được cấp chứng chỉ FSC, trong đó phấn đấu xây dựng 1/3 diện tích là rừng gỗ lớn.
 

Đầu tư trồng rừng và sản xuất kinh doanh

Một nội dung cơ bản của Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 là phải xây dựng vùng nguyên liệu rừng FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững) và gỗ lớn tập trung với diện tích hàng ngàn ha. Đồng thời hạn chế khai thác rừng non, chuyển hóa rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ thành cung cấp rừng gỗ lớn. Cty Lâm nghiệp Triệu Hải luôn sáng tạo, đi đầu trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu này. 

21-25-28_trieu_hi_1
Vườn cây giống phục vụ trồng rừng đạt chuẩn của Cty Lâm nghiệp Triệu Hải.

Ông Nguyễn Duy Hinh, Trưởng Phòng Quản lý - Bảo vệ rừng của Cty Lâm nghiệp Triệu Hải cho biết nhiệm vụ chính của Cty là đầu tư trồng rừng và sản xuất kinh doanh. Rừng trồng của Cty được hình thành từ nhiều nguồn vốn qua từng giai đoạn.

Ngày trước, chủ yếu là vốn đầu tư xây dựng cơ bản được Nhà nước cấp đầu tư, vốn đầu tư qua các chương trình, dự án như 327, 661. Từ ngày đổi mới mô hình hoạt động, Cty trồng rừng bằng nguồn đầu tư của đơn vị và huy động vốn liên doanh liên kết của các thành phần kinh tế.

Tính đến thời điểm này Cty Lâm nghiệp Triệu Hải đã trồng và quản lý 5.200 ha rừng trồng. Hàng năm sau mùa khai thác rừng, Cty tiến hành trồng lại rừng nên không còn đất trống. Trung bình mỗi năm Cty trồng mới từ 350 đến 400 ha rừng, khối lượng gỗ tăng trưởng bình quân hàng năm trước đây là 10 đến 12m3, nay lên từ 18 đến 25 m3/năm.

Rừng trồng của Cty đa số là cây keo, nhờ đầu tư thâm canh tốt nên rừng ngày càng có sản lượng, chất lượng cao. Để việc khai thác đúng thời gian, chu kỳ đầu tư, Cty khai thác dạng cuốn chiếu nhằm không làm vở tán rừng trong lâm phần, khai thác theo nhu cầu thị trường.

Ông Lê Hoài Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty Lâm nghiệp Triệu Hải cho biết, Cty luôn sẵn sàng bước vào sân chơi lớn của khu vực và thế giới về lĩnh vực gỗ rừng trồng nên đã chủ động tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC.

Từ năm 2012, Cty đã tham gia chuỗi sản phẩm CoC. Đến năm 2014, dự án IKIA đã giúp Cty đánh giá rừng và đến năm 2015, toàn bộ diện tích rừng của Cty được cấp chứng chỉ rừng FSC.

Chứng chỉ rừng FSC là quá trình đánh giá quản lý rừng để xác nhận chủ rừng đã đạt các yêu cầu về quản lý rừng bền vững. Từ khi rừng có chứng chỉ FSC giá bán gỗ rừng của Cty tăng lên từ 20 đến 30% so với rừng bình thường.

21-25-28_trieu_hi_2
Kiểm tra rừng FSC của Cty.

Lợi ích ý nghĩa nhất là Cty tham gia xây dựng đạt chuẩn rừng FSC đã tạo thêm việc làm ổn định cho đội ngũ lao động của đơn vị mình, môi trường lao động tại rừng FSC được an toàn, không sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức. Ngoài ra còn tạo việc làm và tăng thu nhập hàng năm cho từ 200 đến 300 lao động là người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội,từng bước nâng cao nhận thức của người dân về quản lý và bảo vệ rừng.
 

Đi đầu trồng rừng gỗ lớn

Thực tế đang có nhiều chủ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chủ yếu trồng rừng cung cấp nguyên liệu dăm gỗ, với chu kỳ rừng kinh doanh 5 đến 6 năm tuổi là khai thác, giá bán khoảng 50 đến 60 triệu đồng/ha. Do nguyên liệu dăm gỗ chiếm 95% và tỷ lệ gỗ xẻ chỉ chiếm 5% nên giá bán trên cùng diện tích rừng còn khá thấp.

Nhận thức sớm vấn đề này, trong quá trình phát triển của mình, Cty Lâm nghiệp Triệu Hải đã chia toàn bộ diện tích rừng FSC thành hai chu kỳ phát triển. Một phần diện tích vẫn phát triển rừng dăm gỗ để khai thác bán cung cấp nguyên liệu cho đối tác cũng như kịp thời lấy vốn tái đầu tư phát triển rừng.

Diện tích còn lại trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ 10 đến 12 năm tuổi cung cấp gỗ xẻ phục vụ cho chế biến gỗ nội thất, ngoại thất nên giá bán cao gấp nhiều lần so với trồng rừng cung cấp dăm gỗ.

Ông Nhân cho biết kinh doanh rừng gỗ lớn kết hợp với gỗ nhỏ cần tỉa thưa nhân tạo ở giai đoạn 4 đến 5 năm tuổi. Nếu không tỉa thưa, khi đến thời điểm 10 năm tuổi rừng trồng cũng sẽ tự tỉa thưa tự nhiên, chỉ còn 50 đến 60% số lượng cây và đến 12 tuổi chỉ còn lại gần 40% số cây đã trồng.

Sau khi trồng rừng đến 10 năm, năng suất gỗ trung bình hàng năm tăng dao động từ 17 đến 22 m3/ha. Trữ lượng gỗ cây đứng dao động từ 160 đến 200 m3/ha. Sau 12 năm tuổi, trữ lượng gỗ đạt từ từ 168 đến hơn 215 m3/ha. Với trữ lượng và khối lượng như vậy bán gỗ từ rừng trồng gỗ lớn thu về hơn 200 triệu đồng/ha, hơn rất nhiều trồng rừng cung cấp dăm gỗ.  

Hiện tỉnh Quảng Trị đang khuyến khích các công ty lâm nghiệp, các chủ rừng chuyển đổi dần phương thức trồng rừng từ cung cấp nguyên liệu dăm gỗ sang kinh doanh gỗ lớn để nâng cao tỷ lệ gỗ xẻ có đường kính ≥15cm đạt 50 đến 60%/ha để cung cấp nguyên liệu gỗ cho ngành chế biến xuất khẩu. Hạn chế trồng rừng kinh doanh nguyên liệu dăm gỗ và có quy hoạch quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh.

Đối với các diện tích đã khai thác trồng lại rừng, khuyến khích các chủ rừng sử dụng các loại giống tốt và chọn các biện pháp thâm canh rừng thích hợp, tạo ra các khu rừng gỗ lớn tập trung đạt năng suất, chất lượng cao để cung cấp gỗ xẻ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

21-25-28_trieu_hi_3
Rừng gỗ lớn của Cty Lâm nghiệp Triệu Hải.

Theo ông Lê Hoài Nhân người tiêu dùng và thị trường thế giới luôn quan tâm các sản phẩm rừng, đặc biệt là gỗ lớn xuất khẩu tiêu thụ trên thị trường có thể được sản xuất ra một cách an toàn đối với môi trường như không làm mất rừng hay suy giảm chất lượng rừng, hoặc ngược lại, một cách không an toàn, tức là tác động xấu đến môi trường. Vì vậy thị trường chỉ chấp nhận tiêu thụ các sản phẩm gỗ lớn có chứng chỉ an toàn môi trường.

Nhiều quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã thực hiện chính sách chỉ cho phép gỗ lớn có chứng chỉ được tham gia vào thị trường của họ. Đến những năm đầu thế kỷ này nhóm 8 nước phát triển nhất của thế giới tuyên bố các chính phủ thành viên cam kết tìm biện pháp đáp ứng những nhu cầu về gỗ và nguyên liệu giấy của mình chỉ từ những nguồn hợp pháp và bền vững. Tất cả những tiêu chí này Cty Lâm nghiệp Triệu Hải đều đáp ứng được, sẳn sàng cho sân chơi lớn.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, công cụ thương mại được coi là chìa khoá để thực hiện cam kết của các nước thành viên thực hiện quản lý rừng bền vững.

Người tiêu dùng và người sản xuất đều mong muốn sản phẩm của họ được làm ra và được mua từ gỗ phải có nguồn gốc là rừng được quản lý bền vững.

Tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm phát triển rừng FSC và rừng gỗ lớn nên việc Cty Lâm nghiệp Triệu Hải tham gia chứng chỉ rừng FSC và phát triển rừng gỗ lớn là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thời đại.

(Kiến thức gia đình số 25)

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.