| Hotline: 0983.970.780

Làm rõ kiến nghị của dân bản Khì

Thứ Sáu 28/09/2012 , 10:23 (GMT+7)

Tháng 6/2000, Lâm trường Quỳ Hợp đến bản Khì, xã Châu Cường, Quỳ Hợp (Nghệ An) ký hợp đồng trồng 59,6ha rừng với 16 hộ dân.

Tháng 6/2000, Lâm trường (LT) Quỳ Hợp thuộc Cty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu (gọi tắt là Cty Sông Hiếu) đến bản Khì, xã Châu Cường, Quỳ Hợp (Nghệ An) ký hợp đồng (HĐ) trồng 59,6ha rừng với 16 hộ dân.

Năm 2008, LT vào khai thác, nhưng đã bị dân ngăn cản, với lý do khi ký HĐ, cán bộ LT nói đây là Chương trình 327 nên khi khai thác thì dân sẽ được 3/2 lợi nhuận.

Do vậy các năm từ 2008 đến 2011, LT Quỳ Hợp đã phải đình chỉ việc khai thác để tiếp xúc với dân, phân tích rằng đây không phải rừng phòng hộ thuộc Dự án 327, mà đây là rừng trồng sản xuất do vốn của LT bỏ ra thuê dân trồng. Tuy vậy, các cuộc thương thảo vẫn không mang lại kết quả như LT mong muốn.

Tuy nhiên đến ngày 9/8/2012, LT Quỳ Hợp đã chính thức đưa quân đến bản Khì để khai thác. Và thêm một lần nữa dân bản lại phải đội đơn đến các cơ quan hữu trách nhờ can thiệp. Trước lúc vào bản, ông Lô Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Châu Cường, bảo với tôi: Đường từ thị trấn huyện lên đây đã khó, bây giờ trời đã quá chiều nên anh vào đó e không được, bởi núi rừng khe suối cheo leo lắm, mặt khác việc LT Quỳ Hợp đang khai thác rừng đã được các cơ quan cho phép.

Dẫu vậy, khi tôi đến bản Khì thì cũng là lúc dân bản ùa ra nhìn cánh rừng keo do LT đang khai thác rồi bảo: Cán bộ ơi, rừng này là do dân ta trồng từ năm 2000, khi ký HĐ, cán bộ LT nói đây là dự án 327, dân cứ trồng và chăm sóc cẩn thận, đến khi khai thác thì được hưởng 2/3 lợi nhuận. Thế mà bây giờ họ lại nói đây là rừng sản xuất, vốn của họ bỏ ra thuê dân trồng thì lợi nhuận là của LT cả.


Dân bản Khì đang cung cấp thông tin cho NNVN

Để chứng minh cho việc làm của dân là đúng, ông Lô Thanh Chuyên và ông Lộc Văn Ích thay mặt 16 hộ dân đưa chúng tôi xem nhiều văn bản. Trong đó có đơn gửi các cơ quan chức năng với nội dung: “Cuối năm 1999 đến đầu năm 2000, LT Quỳ Hợp cử một đoàn cán bộ vào bản Khì vận động dân bản không trồng nương rẫy nữa mà hãy trồng rừng cho LT theo Dự án 327 của Chính phủ thì sẽ thu được lợi ích kinh tế cao hơn. Trong quá trình tuyên truyền, cán bộ LT còn đưa văn bản do ông Thái Khắc Phi, Phó Tổng giám đốc Cty Sông Hiếu ký ngày 8/4/1997 nói rõ người nhận khoán trồng rừng sẽ được hưởng 2/3 sản phẩm rừng sau khi thu hoạch. Văn bản của ông Phi giao cho các LT (trong đó có LT Quỳ Hợp) thực hiện kể từ ngày 8/4/1997 đến ngày 30/12/2001’’.

Biên bản họp xóm giữa cán bộ LT và dân bản ngày 4/2/1999 cũng ghi rõ điều này. Xem qua hàng loạt HĐ (bản phô tô) trồng rừng, tôi bảo: HĐ không có khoản nào nói phân chia lợi nhuận cho dân, vậy làm sao dân lại đòi LT chia lợi nhuận? Nghe vậy ông Chuyên và ông Ích bảo: “Do thấy việc trồng rừng cho LT theo Dự án 327 sẽ có lợi hơn làm nương rẫy nên 16 hộ dân đã bỏ nương rẫy của mình đang sản xuất để ký kết trồng 59,6ha rừng với LT. Các HĐ đã được dân ký, ông Ngô Xuân Quảng, Giám đốc LT ký, và Chủ tịch xã Châu Cường Vi Thanh Hải ký tên đóng dấu. Nhưng đến năm 2004, ông Quảng vào bản Khì kiểm tra rừng và mời dân bản một bữa ăn, sau rồi ông Quảng đề nghị dân mang tất cả các HĐ ra để ông mang về LT đóng dấu, vì khi ký HĐ ông Quảng đã ký nhưng chưa đóng dấu. Do tin lời nên tất cả 16 hộ dân đã mang HĐ ra cho ông Quảng mượn".

Đến năm 2008, khi LT vào khai thác thì dân bản ra ngăn cản và đòi LT trả lại HĐ cho dân. Mấy hôm sau, ông Quảng (đã về hưu) cho người đưa HĐ đến, nhưng tất cả là bản phô tô không có chữ ký và con dấu của Uỷ ban xã, tiêu đề HĐ trước đây là HĐ trồng rừng phòng hộ thì nay họ đã tẩy chữ "phòng hộ" rồi viết tay vào thành chữ "sản xuất". Dân thắc mắc thì ông Quảng nói ngày trước chỉ làm có vậy. Nghĩa là LT chỉ ký với dân là trồng rừng sản xuất nên quyền khai thác là của LT chứ dân không được chia lợi nhuận.

Rời bản Khì, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Văn Thâm, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật của LT hiện đã nghỉ hưu tại khối 3, thị trấn Quỳ Hợp. Ông Thâm nói: "Năm 1999-2000, tôi được Giám đốc LT giao trực tiếp triển khai chương trình trồng rừng với dân bản Khì. Chính tôi là người đi viết HĐ với từng hộ dân. Bản HĐ gốc đã có mẫu in sẵn với tiêu đề là: “Hợp đồng kinh tế trồng rừng phòng hộ thuộc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng’’. Tất cả các HĐ tôi đã đến Chủ tịch xã Châu Cường ký tên đóng dấu xác thực".

 Khi chúng tôi đưa một số HĐ phô tô để ông Thâm xem thì ông Thâm đã ký xác thực vào phía sau một bản HĐ: “Đây là hợp hợp đồng giả’’. Đến ông Vi Thanh Hải, nguyên Chủ tịch UBND xã Châu Cường (nay đã nghỉ hưu), cũng nhận được xác nhận: “Năm 2000, tôi là chủ tịch xã đã ký tên đóng dấu xác thực vào tất cả các hợp đồng mà dân bản Khì đã ký trồng rừng với LT’’.

Vụ việc vẫn đang còn nhiều uẩn khúc chưa có câu trả lời xác đáng, thiết nghĩ tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm làm rõ những yêu cầu chính đáng của người dân bản Khì.

Đến LT Quỳ Hợp, Giám đốc Lê Thanh Hải đưa ra một tập HĐ rồi bảo: Tất cả các HĐ mà LT đã ký với dân bản Khì không có khoản nào nói phân chia lợi nhuận, do vậy việc khai thác là quyền của LT, đã được Sở NN-PTNT Nghệ An cho phép tại QĐ số 630/QĐ.NN.LN do Phó GĐ Võ Duy Việt ký ngày 6/10/2008.

Ông Hải còn cung cấp thêm các văn bản như Công an huyện, UBND huyện…Tất cả các văn bản này đều cho rằng việc LT Quỳ Hợp khai thác rừng trồng tại bản Khì là đúng như HĐ đã được ký kết. Tuy nhiên khi xem kỹ các HĐ tại LT thì chúng tôi thấy phía dưới các bản HĐ đều in sẵn: Hợp đồng này đã được đăng ký tại UBND xã… nhưng tại sao lại không có ai ký tên đóng dấu? Mặt khác các HĐ đều có 3 tờ, nhưng tại sao lại không được đóng dấu giáp lai? Trả lời về vấn đề này, ông Hải bảo: HĐ trước đây chỉ có vậy!

Tại Cty Sông Hiếu, khi chúng tôi đặt vấn đề về những kiến nghị về bản HĐ gốc mà dân bản Khì đã ký với LT hiện đang ở đâu, thì Tổng giám đốc Hồ Đình Thế trả lời: Bản HĐ Cty không lưu giữ, mà chỉ có ở LT. Vậy tại sao năm 1997 ông Phi lại gửi thông báo đến các LT để các LT thực hiện trồng rừng phòng hộ theo Chương trình 327 đến hết năm 2001? Ông Thế bảo: Nhưng mà lúc đó Cty chỉ phân chỉ tiêu cho LT Quỳ Hợp trồng rừng sản xuất…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất