| Hotline: 0983.970.780

Lâm sản ngoài gỗ, tiềm năng bỏ ngỏ

Thứ Hai 26/10/2015 , 14:10 (GMT+7)

Với hơn 14 triệu ha rừng, lâm sản ngoài gỗ (LSNG) bao đời nay đã gắn với sinh kế của hàng triệu nông dân gắn với nghề rừng. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng, tiến tới xây dựng một số sản phẩm LSNG thành ngành hàng lớn thì còn là vấn đề nan giải.

Sản phẩm đa dạng

Nhằm rà soát thực trạng, nắm bắt khó khăn và giải đáp những vướng mắc trong thực tiễn của bà con nông dân làm nghề rừng trong quá trình khai thác, SX các sản phẩm LSNG, cuối tuần qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp tại tỉnh Hòa Bình.

Nhiều vấn đề xoay quanh việc khai thác tiềm năng của LSNG đã được nhiều đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý đưa ra phân tích mổ xẻ.

Là tất cả những sản phẩm khai thác từ rừng không phải là gỗ, LSNG vô cùng đa dạng, bao gồm nhiều nhóm như cây dược liệu (quế, hồi, sa nhân, ba kích, cam thảo…); nhóm thực phẩm (mật ong, măng tre, nấm, thảo quả…); nhóm cây nguyên liệu chế biến (thông nhựa, tre, nứa, mây…)...

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tính đến năm 2014, cả nước có khoảng 36/63 tỉnh thành gây trồng, khai thác các loại LSNG với diện tích trên 1,63 triệu ha, chiếm 13% diện tích đất có rừng. Trong đó, diện tích LSNG có khả năng khai thác từ rừng tự nhiên trên 1,1 triệu ha; diện tích LSNG được trồng xấp xỉ 470 nghìn ha.

Trong các sản phẩm LSNG, nhóm cây nguyên liệu chế biến như tre, nứa, luồng, trúc chiếm đa số với trên 47% (tương đương gần 770 nghìn ha); nhóm cây mây các loại chiếm 22,4%; thông khai thác nhựa 255 nghìn ha (chiếm 15,6%) và quế gần 81 nghìn ha, chiếm 4,9% tổng diện tích.

Đáng kể nhất là diện tích tre, nứa thuần loài trong rừng tự nhiên cũng như rừng tre luồng có xu hướng tăng lên và giữ ổn định ở mức từ 700 – 800 nghìn ha trong những năm gần đây, trong đó có 37 tỉnh, thành trên cả nước đã hình thành được rừng tre nứa tập trung với quy mô xoay quanh 10 nghìn ha. Bên cạnh đó, các loại cây như thông, trẩu, quế, hồi, dẻ, dó trầm và một số loại cây thuốc như thảo quả, sa nhân, ba kích, sâm Ngọc Linh… cũng được người dân chủ động phát triển diện tích với quy mô tập trung theo hướng SX hàng hóa. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ XK.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, kết quả điều tra tại các cửa khẩu phía Bắc cho thấy hiện nay, Việt Nam có không dưới 3.000 chủng loại XK qua thị trường Trung Quốc, trong đó nhóm mặt hàng thủ công mỹ nghệ phong phú nhất với khoảng 2.000 chủng loại. Trong đó, XK tre nứa khoảng 600 triệu cây/năm; song mây từ 60 – 80 nghìn tấn/năm. Mặt hàng tre mây, cói thảm chiếm tỉ trọng chủ yếu trong XK và duy trì ở khoảng 200 – 250 triệu USD/năm và liên tục tăng trong những năm gần đây.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học đã lắng nghe và giải đáp hàng trăm câu hỏi của nông dân đến từ các địa phương của tỉnh Hòa Bình liên quan đến cơ chế, chính sách, định hướng dành cho phát triển LSNG; giống, kỹ thuật SX, đầu ra sản phẩm, tác dụng y học… của nhiều loại LSNG là dược liệu như kim tiền thảo, giảo cổ lam, ba kích; xạ đen; các loại cây LSNG mới như mắc ca…

Không chỉ có thị trường Trung Quốc, các mặt hàng LSNG của Việt Nam hiện đã được XK qua khoảng 90 quốc gia, trong đó thị trường Nhật Bản và Đài Loan chiếm thị phần cao và ổn định.

Hướng tới XK 800 triệu USD

Cùng với nhiều chương trình hỗ trợ phát triển LSNG, giai đoạn 2011 – 2015, thông qua các dự án khuyến nông quốc gia, hàng loạt các dự án đã được triển khai, trong đó một số chương trình dự án LSNG đã và đang đem lại hiệu quả cao như: Dự án trồng rừng cây LSNG dược liệu, có quy mô 180 ha tại 3 tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên và Hà Giang cho lợi nhuận trên 230 triệu đồng/ha; Dự án trồng cây LSNG làm thực phẩm tại Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái với quy mô 213 ha; Dự án trồng cây mây làm nguyên liệu tại 11 tỉnh…

Năm 2009, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đề án quy hoạch các làng nghề gắn với vùng nguyên liệu LSNG, với mục tiêu đến năm 2020, đưa kim ngạch XK các mặt hàng LSNG lên con số từ 700 – 800 triệu USD (so với hiện nay khoảng 200 triệu USD).

Mặc dù tiềm năng còn lớn, tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này sẽ cần có bước đột phá trên thực tiễn, bởi LSNG hiện vẫn chưa có chính sách riêng biệt, chủ yếu chỉ được lồng ghép trong các chương trình, dự án phát triển bảo vệ rừng nói chung.

Theo ông Trần Văn Khởi, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bên cạnh việc thiếu chính sách cho LSNG, nhận thức của người trồng rừng về LSNG còn rất hạn chế, thậm chí còn chưa nắm được khái niệm thế nào là lâm sản ngoài gỗ nên còn hết sức mù mờ về chủ trương chính sách, pháp luật dành cho LSNG, dẫn tới chưa tiếp cận được với chính sách hỗ trợ nghề rừng để phát triển LSNG.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm LSNG hiện nay là dược liệu, được ngành y tế sử dụng chế biến, nhưng ngành nông nghiệp lại chủ trì việc SX. Trong khi đó, giữa ngành y tế và nông nghiệp hiện vẫn chưa có tiếng nói chung để gắn kết với nhau.

“Nhất là vấn đề về giống cây dược liệu, hiện ngành nông nghiệp chưa chú trọng và công nhận được giống nào mới, đây là điểm yếu thời gian tới cần phải quan tâm”, ông Khởi nhấn mạnh.

Xem thêm
Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm