| Hotline: 0983.970.780

Tôi đau lòng khi người ta thi nhau chặt cây phượng vô tội vạ

Chủ Nhật 07/06/2020 , 10:00 (GMT+7)

NNVN đã trao đổi với tiến sĩ La Vĩnh Hải Hà – Phó Trưởng khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM về giải pháp cho tình trạng thi nhau đốn bỏ cây phượng...

Tiến sĩ La Vĩnh Hải Hà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tiến sĩ La Vĩnh Hải Hà. Ảnh: Nhân vật cung cp.

Thưa tiến sĩ, được biết cây phượng là loại cây hạn chế trồng trong đô thị, tiến sĩ cho biết đặc điểm sinh trưởng, phát triển loại cây này như thế nào?

Phân loại nhóm gỗ theo Tiêu chuẩn Việt Nam, phượng vĩ thuộc nhóm 7 là nhóm gỗ nhẹ, sức chịu lực kém, sức chống mối mọt thấp, rễ cây có xu hướng ăn ngang thuộc nhóm rễ chùm.

Nếu trồng trong môi trường đô thị sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi tác động đô thị hóa, cây khoảng 30 tuổi là đã già cỗi, nguy cơ mục ruỗng rất cao dẫn đến dễ gãy đổ. Đối với khu vực nông thôn cây có thể duy trì đến 40 năm tuổi hoặc hơn.

Việc trồng cây phượng trong đô thị có những hạn chế gì so với vùng nông thôn, thưa tiến sĩ?

Ở đô thị, cây phượng nói riêng và các loại cây xanh nói chung bị tác động nhiều bởi quá trình đô thị hóa như: việc xây dựng cơ sở hạ tầng làm đất bị dồn nén khiến rễ cây khó phát triển; việc thi công các công trình đường ống nước, cáp quang, cống rãnh… khiến rễ cây bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, thông thường các khu vực đô thị có tầng đất phù sa bồi lắng, nhiều nơi còn pha cát nên khi trời mưa lớn kèm theo gió, lốc cây sẽ khó trụ vững bởi đất rất dễ ngập úng…

Ở nông thôn quỹ đất rộng nên đáp ứng tốt hơn cho sự sinh trưởng phát triển tự nhiên của cây, nhất là bộ rễ cây sinh trưởng không bị giới hạn nên cây có khả năng chống chọi tốt với thiên nhiên hơn…

Hiện trường cây phượng tại trường THCS Bạch Đằng Q3, TP.HCM ngã đổ. Ảnh: Trần Trung.

Hiện trường cây phượng tại trường THCS Bạch Đằng Q3, TP.HCM ngã đổ. Ảnh: Trần Trung.

Để đảm bảo cây phượng, cây xanh đang hiện hữu trong nhà trường an toàn thì kỹ thuật chăm sóc như thế nào?

Cây xanh phát triển phụ thuộc vào không gian nơi trồng, mỗi nhà trường có một khuôn viên khác nhau, nên không gian phát triển cây xanh khác nhau, từ đó kỹ thuật chăm sóc cũng khác nhau. Để đảm bảo an toàn, các trường cần có sự tư vấn của các chuyên gia, hoặc đội ngũ chuyên gia công trình đô thị để có giải pháp thích hợp.

Đối với cây phượng, phượng có đặc tính rễ ăn ngang và có xu hướng trồi lên mặt đất, do quỹ đất hẹp, đa số các trường bê tông hóa quá sát gốc cây, từ đó gây ức chế bộ rễ ảnh hưởng sự phát triển của cây.

Theo đó, để đảm bảo bộ rễ phát triển khỏe mạnh, trước hết cần phải tạo không gian sinh trưởng cho hệ rễ phát triển, ô đất quanh gốc cây tối thiểu là 1,5 mét vuông. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra, tỉa cành, tạo tán, không nên để cây quá cao. Đối với cây trưởng thành, chiều cao cây không nên vượt quá 10 mét để đảm bảo tính mỹ quan và an toàn cho học sinh.

Hiện nay có một số trường thực hiện giải pháp kiềng chân cây xanh, tiến sĩ đánh giá giải pháp đó như thế nào?

Việc kiềng cây xanh hiện nay cũng là một trong những giải pháp tốt, thế nhưng cần phải chú ý đến kỹ thuật kiềng làm sao không làm cây tổn thương. Đồng thời cần đánh giá xem xét chất liệu nào là phù hợp bởi nếu bằng kim loại nên tránh các loại kim loại bị oxi hóa theo thời gian, từ đó không những không đem lại hiệu quả còn gây lãng phí nguồn tài nguyên. Ngoài ra cũng phải đảm bảo vẻ mỹ quan đô thị. Theo tôi, tốt nhất vẫn là công tác chăm sóc cây theo đúng quy trình kỹ thuật.

Theo tiến sĩ, ngoài phượng thì cây nào phù hợp nhất trồng trong trường học?

Việc trồng cây xanh trước hết phải thỏa mãn 2 yếu tố, ngoài vẻ mỹ quan thì an toàn tính mạng cho con người là trên hết. Do đó nên chọn những loại cây có bộ rễ cọc, thân gỗ tốt hoặc các loại cây có có đặc điểm sinh học tự nhiên thiên về thân nhỏ, chiều cao thấp như bằng lăng hoặc lộc vừng…

Tuy nhiên, dù là phượng hay bất cứ cây gì, theo thời gian và quy luật tự nhiên, rễ cây cũng sẽ bị thoái hóa, thân cây bị mục ruỗng nên trước khi trồng bất cứ cây gì cần thường xuyên kiểm tra, chăm sóc cây để cây đảm bảo khỏe mạnh, phát triển tốt là yếu tố tiên quyết.

Trường THCS Bạch Đằng Q3, TP.HCM nơi xảy ra vụ việc ngã đổ cây phượng gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Trần Trung.

Trường THCS Bạch Đằng Q3, TP.HCM nơi xảy ra vụ việc ngã đổ cây phượng gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Trần Trung.

Từ sau vụ việc cây phượng ở Quận 3, TPHCM bị ngã đổ khiến nhiều học sinh gặp nạn, nhiều trường đang thi nhau đốn bỏ các loại cây xanh trong sân trường, trong đó có cây phượng. Tiến sĩ có suy nghĩ gì về việc này?  

 Như đã nói ở trên, chúng ta phải xem lại, nếu không phải là phượng, mà trồng vào đó cây bàng, sưa, trắc, gụ, thậm chí là cây cẩm lai thì có xảy ra tình trạng tương tự không? Bất cứ cây nào cũng đều có những tuổi đời nhất định và mục ruỗng đi theo quy luật của tạo hóa.

Từ vụ cây phượng đổ, khiến nhiều học sinh không may gặp nạn ở Quận 3 TP.HCM, là một nhà giáo tôi cũng đau lòng. Thế nhưng càng đau lòng hơn khi thấy người ta bắt đầu thi nhau chặt hạ cây phượng, kể cả cây xanh vô tội vạ thay vì chỉ nên chặt một số cây bị chết và một viễn cảnh sân trường trống trơn, không một bóng cây đang hiện hữu… Điều đó thật đáng buồn!

Tôi được biết, từng địa phương cũng có quy định riêng về những loại cây hạn chế trồng hoặc cấm trồng… Các trường học cần tìm hiểu kỹ quy định về quản lý cây xanh đô thị của Chính phủ và của địa phương để chọn cây trồng phù hợp. Tuy nhiên, quan trọng nhất là việc chăm sóc cây thật tốt, tránh tình trạng chặt, hạ cây xanh vô tội vạ.

Xem thêm
Khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Đất đai

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa Luật Đất đai số 31/2024/QH15 vào cuộc sống.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hiệu trưởng bắt học sinh đi lao động nếu không dự hội trại có thu phí

THỪA THIÊN - HUẾ Yêu cầu học sinh phải đi lao động nếu không dự hội trại là chưa khoa học, không phù hợp với mục tiêu của hoạt động giáo dục, dễ nảy sinh suy nghĩ nhạy cảm.

Bình luận mới nhất