| Hotline: 0983.970.780

Làm sao ngăn được cái trớn tuột dốc của con gái út đây cô?

Thứ Hai 10/07/2017 , 06:31 (GMT+7)

Cô ơi, khi bị chị với mẹ dồn thì nó mới kể thật là môi trường THCS của chúng nó rất tồi tệ. Vô lớp, trai gái không chào nhau bằng nói kháy, nói ghẹo, hay là nói vui như trước mà nam sinh bóp nữ sinh...

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu là người phụ nữ gia đình, chăm sóc hai đứa con gái cho chồng an tâm làm ăn kiếm tiền nuôi mấy mẹ con. Cháu và chồng chỉ lướt web thôi chớ không thích lập facebook, thấy không cần thiết, không có nhu cầu.

Hồi con gái lớn của cháu học phổ thông, thế giới chưa bị thống trị bởi tâm lý chạy theo tiện ích điện tử. Con của cháu cũng có e-mail như bạn bè trang lứa, cháu có biết và thỉnh thoảng nó khoe những đứa bạn của nó viết thư hay hoặc là gởi cho nó những tài liệu bổ ích cho học tập cũng như thường thức gia đình, đời sống. Khi nó trưởng thành, vô cao đẳng thì làn sóng facebook mới xô tới.

Nhưng đứa con gái nhỏ của cháu thì mê điện thoại thông minh từ hồi tiểu học. Mấy năm nay nó có facebook mà không chịu kết với chị. Cuối cùng, cháu “làm việc” một trận, nó mới để cho chị làm bạn với nó. Phải nói hồi nó chưa cho chị tương tác thì đọc những gì hiện bên trên cũng thấy hoảng rồi cô. Bây giờ, chị nó đọc hết nó từ đầu, phát hiện nó bắt đầu hư từ hồi lớp 8. Nay nó vừa xong lớp 9, kết quả thi vô lớp 10 rất khả quan nhưng tư cách của một thiếu nữ hiện ở trên facebook thì không thể nào chấp nhận được.

Cô ơi, khi bị chị với mẹ dồn thì nó mới kể thật là môi trường THCS của chúng nó rất tồi tệ. Vô lớp, trai gái không chào nhau bằng nói kháy, nói ghẹo, hay là nói vui như trước mà nam sinh bóp nữ sinh, nữ sinh bóp lại ở dưới háng để chào. Thầy cô có biết không, có thấy không? Mở miệng ra thì văng tục, chúng nó chỉ chờ ra khỏi cổng trường là văng tục, như là hát đó cô. Nghe mà không dám tin luôn đó cô.

Cũng tại vì chồng cháu làm ăn hay đi xa, khi gặp con thì chỉ có cưng chiều nên hồi lớp 8 anh ấy có thưởng cho con út một chiếc iPhone 5 (cũ nhưng còn tốt). Có lẽ anh đã cung cấp cho nó một phương tiện tuyệt vời. Bây giờ lấy lại thì nó có thể bỏ học đó cô mà trên facebook của nó cô ơi, bạn ảo làm nam sinh lớp 12 rất nhiều, gởi cho nó những lời mời tục, bắt nó chụp ảnh gợi gởi cho chúng nữa cô.

Làm sao ngăn được cái trớn tuột dốc của con gái út đây cô? Cháu quá lo sợ khi phát hiện ra những điều xằng bậy trên đó. Nhưng về mặt học thì nó vẫn khá, với gia đình, nó như một đứa khác, chỉ trên facebook là nó thành đứa khác thôi cô.

Cháu thân mến!

Dồn dập những lá thư kêu ca về tình trạng con cái nghiện điện thoại thông minh và Facebook. Xã hội sao mà nhiều những tiếng kêu cứu đến vậy, kêu để giải cứu, giải cứu nông sản, giải cứu học thêm dạy thêm, giải cứu quá tải bệnh viện, giải cứu thất nghiệp, chả lẽ lại đến lúc giải cứu trẻ con khỏi smartphone?

Vấn đề của con cháu nằm ở tệ nạn học đường của THCS. Tiểu học còn tạm an tâm, không mấy bạo lực, không nói bậy chửi thề và nghiện nét, nghiện phây. Lên cấp II thì ôi thôi, bao nhiêu video clip về chuyện đấm đá hành xử nhau. Nhưng chửi thề thì ai có thể clip về nó được mặc dù ai cũng biết và cũng oán thán, sao các trò cấp II hư hốt dữ vậy? Các thầy cô ở đâu, họ có mắt không, có biết không?

Cô đồ rằng thầy cô biết hết nhưng họ có tâm tư của họ, họ chán, họ không muốn làm hết sức mình. Cảm giác như xã hội đóng băng, làm sao phá được lớp băng này? Cũng không nên trách thầy cô, bài vở giáo khoa nhiều đến nỗi dạy không kịp thở, thầy cô kiệt sức, học trò học như trong u mê, càng cải cách càng ứ hự. Thật không hiểu sao môi trường giáo dục mà bị ô nhiễm như vậy.

Cha mẹ không nỗ lực xây cho con một cái lồng tốt thì con cái sẽ xổ ra và bị ô nhiễm. Cháu cần lập facebook để chơi với con, kết bạn với con và giám sát nó. Chồng cháu bận làm ăn và hay đi, đó là trách nhiệm và công việc của cậu ta, cháu ở nhà, bây giờ không có nghĩa là cơm và nước mà còn là bạn bè văn minh với con. Cháu không rành về các thứ điện tử, cháu sẽ không đồng hành với con được đâu. Cũng như bây giờ mà mù tịt tiếng Anh thì có khác nào mình mù chữ không kia chứ.

Vì vậy mà thời buổi nó khiến người lớn, bậc làm cha làm mẹ phải luôn tự học, cập nhật và thông thạo nhiều việc, nhất là kỹ năng sống ở thành phố. Phải nhớ con đã lớn, vừa mềm vừa cứng, tùy lúc tùy chuyện để hiểu và uốn nắn nó. Nhà cháu còn đứa con gái lớn, chị và em, có khi nó hữu ích lúc này với em hơn cả mẹ. Đừng quá hốt hoảng, con người đang nổi loạn chưa phải là con người thật của nó, đó chỉ là con người xu hướng, con người bề ngoài, con người ra vẻ thích nghi của nó thôi. Hãy gắng tin sâu xa nó là đứa học được, đứa của con nhà ngoan ngoãn, nói với nó niềm tin ấy để nó tự tin và phấn đấu. Chủ động tìm bạn giỏi để nó chơi được với một hai đứa đó thôi, rồi từ từ, mình gò nó vào quỹ đạo người tử tế. Và cũng hy vọng môi trường cấp III sẽ khác.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.