PGS.TS Vũ Năng Dũng |
Đất sản xuất đang bị bạc đãi
Ông có thể cho biết tình hình đất nông nghiệp hiện nay đã thay đổi như thế nào so với trước kia?
Sau 1975 là thời kỳ mở đất lớn nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Trước đó chúng ta có 6,9 triệu hecta đất canh tác nông nghiệp, là thành quả của 4.000 năm lịch sử ông cha ta khai thác. Nhưng đến nay, sau 40 năm chúng ta đã có 10,5 triệu hecta đất nông nghiệp, nghĩa là mở rộng thêm được hơn 4 triệu hecta. Đó là tốc độ mở rộng đất nông nghiệp nhanh nhất, thành công nhất. Chúng ta đã khai thác được những vùng đất rất màu mỡ và đạt được những thành tựu tuyệt vời trong nông nghiệp.
Năm 1988 Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu lương thực nhưng năm 1989 đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo. Hiện nay, cà phê vối chúng ta đứng đầu thế giới. Tiêu cũng đứng đầu thế giới. Thế rồi thủy sản rồi nhiều ngành hàng nữa giúp cho nông nghiệp năm 2017 xuất khẩu 36,5 tỉ USD. Theo tôi, nông nghiệp là ngành phát triển thành công nhất trong các ngành kinh tế. Không một nước nào có bình quân diện tích đất canh tác chỉ khoảng 1.000 m2/người nhưng lại xuất khẩu được nhiều như Việt Nam. Trước đây chưa mấy ai biết đến nông nghiệp của chúng ta thì bây giờ thế giới nhiều người đã biết, đã muốn đến học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh đó là những tồn tại. Đất đai một số vùng bị suy thoái đến ngưỡng báo động bởi chúng ta đã bón phân hóa học quá nhiều, quá lâu khiến đất trở nên chai cứng. Năng suất lúa có thể đạt 6 - 7 tấn/ha đấy nhưng chất lượng sản phẩm không tốt, không an toàn. Thêm vào đó là biến đổi khí hậu khiến nguy cơ bị hoang mạc hóa là có thật ở các vùng ven biển Nam Trung bộ, một số vùng ở Tây Bắc, Tây Nguyên.
Bởi thâm canh quá cao, bón nhiều phân hóa học, ít phân hữu cơ khiến chất lượng đất suy giảm. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này quả thực rất khó. Theo tôi nghĩ, nông dân không lười đâu nhưng bởi hiệu quả của việc bón phân hữu cơ không cao nên họ không muốn làm. Hơn thế, nhà cửa vườn tược của nông dân hiện nay rất chật chội nên chỗ để chất thải đồng ruộng, chỗ để ủ phân rất khó.
Khó thế nhưng vẫn phải làm. Thứ nhất, phải tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện đại chúng về tầm quan trọng của phân hữu cơ. Thứ hai là phải hướng tiêu dùng xã hội vào các sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ. Có như thế thì giá nông sản hữu cơ mới cao lên, mới thu hút được nông dân tham gia vào sản xuất. Thứ ba là phải có doanh nghiệp xây dựng những mô hình sản xuất lớn. Xu hướng của thế giới chứ không phải của riêng ta là đang quay trở về với nông nghiệp hữu cơ.
Muốn có nông nghiệp hữu cơ thì phải có đất hữu cơ, khỏe mạnh và cân bằng dinh dưỡng. Không ai có thể biết chính xác được diện tích đất “ốm yếu” của chúng ta là bao nhiêu nhưng theo tôi có khoảng 50% diện tích đất canh tác của Việt Nam đang không khỏe. Sức sản xuất của nó vẫn có thể 6 - 7 tấn lúa/ha đấy nhưng phải dùng nhiều thuốc BVTV và chất lượng nông sản không cao. Bởi vậy phải có chiến lược dài hạn để trả lại chất hữu cơ cho đất bằng trồng cây phân xanh, chế biến các sản phẩm thừa trong nông nghiệp thành phân hữu cơ. Việc làm này cần diễn ra dài lâu, có thể lên tới vài chục năm. Chỉ có cân bằng hữu cơ thì hệ vi sinh vật của đất mới bình thường trở lại được.
Đại gia từ đất và vào tù cũng từ đất
Có phải Việt Nam đang phí phạm tài nguyên đất?
Chúng ta chưa có phương pháp nào tiếp cận được giá trị thực của đất. Bởi thế con số ước tính sơ bộ năm 2010 cho rằng tổng giá trị đất đai của Việt Nam là vào khoảng 26.000.000 tỷ đồng cũng chỉ là ước tính mà thôi.
“Một ước tính sơ bộ năm 2010 cho rằng tổng giá trị đất đai của Việt Nam là vào khoảng 26.000.000 tỷ đồng. Nếu chỉ 1% trong số đó được vốn hóa thì sẽ khắc phục được rất nhiều khó khăn về vốn cho nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội… Đó là chưa tính đến việc lãng phí tài nguyên đất đang diễn ra hiện nay. Có ước tính cho rằng ngân sách mất 5 tỷ USD/năm vì lãng phí sử dụng đất". Ông Trần Xuân Hùng - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam / Báo cáo Hội Khoa học đất Việt Nam |
Đất nước ta đang phát triển, rất thiếu vốn. Một trong những thứ chúng ta đang lãng phí nhiều là chưa huy động được đủ nguồn lực từ đất đai cho phát triển kinh tế. Như đất xây dựng cơ bản, lẽ ra chúng ta phải có những giải pháp triệt để và ngay từ đầu để vừa xây dựng cơ sở hạ tầng vừa huy động nguồn lực từ đất đấy vào phát triển hạ tầng. Ví dụ, làm đường rộng 100m chẳng hạn thì nhà nước có thể giải phóng mặt bằng rộng 200m, mỗi bên để ra 50m sau đó khi hạ tầng xong thì mang ra đấu giá để lấy tiền đó bù vào tiền làm đường.
Xây dựng một tuyến phố cũng thế. Sở dĩ phố xá cứ nhom nhem là do nhu cầu đến đâu giải tỏa đến đấy. Những người bên trong bỗng nhiên ra mặt đường, được hưởng lợi từ sự đầu tư của nhà nước nhưng cái hưởng lợi ấy là cho cá nhân chứ không phải là cho xã hội. Những khu “đất vàng” ở Hà Nội hay một số thành phố khác thì đem đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Chúng ta không có phương pháp đúng để tính được giá trị thật của các khu “đất vàng” ấy. Đó là tôi chưa kể có yếu tố chủ quan đằng sau nó.
Tất cả những thứ đó gây lãng phí lớn vì chưa huy động được nhiều nguồn lực từ đất đai. Đáng lẽ đất nước phải được hưởng nhiều hơn, xã hội phải được hưởng nhiều hơn thì bây giờ lại bị rơi vào một số người. Phải có một phương pháp khác để huy động nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế chứ để như hiện nay thì đóng góp của đất còn ở mức dưới giá trị thực nhiều. Chỉ có đấu giá đất mới có thể tiệm cận được với giá thị trường.
Ông có từng nói rằng, hầu hết các đại gia của chúng ta đều làm giàu từ đất, trừ có FPT?
Gần như tất cả các đại gia Việt Nam đều liên quan đến đất đai. Tất cả các khu đất phục vụ cho các dịch vụ ở thành phố đều gắn với các đại gia. Ngay cả FPT - một đại gia về công nghệ cũng phải có đất để xây dựng khu đại học của họ. Các đại gia hình thành từ đất và vào tù cũng từ đất. Những vụ án lớn đã, đang và sắp xét xử hầu hết cũng liên quan đến đất đai.
Đất đai là vấn đề đang nóng bỏng hiện nay ở nông thôn (Ảnh minh họa) |
Trước tình trạng đó, cần những giải pháp nào?
Trước hết, những quy hoạch đô thị hay xây dựng cơ sở hạ tầng phải được công khai rộng rãi rồi tiến tới đấu giá chứ không thể giao thầu hay chỉ định được. Hiện nay, tiếng là chúng ta cũng công khai quy hoạch đấy nhưng chỉ ở đâu đó, còn người dân chưa biết được nhiều. Trong Luật Đất đai 2013 có một câu: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Nhưng nhà nước đại diện cho chủ sở hữu bằng quy trình nào? Chẳng có một quy trình nào cả. Quyền của tôi, của anh thể hiện trong việc nhà nước đại diện quyền sở hữu ra sao? Không cụ thể hóa được những thứ đó nên người dân cứ trong vòng quẩn quanh.
Nếu cụ thể hóa được phải như này, khi điều tra xã hội học về một dự án nào đó mà có đến 70 - 80% người dân không đồng tình thì phải làm lại vì ở một chỗ nào đó chưa đúng. Ngược lại, khi những dự án mà 70 - 80% dân đồng ý thì phần còn lại không có lý do gì mà không đi, không bị giải tỏa cả.
Tình hình hiện nay khiến cả hai phía nhà nước và nhân dân đều thiệt thòi mà nhân dân là thiệt nhất bởi người đại diện cho nhà nước khi trả lời cho dân đúng hay không đúng họ cũng phải chịu. Các cấp xã, phường hiện nay đang bị dân kêu nhiều quá. Hơn 500 năm trước, khi vua Lê Thái Tông cử Nguyễn Trãi định ra lễ nhạc, ông cũng nói cho vua biết những điều mà vua phải làm trước hết là chăn nuôi nhân dân: “Khiến cho trong thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu”. Nhận định của Nguyễn Trãi rất tinh tế. Chỉ cần thôn cùng xóm vắng không còn tiếng kêu than nghĩa là chỗ nào cũng tốt.
Xin cảm ơn ông!
Vai trò “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” bị lu mờ trong cả các quá trình lập - xét duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Không có quy định để xử lý những trường hợp không đạt được sự đồng thuận của cộng đồng với cơ quan có trách nhiệm giải trình. Hơn nữa, việc “tích hợp” quy hoạch sử dụng đất cấp xã vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện vừa không hợp lý về logic quản lý, vừa bỏ qua một cơ hội hiếm có, gần như là duy nhất để áp dụng hình thức dân chủ trực tiếp, góp phần hạn chế việc phát sinh nhiều mâu thuẫn trong quá trình vận hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngay từ cơ sở. Báo cáo Hội Khoa học đất Việt Nam |