| Hotline: 0983.970.780

Làm sao tránh viêm xoang?

Thứ Bảy 21/10/2017 , 13:15 (GMT+7)

Điều trị ngoại khoa thường được áp dụng khi điều trị nội khoa không hiệu quả, thường gặp ở các bệnh nhân bị viêm xoang mạn tính. Tuy nhiên, sau phẫu thuật vẫn có 30 - 40% bệnh nhân tái phát. Bệnh nhân nên cân nhắc việc phẫu thuật nếu chưa cần thiết.

09-42-50_trng_42-2
Ảnh minh họa

Khi nói đến đối tượng dễ viêm xoang, đầu tiên phải kể đến những người có cơ địa dị ứng. Kế đến là nhóm người bị viêm nhiễm các vùng lân cận như: viêm tai, viêm mũi, thường xuyên nghẹt tắc mũi, viêm amidan, viêm họng mãn tính, viêm VA quá phát. Thứ hai là những người có dị hình cấu trúc giải phẫu như: vách ngăn mũi dày, vẹo, lệch hoặc mào vách ngăn; người nghiện thuốc lá, mắc bệnh đường hô hấp, bệnh toàn thân, suy giảm hệ thống miễn dịch…; người thường xuyên làm việc trong môi trường khói, bụi, nấm mốc, hóa chất… cũng là các đối tượng rất dễ bị viêm xoang.

Ngoài ra, theo các bác sĩ, còn một nhóm đối tượng khác cũng rất dễ mắc bệnh viêm xoang như: phụ nữ khi mang thai bị nghẹt mũi do hiện tượng ứ huyết sinh lý, người làm công việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều trẻ em, người đang bị viêm nhiễm (nấm, khuẩn siêu vi, dị ứng), người rối loạn di truyền (xơ nang, khối u)… Viêm xoang thường sẽ tiến triển sau một đợt bị cảm cúm hoặc viêm mũi dị ứng nặng và kéo dài.

Viêm xoang theo mùa là một thể bệnh của viêm xoang mũi dị ứng. Những bệnh nhân thuộc thể bệnh này thường lo lắng khi chuyển mùa, thường là từ mùa đông sang mùa xuân. Bệnh viêm mũi xoang theo mùa thường gặp ở người trẻ, độ tuổi bắt đầu tham gia lao động nên ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động. Nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân của bệnh có thể xác định do yếu tố gia đình và di truyền ở 60% số bệnh nhân, nguyên nhân khác liên quan đến một số loại phấn hoa, ví dụ như hoa sữa.

Bệnh nhân viêm xoang theo mùa có biểu hiện ngứa mũi, dụi mũi thường xuyên, sau đó hắt hơi từng tràng mỗi khi thời tiết thay đổi. Ngoài ra, bệnh nhân thường chảy nước mũi trong, đồng thời nghẹt tắc mũi, cảm giác đầu nặng trịch do thiếu oxy. Một số trường hợp bị đau nhức vùng mặt, trán, chẩm tùy theo vị trí của xoang viêm.

Đau đầu trong viêm xoang có thể xuất hiện vào những giờ nhất định. Người viêm xoang trán thường đau đầu lúc 10 giờ đến 12 giờ, người viêm xoang sàng và xoang bướm lại đau vào tối... Bệnh có thể diễn biến kéo dài từ 7 ngày - 1 tháng hoặc lâu đến khi thời tiết của mùa đó ổn định.

Tình trạng trên liên tục biểu hiện trong nhiều năm. Lâu dần, bệnh gây ra hiện tượng thoái hóa niêm mạc mũi, tạo thành các polype mũi. Lúc này, người bệnh sẽ nghẹt tắc mũi thường xuyên, tăng dần tới khi nghẹt tắc mũi hoàn toàn, thuốc co mạch không còn tác dụng và dấu hiệu mất ngủ xuất hiện.

Viêm mũi dị ứng đôi khi dễ nhầm với bệnh viêm xoang. Viêm mũi dị ứng chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ (dị nguyên) đối với cơ thể, ví dụ như: bụi, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm (nấm mốc)… Hiện tượng phản ứng dị ứng này xảy ra ngay ở lớp nhầy niêm mạc của hệ thống đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang… gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc.

Viêm mũi dị ứng có liên quan đến các cơ địa dị ứng. Thông thường người bị viêm mũi dị ứng gặp ở người có cơ địa dị ứng nhiều hơn như viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, tổ đỉa… Hầu hết người bị viêm mũi dị ứng có nhiều triệu chứng: ngứa mũi, chảy mũi nước, đặc biệt là hắt hơi hàng tràng liền. Nếu đã thành mạn tính thì có thể nghẹt mũi gần như thường xuyên, ù tai, nhức đầu (dễ nhầm với viêm xoang). Một số trường hợp viêm mũi mạn tính kéo dài có thể có hiện tượng loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi. Người ta phân viêm mũi dị ứng thành 2 loại chính là viêm mũi dị ứng theo mùa và viêm mũi dị ứng có quanh năm.

Tuy nhiên, viêm mũi dị ứng có liên quan đến viêm mũi xoang là khi viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời thì nó cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm xoang dị ứng, polype mũi, polype xoang. Hiểu được những vấn đề trên sẽ giúp người bệnh có ý thức tầm soát, điều trị bệnh viêm mũi xoang và hạn chế các nguy cơ gây đến bệnh.

Điều trị ngoại khoa thường được áp dụng khi điều trị nội khoa không hiệu quả, thường gặp ở các bệnh nhân bị viêm xoang mạn tính. Tuy nhiên, sau phẫu thuật vẫn có 30 - 40% bệnh nhân tái phát. Bệnh nhân nên cân nhắc việc phẫu thuật nếu chưa cần thiết.

Việc tái phát viêm xoang tùy theo cơ địa, tùy loại viêm xoang và tùy thuộc việc bệnh nhân có tuân thủ các hướng dẫn điều trị, theo dõi của bác sĩ hay không. Lưu ý nếu bệnh nhân bị bệnh viêm xoang không được điều trị đúng mức có thể dẫn đến các biến chứng như: viêm phế quản mãn tính hay lao phổi giả (mủ từ xoang viêm chảy xuống họng, ho, khạc đàm có lẫn máu, sốt nhẹ về chiều), viêm họng mạn tính (rát họng, vướng họng, thường phải nuốt liên tục nên đôi khi có cảm giác nghẹn thở), biến chứng ở mắt (viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, mắt mờ, thị lực giảm rất nhanh, viêm tấy ổ mắt, viêm mí mắt, viêm túi lệ), viêm xương sọ, viêm màng não (nhức đầu, cứng gáy, nôn), viêm tắc tĩnh mạch hang (sốt cao, rét run, nhức đầu, cứng gáy, lồi mắt, giãn tĩnh mạch vùng trán và mí mắt), áp-xe não, viêm não.

Để ngừa viêm xoang, chúng ta phòng tránh và điều trị sớm khi bị cảm cúm. Có thể chích ngừa cúm mỗi năm, rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi bắt tay người khác. Nên ăn nhiều trái cây, rau cải và giảm stress trong cuộc sống. Ngoài ra, hạn chế tối đa tiếp xúc với gió, bụi, khói (thuốc lá, nhang trừ muỗi, nhang bàn thờ, khói xe…), hơi hóa chất, máy lạnh, quạt máy… Không để nghẹt mũi kéo dài, điều trị dị ứng kịp thời và đúng cách. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc xịt mũi, nhỏ mũi.

Mỗi người nên vệ sinh mũi bằng cách dùng dung dịch nước muối sinh lý đẳng trương hoặc ưu trương dạng xịt hoặc dạng nhỏ có bán nhiều trên thị trường, dùng trong những trường hợp bị nghẹt mũi. Dung dịch đẳng trương hiệu quả trong làm loãng dịch tiết trong mũi và bệnh nhân có thể xì mũi dễ dàng, có thể sử dụng lâu dài, không có tác dụng phụ, dùng 1 ngày 2 - 3 lần, rất tốt cho niêm mạc mũi.

Việc xịt mũi phải thực hiện đúng cách, dùng một ngón tay bịt một bên mũi rồi xì ra nhẹ nhàng. Nếu mũi đặc phải nhỏ hoặc xịt bằng nước muối sinh lý để làm dịch loãng ra. Sau khi đi bơi xong cần chú ý vệ sinh mũi sạch sẽ. Cuối cùng là có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, rèn luyện thân thể hợp lý để nâng cao thể lực, phòng chống cảm cúm. Khi sổ mũi kéo dài trên 3 ngày, nước mũi có màu vàng hoặc màu xanh thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để điều trị kịp thời.

(Kiến thức gia đình số 41)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất