| Hotline: 0983.970.780

Lâm tặc 'cạo trọc' rừng tự nhiên, kiểm lâm huyện Phước Sơn ở đâu?

Thứ Ba 10/08/2021 , 10:19 (GMT+7)

Nhiều cây gỗ lớn trong rừng tự nhiên có đường kính từ 40 - 80cm bị các đối tượng lâm tặc chặt phá, qua mặt cơ quan chức năng rồi đưa ra khỏi rừng.

Khu vực rừng tự nhiên thuộc thôn 5, xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) bị tàn phá. Ảnh: L.K.

Khu vực rừng tự nhiên thuộc thôn 5, xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) bị tàn phá. Ảnh: L.K.

Từ tin báo của người dân, chúng tôi đến xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) để ghi nhận tình trạng phá rừng tự nhiên với quy mô lớn trên địa bàn này. Theo chân một người địa phương, từ đường chính rẽ vào đường cao su (thuộc khu vực đồi Bò Ông Vang, thôn 5, xã Phước Hiệp) khoảng 3km, PV chứng kiến một khoảng đồi trước đây là rừng tự nhiên vừa mới bị đốt, phá.

Dưới chân đồi, nhiều đoạn gỗ với chủ yếu các loại cây như chò, chua… đã được cưa thành khúc nhưng các đối tượng lâm tặc chưa kịp mang ra khỏi rừng. Phía bên trên và xung quanh đó, một khoảng đồi rộng lớn trước đây xanh bạt ngàn bây giờ chỉ còn lại khoảng đất trống xám xịt xen lẫn những vệt cháy đen.

Nhiều cây gỗ lớn đã bị lâm tặc cưa hạ. Ảnh: L.K.

Nhiều cây gỗ lớn đã bị lâm tặc cưa hạ. Ảnh: L.K.

Từ chân đồi đi bộ ngược lên phía trên chừng 300m có thể chứng kiến nhiều cây gỗ lớn có đường kính từ 40 - 80cm đã bị lâm tặc cưa hạ chỉ còn trơ lại gốc. Một số thân gỗ đã được cắt khúc nằm ngổn ngang trên nền đất. Người dẫn đường cho biết, khu vực này vừa bị đốt vào tháng 7 vừa qua.

Không chỉ riêng khu vực này, đi dọc theo những con đường mà người dân mở để trồng và khai thác keo quanh đó, còn có rất nhiều địa điểm rừng tự nhiên bị lâm tặc tàn phá. Dấu tích để lại cũng là những cây rừng lớn đã bị chặt, cưa thành khúc, cây cối còn lại xung quanh cũng bị đốt cháy gần hết.

Một số thân gỗ đã được cưa thành khúc nhưng chưa được đưa ra khỏi rừng. Ảnh: L.K.

Một số thân gỗ đã được cưa thành khúc nhưng chưa được đưa ra khỏi rừng. Ảnh: L.K.

Đặc biệt, tại Km số 5 đường cao su, PV chứng kiến một gốc cây gỗ chò có đường kính gần 2m đã bị chặt hạ từ lâu. Các đối tượng phá rừng đã lấy đi phần thân chỉ còn lại 1 phần gốc dài 2m và 1 phần ngọn dài khoảng 8m.

Theo người dân địa phương, tình trạng đốt, phá rừng này không chỉ mới diễn ra mà đã kéo dài khoảng 3 năm nay với nhiều ha rừng tự nhiên bị tàn phá không thương tiếc. Các đối tượng tiến hành phá rừng bằng hình thức thông đồng với người dân để đốt hết những cây bụi, để lại những cây gỗ to, có giá trị.

Những cây gỗ bị chặt hạ chủ yếu là chò, chua, sơn huyết với đường kính từ 40 - 80cm. Ảnh: L.K.

Những cây gỗ bị chặt hạ chủ yếu là chò, chua, sơn huyết với đường kính từ 40 - 80cm. Ảnh: L.K.

“Thông thường, lâm tặc xuất phát từ hướng huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) đi theo đường rừng, tiếp cận khu vực này vào khoảng 5 đến 6 giờ chiều mang theo cưa máy để cắt hạ các thân cây lớn thành từng khúc tròn cho nhanh chứ không xẻ thành tấm. Đến tối, nhóm này dùng xe tải chở theo một xe múc vào cẩu, bốc các đoạn gỗ đã được chặt hạ lên xe. Khoảng 2 đến 3 giờ sáng hôm sau, chúng di chuyển theo đường vòng, theo rừng cao su về khu vực Khe Dứa để về huyện Hiệp Đức”, người dẫn đường này cho biết.

Cũng theo người dẫn đường, các đối tượng lâm tặc đến đây mỗi tuần từ 1 đến 2 lần, không cố định. Lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng địa phương cũng tuần tra nhưng không hiểu sao vẫn không phát hiện để xử lý triệt để mặc dù lâm tặc đưa những phương tiện cơ giới lớn vào rừng như vậy?

Những cây lớn có đường kính gần 2m cũng bị cưa hạ. Ảnh: L.K.

Những cây lớn có đường kính gần 2m cũng bị cưa hạ. Ảnh: L.K.

Được biết, trước đó vào ngày ngày 13/7, cũng tại địa phận rừng tự nhiên thuộc xã Phước Hiệp, UBND xã này vào kiểm tra tại khoảnh 6 (tiểu khu 646, khu vực ngã ba Đông Dương) phát hiện có 9 cây gỗ chủng loại chuồn, chò xanh, sơn huyết bị lâm tặc chặt hạ, cắt khúc, cưa xẻ, một số đã vận chuyển ra khỏi khu vực.

Kiểm đếm hiện trường còn lại hơn 7,3m3 gỗ tròn, gần đó còn có một lán trại phục vụ việc khai thác lâm sản trái phép, một súng tự chế trong lán trại, không phát hiện đối tượng.

Cây gỗ này đã bị lâm tặc cưa hạ từ lây, lấy đi phần thân còn lại phần gốc và ngọn. Ảnh: L.K.

Cây gỗ này đã bị lâm tặc cưa hạ từ lây, lấy đi phần thân còn lại phần gốc và ngọn. Ảnh: L.K.

Tiếp tục kiểm tra lại khu vực trên vào ngày 17 đến ngày 19/7, UBND xã Phước Hiệp phối hợp với Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 và Công an huyện, phát hiện 6 người trú tại xã Quế Lâm (Nông Sơn) đang lập lán trại trong rừng nên tiến hành phá hủy lán trại, yêu cầu rời khỏi địa bàn.

Trả lời về tình trạng phá rừng xảy ra trên địa bàn, ông Ung Duy Ba, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Phước Sơn cho rằng, những khu vực rừng tự nhiên bị phá đã được Kiểm lâm địa bàn kiểm tra, đo đếm. Tuy nhiên, đơn vị này không thể cung cấp các số liệu liên quan vì còn trong quá trình điều tra.

Nhiều khu vực rừng tự nhiên bị đốt phá, cây cối khô héo. Ảnh: L.K.

Nhiều khu vực rừng tự nhiên bị đốt phá, cây cối khô héo. Ảnh: L.K.

Đối với nạn phá rừng diễn ra dai dẳng trong nhiều năm qua, ông Ba cho biết: “Lâm phận giữa huyện Hiệp Đức và xã Phước Hiệp rất phức tạp. Lực lượng chức năng nhiều lần đi phục kích, triển khai kế hoạch triệt phá nhưng đối tượng rất tinh vi nên rất khó. Thời gian qua, chúng tôi cũng có thu giữ các tang vật phá rừng nhưng việc bắt được đối tượng thì chưa”.

Trao đổi với PV về vụ việc, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, về vụ việc phá rừng ở xã Phước Hiệp thì hiện nay Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với Công an huyện để điều tra và chưa có báo cáo chính thức. “Tinh thần của huyện là sẽ làm rõ vụ việc, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân trong việc để xảy ra phá rừng. Huyện cũng giao kiểm lâm và các cơ quan phối hợp với địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn, lâm phận quản lý”, ông Trung nói.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất