| Hotline: 0983.970.780

Lâm tặc "vặt trụi" rừng Con Voi

Thứ Ba 06/07/2010 , 07:00 (GMT+7)

Nằm giáp ranh giữa Lào Cai và Yên Bái, dãy núi Con Voi sở hữu những cánh rừng nguyên sinh lớn với vô vàn lâm sản quý như: sến, táu, giổi, sâng...Song vấn nạn phá rừng theo kiểu huỷ diệt đã biến dãy núi "Con Voi xanh" trở thành “Con Voi thui”.

Nằm giáp ranh giữa Lào Cai và Yên Bái, dãy núi Con Voi sở hữu những cánh rừng nguyên sinh lớn với vô vàn lâm sản quý như: sến, táu, giổi, sâng...Song vấn nạn phá rừng theo kiểu huỷ diệt đã biến dãy núi "Con Voi xanh" trở thành “Con Voi thui”.

Phá rừng như chốn không người

Vấn nạn phá rừng ít hay nhiều ở đâu cũng có. Nhưng phá rừng ở dãy núi Con Voi thuộc xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thì tôi chưa từng thấy bao giờ. Người dân nơi đây ngang nhiên chặt gỗ cấm như chém chuối trong vườn nhà.

Nguyên tắc ở Con Voi: “Ngã đừng, đứng làm”

Để đến được xã Lâm Giang chỉ có một cách duy nhất là đi theo con đường mòn độc đạo từ UBND xã vào. Chính vì thế, việc phát hiện một người lạ mặt vào làng dễ như trở bàn tay. Vậy làm thế nào để tiếp cận được những cánh rừng trên dãy núi Con Voi đang kêu cứu? Không còn lựa chọn nào khác, phi xe hơn 100 cây số vòng sang phía bên kia dãy núi thuộc huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Từ đây, với sự trợ giúp của một người dẫn đường, chúng tôi xâm nhập dãy núi Con Voi từ bên trong. Về sau tôi mới hiểu hướng tiếp cận này thật hiệu quả.

7h sáng, từ trung tâm xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi tìm sự thật trong lòng dãy núi bí ẩn. Lần theo bao con đường mòn nhẵn như sân xi măng mài, những rãnh nước sâu cả mét do lâm tặc dùng trâu kéo gỗ tạo nên chúng tôi dần mất hút vào lòng rừng già rậm rạp. Thế mới biết, không chỉ bên Yên Bái mà ngay bên Lào Cai lâm tặc phá rừng cũng không kém phần...long trọng. Khi chiếc kim đồng hồ điểm 12h cũng là lúc chúng tôi có mặt trên đỉnh dãy Con Voi. Chiếc áo bay mặc trên người ướt sũng mồ hôi, hơi nước bốc lên từ lưng như sương mù, trên đầu muỗi bay ong ong không khác gì tiếng kèn vuvuzela của nước chủ nhà World Cup Nam Phi làm chúng tôi phờ phạc. 

Con đường mòn sâu hoẵm, do lâm tặc kéo gỗ mòn xuống

Bỗng một tràng âm thanh xoèn xoẹt của những cỗ máy ăn xăng pha nhớt vang lên sắc lẹm vang lên. Rắc... rắc... rắc...rào... ngay phía bên kia dãy núi Con Voi phía huyện Văn Yên một cây táu “quặn mình” đổ xuống. Hay quá,âtng chứng sóng đây rồi. Tôi phi như bay về phía cây cổ thụ đang “thống thiết” kêu cứu. Trước mắt tôi hiện ra hàng chục cây táu, sến có đường kính 1 – 2m bị cưa máy hạ ngổn ngang, chồng gối lên nhau không khác gì trẻ em đánh mốt. Trên gốc và thân những cây táu bị cưa máy vừa “cắt tiết” ứa ra những “dòng máu” đỏ au, mới nguyên. Một số khác thì đã bị phanh thây thành những hộp gỗ vuông thành sắc cạnh chỉ chờ trâu lên kéo về nhà. Một tốp lâm tặc 4 người lăm lăm trên tay chiếc cưa máy sáng loáng dài như cái đòn gánh. Nếu để lâm tặc phát hiện lúc này thì chỉ có nước đi chầu diêm vương, chúng tôi lặng lẽ đi về phía làng Khay, đại bản doanh của lâm tặc. 

Với những chiếc cưa máy như thế này, mỗi ngày lâm tặc có thể xẻ thịt từ 3 đến 4 cây gỗ lớn

Người ta “vặt cổ” nhiều cây như thế để làm gì trong khi hàng chục cây gỗ cấm khác vẫn nằm rải rác khắp nơi chưa xẻ hết? Thấy tôi khù khờ hỏi vậy, người dẫn đường cười khà khà: “Không chặt thì để người khác chặt mất à”. Sau rồi, ông ta chỉ vào một thân cây có khắc dòng chữ cho biết: Ở bên Bảo Yên cũng như bên Văn Yên, nếu ai lên rừng mà bắt gặp một cây gỗ quý chỉ việc khắc tên mình lên trên đó thì đương nhiên cây gỗ đó trở thành của họ, ai muốn hạ đều phải trả tiền. Nhưng lâm tặc lại có cái lý của lâm tặc: “Ngã đừng, đứng làm”, nghĩa là cây nào đã bị hạ xuống thì người khác cấm không được động đến. Mặt khác, cây đó vẫn còn đứng thì có thể xẻ vô tư.

Lâm tặc khắc tên vào cây, cây đã có chủ

Lâm tặc: Vừa hạ gỗ, vừa trồng rau giữa rừng

Chính vì cái lý sự cùn đó mà rừng trên dãy núi Con Voi bị đốn hạ vô tội vạ để “xí chỗ lấy phần”. Thảo nào mà trên đường đi chúng tôi bắt gặp hàng chục đà sẻ của lâm tặc với ngổn ngang táu, sến nằm phơi thây chờ bị “làm thịt”. Lâm tặc còn ngang nhiên trồng cả gừng, rau răm, muống chua...giữa rừng để cải thiện bữa ăn. Điều đó cho thấy sự hống hách và ngang tàng như thế nào. Nhắm mắt, ngoảnh mặt đi qua những “nghĩa địa” cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã bị thi hành án “tử hình” cho lòng đỡ xót xa, chúng tôi rệu rã tiến về làng Khay tìm hiểu xem thủ phạm khiến núi Con Voi đang bị vặt trụi kia là ai.

Cây đổ ngổn ngang

Kiểm lâm: "Không có chuyện phá rừng"; Xã: "Có phá nhưng nhỏ lẻ"

Quá bất bình trước tình trạng phá rừng như chốn không người trên dãy núi Con Voi, tôi lập tức liên hệ với Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên thì lãnh đạo trạm khẳng định là không có chuyện phá rừng ở làng Khay. Đơn vị có tới 42 cán bộ kiểm lâm thường xuyên tuần tra, tuyên truyền nên việc bảo vệ rừng ở đây rất tốt. Cũng câu hỏi đó, tôi đem hỏi lãnh đạo xã Lâm Giang thì câu trả lời là vẫn còn tình trạng người dân lén lút phá rừng, nhưng chỉ mang tính chất cá nhân, nhỏ lẻ.

Gặp một thanh niên lăm lăm tay búa, tay dao đang ngồi nghỉ ở chòi canh nương phía chân núi. Trong vai người đi xin khai thác gỗ về làm nhà, tôi ngỏ ý muốn "hợp tác" với anh ta. Sau một hồi săm soi, dò xét anh ta bảo: "Cứ lên núi mà khai thác thôi. Những cây nào đã khắc tên, đánh dấu hay đã ngả xuống rồi thì đừng có động vào". Tôi hỏi có phải anh vừa hạ cây táu phía sườn dốc kia không. Anh ta gật đầu cho biết ngày mai kiểm lâm đi cắm cột mốc nên không đi xẻ được. “Mình chặt sẵn để đó hôm nào kiểm lâm không đi thì lên xẻ mang về nhà. Anh có thấy đống gỗ táu tôi xẻ xong rồi để trên đó không? Nếu thích tôi để lại cho”.

Lấy lí do đói quá tôi gạ anh ta về nhà uống rượu. Đi khoảng 500m là đến được căn nhà lá của anh ta. Đập ngay vào mắt chúng tôi là cây cột mốc khắc chữ màu sơn đỏ “Khu phòng hộ Văn Yên 2” ngay trước hiên. Bước vào trong, hình ảnh đầu tiên là một chiếc cưa máy cùng 3, 4 can xăng đầy ặc để ở góc nhà. Anh ta mới giới thiệu tên là Triệu Văn Thâng, nhà ở làng Khay. Trong câu chuyện lúc đợi con anh ta đi mua rượu về tôi được biết Thâng bắt đầu mua cưa máy về phá rừng từ hai năm nay. Chiếc cưa máy ở góc nhà là do Thâng và anh trai tên Thăng bỏ ra 9,7 triệu đồng chung nhau mua từ năm kia. Thấy tôi xuýt xoa chiếc cưa máy nhiều tiền, anh ta nhe răng cười đắc chí: “Kiếm thừa vốn từ lâu rồi, chỉ vài ba cây sến là kéo lại vốn chứ mấy. Hơn năm chục hộ dân ở đây nhà nào chả có một cây cưa máy như thế”. 

Những khúc gỗ đang chờ được vận chuyển ra khỏi rừng

Cũng theo lời Thâng thì tất cả gỗ của nhà anh ta và dân làng Khay khai thác đều do một ông chủ đầu nậu tên Hạnh ngoài ga Lăng Khay đánh chiếc xe tải Hoa Mai vào thu mua. Ngày ít thì một vài chuyến chuyến, ngày nhiều thì cả gần chục chuyến. Nói đến đây, anh trai của Thâng là Triệu Văn Thăng thở dài: “Gỗ thì mỗi ngày một hiếm mà bọn nó thu mua rẻ quá! Có vài triệu một khối. Mình không có vốn với lại chở gỗ ra khỏi làng là bị bắt ngay. Bọn nó có tiền, có quan hệ nó mới buôn được chứ mình thì chịu”. Thăng vừa dứt lời thì con trai anh ta xách chai rượu về. Thằng con trai Thăng mới học hết lớp 6 đã đòi bỏ học rồi. Không học được thì lại theo bố đi phá rừng thôi chứ biết làm gì nữa. Chúng tôi nhìn nhau lắc đầu ngao ngán.

Một số hình ảnh do PV NNVN ghi lại ngay tại hiện trường:

Tác giả bên cây táu mới bị triệt hạ

Ngổn ngang gỗ rừng phòng hộ bị triệt hạ

Cây táu có đường kính gần 2m bị đốn hạ không thương tiếc

Gỗ bị chặt xẻ vô tội vạ

Gỗ bị "phanh thây" chờ trâu kéo về

Gỗ được trâu kéo ra khỏi rừng

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất