| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 08/07/2013 , 10:23 (GMT+7)

10:23 - 08/07/2013

Làm thầy hay thợ?

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kỳ thi Đại học, Cao đẳng năm nay có tới hơn 2 triệu thí sinh đăng ký dự thi trong khi tổng chỉ tiêu chỉ hơn 640 nghìn.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kỳ thi Đại học, Cao đẳng năm nay có tới hơn 2 triệu thí sinh đăng ký dự thi trong khi tổng chỉ tiêu của các trường chỉ là hơn 640 nghìn người.

Điều này đồng nghĩa với việc sau kỳ thi vượt vũ môn năm nay sẽ có khoảng 1,36 triệu thí sinh (chiếm hơn 2/3 tổng số dự thi) không thể vượt qua cổng trường cao đẳng, đại học và buộc phải lựa chọn những con đường khác: Hoặc học nghề, hoặc đi làm lao động phổ thông đơn giản hoặc quyết tâm ôn thi lại thêm một năm nữa.

Điều đáng nói là trong đó, có rất nhiều thí sinh đã xác định ngay từ đầu là sức học của mình không đủ để vượt qua cổng trường cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, từ những lý do chính đáng như muốn thử sức để đánh giá năng lực bản thân đến những lý do khá… trời ơi như: Đi thi vì bạn bè đều đi, đi thi vì sợ làng xóm chê cười nếu ở nhà… nên không ít thí sinh vẫn quyết tâm dự thi dù biết việc làm này vừa tốn thời gian, công sức của bản thân, vừa khiến gia đình nhọc công chăm sóc, tốn kém tiền của.

Cá biệt, có những gia đình dù gần như chắc chắn rằng con em mình sẽ trượt nhưng vẫn bán lúa gạo, bán gia súc gia cầm trong nhà, vay mượn khắp nơi để đưa con đi thi nhằm… nở mày nở mặt với xóm giềng.

Đấy là còn chưa kể đến những tổn thất khó có thể đong đếm của xã hội khi 2 triệu thí sinh và 2 triệu gia đình sôi sục đưa con em đổ về các thành phố lớn để dự thi.

Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về những trường hợp quyết tâm đi thi dù biết chắc sẽ trượt như thế này. Trong đó, những người ủng hộ thì cho rằng hành động này thể hiện tinh thần hiếu học vốn là truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam và cần được khuyến khích để thúc đẩy tinh thần học tập của lớp trẻ. Những người phản đối thì nhận định rằng hành động trên thể hiện tư duy thiếu thực tế, còn mang nặng tính hình thức và coi trọng bằng cấp thái quá của không ít gia đình, cộng đồng.

Sở dĩ cho rằng những hành động này thể hiện tư duy thiếu thực tế vì đại học, cao đẳng không phải là con đường duy nhất và tốt nhất để dẫn đến thành công của mỗi con người. Thực tế cho thấy mỗi năm, xã hội đón nhận hàng triệu cử nhân ra trường với tấm bằng loại khá, loại ưu và một bảng điểm đầy ấn tượng nhưng lại chật vật, thậm chí là không thể kiếm được những việc làm đòi hỏi trình độ ở mức đơn giản. Nhiều người trong số đó đã buộc phải làm việc trái ngành, trái nghề với mức thu nhập không cao để mưu sinh vì họ không có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tuyển dụng vẫn “khát” nhân lực chất lượng cao, cả ở bậc kỹ sư, cử nhân lẫn công nhân lành nghề nhưng không tuyển được vì tình trạng sinh viên ra trường không có cả kiến thức lẫn kinh nghiệm ở mức độ chấp nhận được vẫn còn phổ biến. Nếu muốn tuyển dụng, phần lớn các doanh nghiệp sẽ phải bỏ công sức, kinh phí, thời gian không nhỏ để đào tạo lại các cử nhân đã trải qua 3-5 năm “mài đũng quần” ở giảng đường các trường cao đẳng, đại học.

Thiết nghĩ, nếu những thí sinh có học lực dưới mức trung bình lựa chọn con đường học nghề ngay từ đầu thì bản thân họ, gia đình và cả xã hội đã có thể tiết kiệm được những khoản chi lãng phí không hề nhỏ. Không những vậy, việc được đào tạo tay nghề bài bản sẽ giúp họ dễ dàng tìm được những công việc có thu nhập cao, đãi ngộ tốt. Bởi lẽ, ở bất kỳ quốc gia nào, với bất kỳ thể chế nào thì nền kinh tế vẫn cần có những người thợ tay nghề cao chứ không chỉ cần những ông “thày” đầy một bồ lý thuyết suông.