| Hotline: 0983.970.780

Lạm thu trong trường học: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Thứ Hai 17/10/2011 , 10:03 (GMT+7)

Câu chuyện về lạm thu trong trường học lại một lần nữa được nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban lần thứ nhất cụm thi đua vùng 7 ngành giáo dục đào tạo 5 TP lớn...

Cấp tiểu học dễ phát sinh nhiều khoản thu ngoài nhất

Câu chuyện về lạm thu trong trường học lại một lần nữa được nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban lần thứ nhất cụm thi đua vùng 7 ngành giáo dục đào tạo 5 TP lớn là Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh, vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Mở đầu ý kiến, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, góp ý thẳng vào Bản dự thảo về Ban đại diện phụ huynh mà Bộ GD-ĐT đang công bố lấy ý kiến rộng rãi của các ban ngành, phụ huynh. Đứng ở góc độ cá nhân, ông Đạt cho rằng, sự ủng hộ của Quỹ phụ huynh cho việc nâng cấp trang thiết bị dạy học (cũ, thậm chí là hỏng) là rất cần thiết vì “nếu không có sự hỗ trợ từ phía phụ huynh thì một bóng đèn trong phòng học bị cháy thì có khi mất cả tháng trời mới được sửa”.

Song việc thu quỹ có gây bức xúc hay không vẫn phụ thuộc cơ bản vào cách thức thực hiện của Ban giám hiệu các trường. Nếu làm minh bạch, công khai thu chi một cách rõ ràng chắc chắn phụ huynh sẽ không phản đối. Với Bản dự thảo, ông kiến nghị: Trong 10 khoản Bộ dự kiến Hội phụ huynh không được phép thu thì nên cân nhắc bỏ 3 khoản đó là đóng góp để phục vụ dạy và học, phát triển cơ sở vật chất.

Còn ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thì cho rằng, dù trong năm có hàng chục trường lên “chuẩn quốc gia”, hơn 8.000 phòng học mới được đưa vào sử dụng nhưng lãnh đạo Sở không quên yêu cầu các địa phương trong cụm tiếp tục được kiện toàn, chủ động thực hiện chức năng nhiệm vụ trên cơ sở tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Trong đó có việc tổ chức thực hiện “3 công khai” để thanh - kiểm tra, giám sát có hiệu quả công tác thi tuyển sinh, xây dựng cơ sở vật chất. “Song, quyết liệt nhất là công tác quản lý thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục”, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay.

 

 

Mới ở vị trí Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Huy Bằng cũng có ý kiến với việc lạm thu trong trường học. Theo ông Bằng, vấn đề thu chi đầu năm học được xã hội đặc biệt quan tâm. Chính vì thế khi phát hiện sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm khắc để tránh tình trạng một số trường vẫn buông lỏng, thậm chí vẫn tái diễn việc “thu cao” quá so với qui định.

Chánh thanh tra Bộ GD - ĐT khẳng định: Không xử lý mạnh mẽ thì không xóa bỏ được tình trạng này. Đây là một căn bệnh, nếu còn “ôm ấp” thì chắc chắn sẽ còn nặng hơn.

Lắng nghe và ghi chép các ý kiến rất tỷ mỉ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận, tình trạng dạy thêm học thêm đang bắt đầu nóng. Việc Bộ GD-ĐT đưa ra các khoản Hội phụ huynh không được phép thu nhằm chấn chỉnh một số nơi núp sau lưng của Hội này để làm những điều chưa đúng.

 

 

Bộ không cấm các địa phương nhận đóng góp tự nguyện từ các đơn vị, các nhân thậm chí từ phía phụ huynh. Tuy nhiên, những khoản đóng góp tự nguyện này Hiệu trưởng phải đứng ra tiếp nhận và có hoạch toán thu chi rõ ràng. Ông cũng đề nghị các Sở phải nghiêm túc triển khai những yêu cầu của Bộ, nhất là các đơn vị tiên phong phải làm gương cho các đơn vị khác noi theo. “Mỗi chúng ta đang ngồi ở đây đều có con hoặc cháu đang độ tuổi đến trường. Chúng ta biết căn bệnh của nó nên sẽ không khó để giải quyết. Vấn đề là ở chỗ có quyết tâm hay không?”, Thứ trưởng Hiển nói.

Dư luận đặt câu hỏi: Chuyện lạm thu - chi trong trường học không mới nhưng đâu là giải pháp mạnh? Và, tại sao sau hơn 1 tháng học sinh đi học, phụ huynh đã đóng tiền và báo chí phản ánh mạnh việc thu nhiều khoản đầu năm thì ngành giáo dục mới tổ chức hội nghị để mổ xẻ chuyện thu - chi trong trường học? Phải chăng “căn bệnh thành tích” đã hết thuốc chữa? Nên chăng những cuộc họp giao ban thế này được tổ chức sớm, trước khi học sinh đến trường, phụ huynh “móc” hầu bao?

Và, có vậy thì ngành mới dễ xử lý các trường hợp sai phạm, lạm thu cao… giống như việc xử lý kỷ luật đối với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Thanh (Đà Nẵng) mới đây.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất