| Hotline: 0983.970.780

Làm tốt chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn chặn dịch bệnh khi tái đàn

Thứ Sáu 08/05/2020 , 08:19 (GMT+7)

Một số chủ trang trại và trung tâm cung cấp giống lợn ở Đồng Nai đã chia sẻ “bí quyết” để tái đàn nhanh, an toàn sau đại dịch tả lợn châu Phi…

Bảo vệ đàn lợn cụ kỵ, ông bà

Trước đây, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) được coi là “tâm dịch”, với 45/65 ấp, khu phố của 12/12 xã, thị trấn ghi nhận có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Thế nhưng, sau dịch, công tác phục hồi, tái đàn lợn địa phương này cũng khá nhanh và hiệu quả. Vì sao vậy?

Trang trại lợn Hoa Phượng (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) là một trong những trang trại nông hộ lớn nhất tại địa phương. Trước dịch, trang trại có quy mô gần 10.000 con lợn, trong đó riêng lợn nái 1.500 con, lợn cụ kị gần 300 con. Sau khi dịch xảy ra, hơn 50% đàn lợn của trang trại bị ảnh hưởng buộc tiêu hủy. Thế nhưng, nhờ giữ được đàn lợn cụ kỵ tương đối tốt, ngày 10/9/2019, sau khi được địa phương công nhận an toàn, trang trại bắt tay ngay vào phục hồi đàn lợn. Đến nay, trang trại đã xuất bán 4.000 con lợn thương phẩm mà vẫn giữ lại 300 nái cụ kỵ, 3.000 lợn hậu bị.

Trang trại lợn của ông Thắng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại lợn của ông Thắng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: Trần Trung.

Chủ trang trại Nguyễn Hữu Thắng, người đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi lợn cho biết, thành công lớn nhất của trang trại trong tái thiết đàn lợn cốt lõi nằm ở việc giữ đàn lợn cụ kỵ tránh tổn thương bởi dịch. “Giữ được đàn hạt nhân cụ kỵ, ông bà chính là tư liệu, nền tảng, tiền đề vô cùng quan trọng mang tính sống còn phục vụ cho tái đàn, phát triển chăn nuôi của trang trại”, ông Thắng tiết lộ.

Hiến kế cho công tác tái đàn lợn, ông Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ, khi dịch xảy ra, bà con cần triển khai quyết liệt những biện pháp an toàn sinh học, bằng mọi giá phải bảo vệ đàn heo giống cụ kỵ, ông bà. Đối với những bà con bị tiêu hủy trắng thì ưu tiên gây dựng đàn lợn cụ kỵ, ông bà trước để tạo tiền đề cho sản xuất lợn thịt.

Ngoài ra, hộ chăn nuôi nào phải mua lợn giống ở ngoài thì dứt khoát phải có nguồn gốc rõ ràng, có xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin trước khi tiến hành tái đàn. “Tuy nhiên, cái khó hiện nay là giá lợn giống khá cao (2,5 - 3 triệu đồng/con), ảnh hưởng lớn đến công tác tái đàn, ngành chức năng cần có cơ chế chính sách đồng hành, hỗ trợ cùng người dân”, ông Thắng kiến nghị.

“Lá chắn thép” an toàn sinh học

Tỉnh Đồng Nai hiện có trại lợn giống Bình Minh (huyện Trảng Bom) thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi heo Bình Thắng (Phân viện Chăn nuôi Nam bộ) đứng chân trên địa bàn. Nhờ làm tốt công tác phòng chống DTLCP nên trại Bình Minh không bị tác động bởi dịch. Hiện mỗi tháng, trại cung ứng cho tỉnh khoảng 300 con lợn giống và đang cố gắng tăng trong thời gian tới, đây là nguồn cung cấp giống lợn an toàn, chất lượng, góp phần chung vào công tác tái đàn lợn tại địa phương.

Đàn lợn giống của trại lợn Bình Minh. Ảnh: Trần Trung.

Đàn lợn giống của trại lợn Bình Minh. Ảnh: Trần Trung.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với dịch, ông Nguyễn Hữu Tỉnh, Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ chia sẻ: Chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó sử dụng các chế phẩm vi sinh là xu thế tất yếu. Chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng tổng hợp, đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh, bảo đảm cho đàn vật nuôi hoàn toàn khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Thực tế cho thấy, nếu các trang trại, gia trại thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì có thể ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi an toàn.

Theo đó, chủ trang trại cần đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín theo quy trình hiện đại; sử dụng kết hợp các biện pháp phòng dịch như: rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng khử khuẩn thường xuyên, bổ sung thức ăn dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. “Đặc biệt, phải tính toán cân đối mật độ nuôi phù hợp. Khi nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời quá cao, tác động đến vật nuôi thì phải sử dụng hệ thống quạt làm mát, giữ cho nhiệt độ trong chuồng nuôi ở mức 27 - 28°C”,  ông Tỉnh chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay đàn lợn của tỉnh đang hồi phục nhanh. Để công tác tái đàn thực hiện bền vững, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ, các cơ sở nào đạt điều kiện an toàn dịch bệnh mới được phép tái đàn. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người chăn nuôi, đặc biệt là phát triển đàn lợn giống; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI phát triển, cung cấp giống và kỹ thuật cho người chăn nuôi, nhằm đảm bảo tái đàn an toàn trong thời gian tới.

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất