| Hotline: 0983.970.780

Làm vợ một người Hoa

Thứ Bảy 25/06/2022 , 08:13 (GMT+7)

Dấu ấn người Hoa ở các đô thị miền Nam thật đậm, kiến trúc, chùa chiền, ẩm thực và cung cách tư thương…

Họ đã đặt chân vào Nam bộ trước khi nhà Nguyễn đến, chẳng hạn như anh em nhà Mạc Cửu ở Hà Tiên. Người Hoa tin vào sức mạnh cộng đồng của họ, tin mã gien buôn bán của họ nên không tranh chấp quyết liệt với nhà Nguyễn chiến chinh thần sầu.

Họ chí thú làm ăn và chi phối dần, như Chợ Lớn chi phối cả Sài Gòn và Nam kỳ lục tỉnh, chi phối mãi đến khi không thể chi phối được thì tìm cách đến nơi khác để chi phối. Ấy là sắc dân không ngại ly hương, vì họ đã cõng theo bản quán trên lưng cho dù đó là Mỹ hay ngày nay là Châu Phi, là Siberia…

Chuyện hôn phối với dân sở tại dường như là nhu cầu có điều kiện. Người Hoa thích hôn phối với phụ nữ Khmer, nhìn thời người Hoa làm mưa làm gió thương trường Phôm Pênh thì biết. Ở miền Tây đầy những người Hoa có vợ là người Khmer bản địa. Không cần phân tích tâm lý hay sinh học, cũng đủ biết phụ nữ Khmer đạo Phật thấm nhuần nên nhà chồng dễ thuần hóa, thậm chí áp chế cũng không khó.

Bài viết này chỉ để khảo sát một thực tế làm nên bản sắc văn hóa pha trộn, làm nên hương vị của Đô thị miền Nam mấy thế kỷ nay.

Cô họ tôi có văn hóa miệt vườn Cao Lãnh, da trắng tóc dài khôn lanh hiền thục. Khi tôi biết quan sát thì cô đã thành mẹ của bầy con có cơ ngơi vững chải ở một thị xã miền Tây. Dượng tôi người Hoa chính hiệu, hai vợ chồng phải nói tiếng Tàu với nhau dù dượng tôi thạo tiếng Việt. Tuổi thơ của tôi thường có cô Ràng đi kèm, gắn với ngôi phố hai tầng của họ. Nhà thông cả hai mặt đường, buôn bán tấp nập, cầu thang bê tông và nhiều phòng ngủ, toilet có từ thới Pháp, men gạch bệ xổm cũng của thời ấy, với tôi là đã tuyệt sang.

Rất nhiều người làm công, cả chị bếp và bà vú. Tôi không thấy cô ngồi nghỉ bao giờ, miệng nói tay làm, quán xuyến chi li và còn giúp chồng bằng cái bàn tính tanh tách đầy sức thán phục. Một bữa cơm nhà họ có tới mấy chế độ: riêng cho bà mẹ già (vốn là bà thứ của ông, những năm đó đã ở lì trên lầu), cho dượng tôi và, cho tất cả con cái với người làm.

Những cái nồi to vật, sáng trưng trên bếp than đước, tú hụ bên trong những món không lạ mà bắt mắt hết cỡ: cá chưng tương, thịt kho Tàu, thịt quay kho dưa cải, thịt hầm củ cải khô… Bữa sáng nhất thiết phải là cháo trắng với cải xá bấu, mọi người cùng ăn, toát mồ hôi với nhau trăm bữa như nhau và để rồi xông vào việc, như nhau.

Ngưỡng mộ mãi rồi thì thấy mệt. Tôi mệt cho người cô họ mà tôi yêu quý từ vóc dáng đến nết na. Nhưng con mười đứa, không quần quật thì làm sao có cơ ngơi cho từng đứa, sau này? Vẫn cái toilet thời xưa nếu viết đúng tiếng Phảp là toillettes. Bà mẹ ghẻ ở trên lầu gần trăm tuỏi, mỗi khi con dâu nói chuyện vẫn phải đứng lại thưa gửi và chờ bà cho ý kiến việc gì đó. Thấy sợ cho sự uy nghi và cũng sợ cho phép tắc của nhà chồng tam đại đồng đường. Cường độ mọi thứ tăng lên cấp số nhân, vì con cái trưởng thành, buổi chợ oằn tay, nấu nướng không kịp thở trong khi chiến sự cấp rấp chực làm tan hoang hết cả.

Quả nhiên sau 1975 nhà còn nhưng cửa đóng then cài. Khôn ngoan như cô dượng chắc chắn của chìm không mất. Hậu chiến kỳ quặc, nạn kỳ thị người Hoa như được lên dây cót không biết từ đâu, dượng tôi nằm im, chờ thời. Có lúc ông phải đích thân lên tận Sài Gòn học nghề làm bao bố cung cấp cho các công ty Lương thục (làm chui) và làm viết bic cho thị trường chợ đen (cũng làm chui). Xê dịch bằng xe đò những năm đầu thập niên tám mươi ấy khổ và nhục, nhưng ông vẫn không nề. Cầm cự và rồi vươt qua.

Kinh tế mở, ông giống như một vận động viên với tiếng còi, chạy vụt lên, cả nhà mười mấy con người cũng bật lên. Sau 1995 hết bị cấm vận, ông là một trong những người Hoa của khu phố đường đường nhà hai mặt lộ như xưa, làm và ăn. Cô họ tôi đã lại nuôi vú em cho cháu nội cháu ngoại tiếp tục mẫu nhà tam đại đồng đường sau khi mẹ ghẻ lên bàn thờ. Mồm miệng khôn lanh, liền tay liền chân toàn vẹn như xưa và… cái toilet thì vẫn như xưa, đến mức tôi phải la lên “Tuổi này mà cô dượng vẫn phải ngồi xổm sao trời?”

Cô hạnh phúc không so với những phụ nữ Khmer bản địa lấy chồng Hoa kiều? Cô sẽ thảnh thơi hơn không nếu lấy một người chồng thuần Việt? Tôi hay tự hỏi và không biết trả lời sao. Đời người phụ nữ, nhìn họ đôi lứa ríu ran sáng láng là biết họ hạnh phúc hay không. Nhưng như cô tôi thì thật mệt nhoài, ví dụ riêng cái khoản toilettes gần trăm tuổi ấy mà nghiệm thì có thể luận ra về người Hoa cùng nhiều thứ thú vị khác nữa, đúng không?

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm