| Hotline: 0983.970.780

Lần đầu bị xét hỏi, Phan Sào Nam khai gì?

Thứ Sáu 16/11/2018 , 18:39 (GMT+7)

Ngày 16/11, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và đồng phạm trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ tiếp tục. 

Lần đầu thẩm vấn Phan Sào Nam

Đáng chú ý, lần đầu tiên HĐXX thẩm vấn “ông trùm” Phan Sào Nam...

HĐXX dành phần lớn thời gian buổi sáng để thẩm vấn bị cáo Lê Thị Lan Thanh là chủ 5 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực viễn thông: Công ty cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam - GTS, Công ty TNHH phát triển dịch vụ và giải trí Đất Việt, Công ty TNHH truyền thông BIBO, Công ty cổ phần công nghệ và dịch vụ NETVIET, Công ty TNHH công nghệ thương mại và truyền thông Tam Giác.

Theo cáo trạng, tháng 2/2016, Phạm Tuấn Anh và Nguyễn Quốc Tuấn báo cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) cho kết nối thêm với cổng thanh toán “NetViet” của Công ty cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam (Công ty GTS) do Lê Thị Lan Thanh điều hành, nhưng không ký hợp đồng.

Quá trình điều tra xác định, từ năm 2016 đến tháng 8/2017 Công ty GTS của Thanh nêu trên đã ký các hợp đồng thanh toán qua thẻ cào với 3 nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone. Tổng số tiền các nhà mạng thu được từ các khách hàng sử dụng các dịch vụ liên quan đến cổng thanh toán Công ty GTS của Thanh là hơn 7.000 tỷ đồng, trong đó: 3 nhà mạng được phân chia lợi nhuận là hơn 1.000 tỷ đồng, nhà mạng trả cho Công ty GTS hơn 6.000 tỷ đồng.

Sau khi Công ty GTS và các nhà mạng đối soát, thanh toán, từ ngày 1/9/2016 đến tháng 9/2017 Công ty GTS đã chuyển cho Công ty CNC số tiền là gần 4.600 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, để hợp thức hóa số tiền thanh toán không có hóa đơn cho Công ty CNC, Lê Thị Lan Thanh và Nguyễn Thị Dung (là nhân viên của Công ty GTS) đã mua 160 tờ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống với tổng doanh số hơn 5.000 tỷ đồng (Tiền hàng hơn 4.600 tỷ đồng, tiền thuế GTGT hơn 500 tỷ đồng), mặt hàng thể hiện trên hóa đơn là thẻ cào có mệnh giá từ 10.000 đồng đến 500.000 đồng do các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone phát hành của 4 đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội để kê khai thuế đầu vào tại 5 Công ty của Lê Thị Lan Thanh gồm (Công ty cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam, Công ty THHH phát triển dịch vụ và giải trí Đất Việt, Công ty THHH truyền thông BIBO, Công ty cổ phần công nghệ và dịch vụ NETVIET, Công ty TNHH công nghệ thương mại và truyền thông Tam Giác).

Ảnh H.Anh

HĐXX đã gọi Huỳnh Trọng Văn (SN 1982) – Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ dữ liệu trực tuyến (Công ty ODS) lên bục xét hỏi. Theo đó, để có tiền nạp vào tài khoản “Syline”, tiền chi cho các khoản không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và sử dụng cá nhân, Phan Sào Nam đã liên hệ với Văn để nhờ Văn xử lý giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách mua hóa đơn đầu vào với chi phí 10% trên tổng giá trị ghi trên hóa đơn.

Sau khi được Văn đồng ý, Phan Sào Nam chỉ đạo Đỗ Bích Thủy - Giám đốc Công ty Nam Việt, ký hợp đồng với Công ty ODS để thuê máy chủ và đường truyền; Nam cũng chỉ đạo Phan Anh Tuấn - Giám đốc công nghệ của công ty Nam ký hợp đồng với Công ty ODS cũng với nội dung thuê máy chủ và đường truyền.

Khi Công ty ODS xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) và có giấy đề nghị thanh toán, Nam chỉ đạo Đỗ Bích Thủy và Phan Anh Tuấn cho kế toán chuyển tiền vào tài khoản của Công ty ODS.

Văn chỉ đạo kế toán rút tiền từ tài khoản Công ty ODS nộp vào tài khoản cá nhân của Vũ Hà Phương (SN 1983, là kiểm soát kế toán của Công ty Nam Việt) để chi theo chỉ đạo của Phan Sào Nam.

Từ 24/8/2015 đến 17/2/2017, Huỳnh Trọng Văn bán cho Công ty Nam Việt 22 hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số là hơn 80 tỷ đồng và bán 14 hóa đơn GTGT khống cho Công ty của Phan Sào Nam với doanh số là hơn 5 tỷ đồng. Văn cho người rút ra và chuyển lại vào tài khoản Vũ Hà Phương 78 tỷ đồng, còn lại Công ty ODS hưởng lợi 7 tỷ đồng.

Tại Cơ quan điều tra, Huỳnh Trọng Văn cũng thừa nhận nội dung trên. Số tiền được hưởng lợi, Văn khai đã chi tiêu hết.

HĐXX gọi bị cáo Phan Sào Nam lên chất vấn về nội dung mà Huỳnh Trọng Văn khai. HĐXX hỏi: “Bị cáo Văn khai trước tòa về việc giữa bị cáo và bị cáo Văn hợp tác trong việc mua bán hóa đơn khống đúng không?”.

“Đúng như vậy”, Phan Sào Nam trả lời.

HĐXX hỏi: “Bị cáo bổ sung nội dung gì với lời khai mà bị cáo Văn đã khai trong việc bán hóa đơn cho hai Công ty Nam Việt và công ty của bị cáo. Thời điểm đó, bị cáo có đứng ra trao đổi với bị cao Văn để xử lý không?”.

“Thưa HĐXX, có chi tiết Công ty ODS bàn giao máy chủ, đường truyền cho hai công ty kia, bị cáo không nhớ rõ chi tiết đó nên không có ý kiến”, Nam khai.

“Bị cáo không nhớ là có bàn giao hay không?”, HĐXX nhắc lạị.

“Dạ thưa, bị báo không nhớ”, Nam nói.

Tiếp tục xét hỏi bị cáo Đỗ Bích Thủy (Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH phát triển nhà và đất Nam Việt, gọi là Công ty Nam Việt), HĐXX cho rằng, Phan Sào Nam đã gặp Đỗ Bích Thủy (con chị gái ruột mẹ Nam) - trao đổi nội dung “cho Nam và Trung mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến”. Thủy đồng ý cho Nam và Trung mượn danh công ty để tiến hành các công việc cần thiết.

Ngày 12/4/2015, Phan Sào Nam ký hợp đồng với Đỗ bích Thủy về việc “phát triển và khai thác kinh doanh phần mềm”, khai thác thương mại với tên gọi Rikvip.

Trong hợp đồng, có nội dung: “Bên B (Công ty Nam Việt) là đối tác của bên A (Công ty VTC online) trong việc sản xuất, phát triển và điều hành dịch vụ trực tuyến trên Internet và mạng viễn thông.

Công ty VTC online chịu trách nhiệm phát hành, kinh doanh và khai thác thương mại các dịch vụ này; cung cấp hệ thống thống kê số liệu, để trao đổi thông tin và hỗ trợ Công ty Nam Việt triển khai những công việc trong phạm vi trách nhiệm của Công ty Nam Việt.

Công ty Nam Việt chịu trách nhiệm sản xuất và cung cấp sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh theo đúng kịch bản, tài liệu mô tả đã cung cấp cho Công ty VTC như thỏa thuận”.

Thỏa thuận mức phí bản quyền phần mềm là 600 triệu đồng. Công ty Nam Việt được hưởng 30% doanh thu phân chia là khoản doanh thu Công ty VTC online nhận được từ khách hàng.

Quá trình thực hiện, Phan Sào Nam bảo Thủy rút 50 tỉ đồng từ tài khoản Công ty Nam Việt để gửi tiết kiệm. Sau đó, Thủy đã ký séc rút số tiền trên để gửi 5 sổ tiết kiệm, người hưởng thụ là Đỗ Bích Thủy.

Trước bục khai báo, trước HĐXX, bị cáo Vũ Bích Thủy cho rằng, sự thành đạt của Phan Sào Nam làm cho Thủy tin tưởng tuyệt đối nên đồng ý cho Nam mượn pháp nhân Công ty Nam Việt. Chính sự tin tưởng đó đã tước bỏ quyền hỏi và quyền được biết của bản thân.

“Trong quá trình cho Nam mượn pháp nhân kinh doanh đánh bạc, thời điểm đó, bị cáo cũng có một công ty kinh doanh, công việc bận rộn. Bị cáo giúp Nam ký một số hợp đồng và chi phí cho công ty. Bị cáo không hiểu gì về game bài Rikvip cả. Bị cáo vô tình giúp cho Phan Sào Nam thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Làm việc với cơ quan An ninh điều tra, bị cáo mới hiểu được bản thân đã giúp sức cho hành vi phạm tội của Nam. Phải đứng ở đây, tại thời điểm này, bị cáo thấy mình kém hiểu biết về pháp luật, để xảy ra những sai lầm, vi phạm pháp luật. Bị cáo rất hối hận. Dù vậy, bị cáo không hận gì Phan Sào Nam cả".

Bị cáo Thủy nói thêm, thứ 6 tuần trước (9/11), bị cáo phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Trước đây, bị cáo có một khối u phổi, bệnh tình thường xuyên tái phát. Thời gian gần đây, bác sĩ chẩn đoán bị cáo bị lao thùy phổi bên phải. Sức khỏe bị cáo rất yếu./.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm