Chuyến đi đầu tiên đến đất nước Xô viết đã có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người và mà cả đối với phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam.
Hồ Chủ tịch vào viếng Lăng Lênin |
Evgheny Kobelev - PTS sử học, công tác tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga) là người đã dành rất nhiều tâm huyết nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là tác giả của cuốn "Hồ Chí Minh" dày 360 trang, đã được in và tái bản ở Liên Xô và nhiều nước khác.
Nhà nghiên cứu này đặc biệt quan tâm đến chuyến đi đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô. Theo ông, trước đây một số nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam và nước ngoài đã từng đưa ra giả thiết Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga Xô viết lần đầu đúng vào ngày Lênin mất (21/1/1924). Kobelev cho rằng cơ sở của giả thiết này là dựa trên bức điện của đại sứ Pháp ở Liên Xô lúc đó gửi về nước,. có nội dung báo cáo về sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc ở Mátxcơva từ tháng 1/1924.
Trong quá trình tìm hiểu, Evgheny Kobelev đã tiếp cận được với hồ sơ lưu trữ của Quốc tế Cộng sản. Sau nhiều ngày tìm đọc, ông đã may mắn tìm được một tài liệu vô giá. Đó là "giấy thông hành" do đại diện nước Nga Xô viết ở Đức cấp cho "nhà nhiếp ảnh Cheng Vang, gốc Đông Dương", khi đó có mặt trên tàu thủy Liên Xô có tên Karl Liebknecht để khởi hành từ Hamburg đến Petrograd. Trên tờ giấy thông hành này có dấu nhập cảnh đề ngày 30/6/1923, ảnh Nguyễn Ái Quốc và dấu của cơ quan biên phòng Xô viết.
Trong Cuốn sách của Bảo tàng Hồ Chí Minh "Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh" do NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, in năm 2001 có ghi rõ năm 1923, Bác Hồ có bí danh hoạt động cách mạng là Cheng Vang.
Như vậy, có thể khẳng định Nguyễn Ái Quốc đúng 95 năm trước, ngày 30/6/1923 đã lần đầu tiên có mặt tại Petrograd.
Tuy nhiên, khoảng thời gian sau đó ở Petrograd, Nguyễn Ái Quốc đã sống ở đâu và làm những việc gì thì Evgheny Kobelev dù đã rất cố gắng tìm hiểu nhưng vẫn chưa có kết quả. Ông viết: "Một điều đã rõ, lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp đã cử Nguyễn Ái Quốc sang Mátxcơva, như là "đại diện của Đông Dương" để tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, nhẽ ra được tổ chức vào năm 1923 nhưng bị hoãn vì V.I.Lenin đang bị bệnh. Theo nhiều tài liệu chứng cứ, Nguyễn Ái Quốc đến Moskva vào đầu tháng 9. Như thế, ông đã có khoảng 2 tháng ở Petrograd".
Cuốn "Hồ Chí Minh" của nhà Việt Nam học E.Kobelev |
Trong khi nghiên cứu các tờ báo Liên Xô xuất bản trong các năm 1923 - 1924, E.Kobelev đã tìm ra khá nhiều tư liệu khẳng định thêm sự có mặt của Nguyễn Ái Quốc ở nước Nga Xô viết vào năm 1923. Báo "Pravda”(Sự thật) số ra ngày 12/10/1923, dưới chuyên mục "Hội nghị Quốc tế nông dân", có đăng những dòng "Tại phiên họp thứ hai đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại diện Đông Dương thuộc địa Pháp đã phát biểu. Đồng chí nhận xét rằng giai cấp nông dân Đông Dương bị áp bức gấp đôi, vì ngoài là nông dân, họ còn là nông dân của một nước thuộc địa". Cũng tờ Pravda cho biết tại Đại hội này, hai đại diện châu Á là Nguyễn Ái Quốc và Katayama Sen đã được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân.
Tháng 12/1923, trên tạp chí “Ngọn lửa nhỏ’ số 39 đã đăng bài báo của nhà báo, nhà thơ O.Mandelstam: “Nguyễn Ái Quốc. Đến thăm nhà Quốc tế cộng sản”. Trong bài báo này, ông nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai… Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương.”
Nhà nghiên cứu E.Kobelev qua các tài liệu đã dựng lại được một số mốc sự kiện, cho biết sau khi Lênin mất (21/1/1924), Nguyễn Ái Quốc đã đến viếng Người để tưởng nhớ đến lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới. Mấy ngày sau, 27/1, Nguyễn Ái Quốc viết bài báo “Lênin và các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo “Pravda”. Tháng 2, Nguyễn Ái Quốc tham gia khóa học tại Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông. Tháng 6, Người tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản… Về khoảng thời gian 2 tháng Nguyễn Ái Quốc ở Petrograd mùa hè năm 1923, Kobelev cho biết ông và các cộng sự ở Viện Hồ Chí Minh (thuộc trường ĐHTH quốc gia Saint Peterburg) hiện vẫn đang tìm kiếm thông tin từ các kho lưu trữ.
Ngày 2/5 vừa qua, nhà Việt Nam học Evgheny Kobelev tròn 80 tuổi nhưng ông vẫn tràn đầy sinh lực và làm việc miệt mài. Hy vọng qua ông, và qua những nghiên cứu mới của các nhà Việt Nam học tâm huyết như Vladimir Kolotov, Anatoly Sokolov… chúng ta sẽ biết đến nhiều hơn về những năm tháng hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết.
Sau nhiều cố gắng trong các hoạt động ngoại giao và chính sách ngoại giao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 30/1/1950 Chính phủ Liên Xô chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta.
Nguyễn Ái Quốc tham gia cuộc mít tinh của nhân dân Moskva chào mừng thành công Đại hội V Quốc tế Cộng Sản, 7/1924 |
Từ Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần bí mật đến nước Nga: Tháng 2/1950, tháng 10/1952 và tháng 4/1954, nhằm tìm cách phá vỡ vòng vây của kẻ thù, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn. Ngày 3/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến công tác ngoại giao đặc biệt. Người đã tới Mátxcơva, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Liên Xô để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng và tài ngoại giao khéo léo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục được các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước Xô viết hiểu và ủng hộ đường lối kháng chiến và kiến quốc của Ðảng ta. Do vậy, trong suốt thời kỳ kháng chiến lâu dài và gian khổ, nhân dân ta nhận được sự đồng tình sâu sắc và sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần rất lớn từ Liên Xô.
Đây là một thắng lợi ngoại giao cực kỳ quan trọng vì đã phá tan tình thế bị bao vây, cô lập của nước ta. Thực hiện lời hứa giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam của các nhà lãnh đạo Liên Xô, những năm 1955 - 1968, Liên Xô đã viện trợ, cung cấp cho Việt Nam hàng chục, hàng trăm nghìn tấn hàng quân sự, trong đó có rất nhiều vũ khí hiện đại như máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa, pháo phòng không, pháo binh... và giúp chúng ta đào tạo các cán bộ quân sự. Bên cạnh những viện trợ về mặt quân sự, các chuyên gia Liên Xô còn sang giúp Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng những công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu với sự phát triển kinh tế - xã hội, như các mỏ than, mỏ quặng, thiếc; nhà máy cơ khí, nhà máy nhiệt điện, nhà máy thủy điện, các Trường đại học, các bệnh viện…
(Bài viết có sử dụng tư liệu từ Trang thông tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)