| Hotline: 0983.970.780

Lần đầu tiên Việt Nam thừa đường: "Xuất" 1.000 tấn/ngày sang Trung Quốc

Thứ Năm 15/12/2011 , 09:54 (GMT+7)

Năm nay, mỗi ngày có cả nghìn tấn đường được xuất sang Trung Quốc.

Chả bù mấy năm trước, mỗi năm chúng ta đều phải "rót" quota cho DN nhập 100-200 nghìn tấn đường. Vậy nhưng năm nay, mỗi ngày có cả nghìn tấn đường xuất sang Trung Quốc. Đáng lưu ý ngày 13/12 vừa qua, Bộ Công thương đã "bấm nút" cho XK đường theo đề xuất của Hiệp hội Mía đường VN.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, việc chúng ta XK đường cho bất kỳ quốc gia nào trong thời điểm hiện nay là một dấu hiệu tốt, thông báo sự trưởng thành của ngành mía đường, đồng thời là tin vui cho bà con nông dân trồng mía. Hiện niên vụ SX mía đường 2011- 2012 đang bước vào giai đoạn cao điểm, sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn, tăng 20% so 2010–2011 và 40% so với niên vụ 2009- 2010.

Ngoài ra, cộng với 100 nghìn tấn đường đang tồn kho, cùng với một lượng NK tối thiểu theo dự kiến là 70 nghìn tấn, chưa kể một khối lượng đường không nhỏ của Thái Lan ngày đêm nhập lậu vào biên giới Tây Nam qua ngả Campuchia, trong khi nhu cầu tiêu thụ đường trong cả nước chỉ khoảng 1,3- 1,4 triệu tấn nên việc cho phép XK sẽ giảm bớt lượng đường dư thừa, giúp DN tháo gỡ khó khăn trong lúc phải gánh nhiều loại chi phí đầu vào tăng cao.

Được biết, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Công thương đề nghị cho phép các DN được XK đường qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới sang các thị trường lân cận, trong đó có Trung Quốc. Ban đầu, Bộ Công thương đã không đồng ý việc XK đường qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu vì cho rằng đường là mặt hàng thực hiện bình ổn giá và NK theo hạn ngạch. Tuy nhiên, mới đây ngày 13/12, Bộ này đã đồng ý cho xuất qua cửa khẩu phụ nhưng với điều kiện phải “kiểm soát chặt chẽ”.

Thật ra, việc rộ tin các DNXK đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đã xảy ra từ quí 3 năm nay bởi giá XK cao hơn giá bán buôn trong nước từ 3.500-3.700 đ/kg. Một chuyên gia của ngành đường cho biết, bình quân mỗi tháng có khoảng 30 ngàn tấn đường được xuất sang Trung Quốc. Theo đó, lượng đường xuất sang Trung Quốc đã đạt khoảng 200 ngàn tấn, trong đó có đường SX trong nước, đường mua để tái xuất và cả đường nhập lậu từ Thái Lan. Đây được coi là con số kỷ lục trong việc XK đường sang Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Điều đáng nói là, gần như năm nào trong nước cũng kêu thiếu đường, và vẫn phải đề nghị Chính phủ cấp quota NK từ 100-200 ngàn tấn để bổ sung. Vì vậy, việc XK đường sang Trung Quốc thời gian qua khiến dư luận đặt câu hỏi về sự thực của việc dư thừa đường của các nhà máy cũng như bài tính cung cầu đường trong nước.

+ “Việc đánh giá cung cầu đường hiện nay không hoàn toàn chính xác do không thể xác định được các yếu tố khác như lượng đường nhập lậu, lượng đường XK sang Trung Quốc và mức độ tăng trưởng của các ngành SX dùng đường làm nguyên liệu”  - ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến NLS và nghề muối.

+ “Lúc nào ngành đường có tiềm lực thực sự như gạo, cao su, thủy sản thì nên nghĩ tới chuyện XK. Còn hiện nay nói đường thừa mà cái chính là do đường lậu nhập về quá nhiều, còn sản lượng đường trong nước cân đối vẫn còn thiếu nên chúng ta nói tới XK là hơi bị “sốc”! - ông Nguyễn Xuân Minh, nguyên TGĐ Cty CP Mía đường Hiệp Hòa.

Nên nhớ, suốt từ đầu năm 2011 đến nay, giá đường bán ra tại nhà máy có lúc xuống thấp nhưng giá đường đến tay người tiêu dùng luôn luôn ở mức cao, bình quân từ 21- 22.000 đồng/kg. Theo một GĐ Nhà máy đường, chính việc XK ồ ạt qua Trung Quốc thời gian qua mà giá đường bán buôn của các nhà máy từ 16.500 đồng/kg trong tháng 5/2011 đã tăng vọt lên 18.500- 19.000 đồng/kg tháng 11/2011, đến nỗi Hiệp hội Mía đường VN phải định hướng các hội viên bán đường RS ở mức 18.000 đồng/kg và đường RE ở mức 18.500-19.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, những dấu hiệu về việc XK để đấu thông thị trường, nhằm giữ giá đường trong nước ở mức cao mấy ngày qua đã đã bắt đầu dịu lại. Giá đường của các NM hiện đang quay đầu, thay vì tăng lên theo qui luật bởi đang thời điểm vào vụ SX bánh, kẹo, mứt... phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Theo đó, giá đường trắng loại 1 (có thuế giá trị gia tăng) ở khu vực phía Nam bán ra tại kho của các nhà máy đường dao động dưới mức 18.000 đồng/kg (có ngày tụt 100-200 đ/kg), trong khi thị trường phía Bắc giá đường vẫn giữ ở mức 19.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Bé Bảy, TGĐ Cty CP Mía đường La Ngà, nguyên nhân khiến giá đường phía Nam thấp hơn thị trường phía Bắc là do “đụng” phải đường lậu đang đổ về cuối năm từ Thái Lan ngày càng nhiều qua ngả Campuchia vào biên giới Tây Nam, trong khi khu vực phía Bắc chỉ có một vài nhà máy đường vào vụ ép mới nên lượng đường trên thị trường chưa dồi dào. Hai là, hiện tất cả các nhà máy đường phía Nam vào vụ cao điểm nên nguồn cung đường ở đây tương đối đầy đủ, nhất là thời điểm cuối năm DN nào cũng muốn bán ra để lấy tiền trả  nguyên liệu và nhất là chuẩn bị tiền thưởng Tết cho công nhân sắp đến.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.