| Hotline: 0983.970.780

Lân nung chảy Ninh Bình về xứ đất phèn Kiên Giang

Chủ Nhật 05/05/2013 , 08:19 (GMT+7)

Lân nung chảy Ninh Bình là loại phân đa dinh dưỡng với hàm lượng các chất tổng số cung cấp cho cây rất cao từ 84 - 99%.

Kiên Giang là một trong những tỉnh có điện tích đất phèn lớn ở ĐBSCL, tập trung ở một số huyện như Tân Hiệp, Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành. Trong những năm qua, những vùng đất này đã được đầu tư, khai thác có hiệu quả trong sản xuất lúa, góp phần đưa Kiên Giang trở thành một trong những tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất cả nước.

Cũng như những vùng đất phèn khác ở ĐBSCL, đất phèn Kiên Giang cũng mới được khai thác và vẫn còn phèn, nhất là trong vụ hè thu - điều kiện khô hạn, thiếu nước ngọt và ảnh hưởng của mặn xâm nhập.


Tọa đàm kỹ thuật xử lý phèn bằng phân lân nung chảy

Những ngày này, bà con Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành… đang ráo riết bước vào vụ sản xuất vụ hè thu với nỗi lo toan đất, phân, giống… Vài năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những vùng đất phèn trồng lúa đã khó ngày càng khó hơn. Xác định được những nguy cơ trên, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và PTNN Đồng Tháp Mười thực hiện nột số điểm trình diễn phân lân nung chảy Ninh Bình, loại phân được đưa vào qui trình bón phân cho lúa trên đất phèn, kết hợp tổ chức hội thảo đầu bờ để đánh giá kết quả thực tiễn ngoài đồng ruộng. Bên cạnh đó, TT còn tổ chức các cuộc tọa đàm về “Những giải pháp kỹ thuật trồng lúa trên đất phèn đạt hiệu quả” cho bà con nông dân thuộc các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành...

Phần lớn bà con nông dân ở Kiên Giang biết xử lý đất phèn bằng vôi trước khi bắt đầu vụ mùa. Bà con còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn sử dụng phân lân để vừa xử lý phèn bền vững vừa cung cấp dưỡng chất cho lúa và kết quả mang lại rất tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng thay đổi phương thức sản xuất cũ của mình. Anh Nguyễn Văn Ghép, ấp Phước Hảo, Mỹ Phước, Hòn Đất, chia sẻ: "Cả vùng Hòn Đất này ruộng chỗ nào không phèn thì cũng là phèn nhiễm mặn. Theo cách cũ, trước mỗi vụ mùa tôi đều phải xử lý phèn bằng vôi cho nước ngọt lại rồi mới gieo sạ, sau đó “đến cữ” thì bón DAP".

Th.S Nguyễn Viết Cường, GĐ Trung tâm nghiên cứu và PTNN Đồng Tháp Mười cho biết: Đất phèn là loại đất có tiềm năng nhưng cũng rất khó khai thác. Từ 1985 - 1995, Nhà nước có chương trình khai thác Đồng Tháp Mười (ĐTM) nên đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật cho công tác nghiên cứu. Thành công trong khai thác đất phèn trồng lúa ở ĐTM đã được áp dụng cho sản xuất lúa trên vùng đất phèn khác ở các tỉnh ĐBSCL. Có nhiều cách xử lý phèn như sử dụng hệ thống kênh thoát phèn, kết hợp dẫn nước ngọt rửa phèn và cung cấp cho ruộng đồng; hoặc dùng vôi rải xuống ruộng để giảm độ chua của nước; hoặc là dùng lân nung chảy để cố định các độc tố sắt, nhôm trong đất và tăng độ pH, giảm chua...

Việc chúng ta áp dụng tổng hợp các giải pháp để rửa phèn, khử phèn, ém phèn theo quan điểm “sống chung với phèn” như “sống chung với lũ” đã đem lại thành công. Nếu thiếu lân nung chảy thì việc trồng lúa nơi đây vô cùng khó khăn và không thể đẩy năng suất lên được. Trên thị trường có nhiều loại phân lân, nhưng được bà con dùng phổ biến và đạt hiệu quả cao là phân lân nung chảy Văn Điển, Ninh Bình. Ông Nguyễn Viết Cường nhấn mạnh thêm: Nhiều Nông dân cho rằng, phân DAP có khả năng xử lý phèn tốt là không phù hợp, mà chỉ phân lân nung chảy có tính kiềm nên mới đạt được hiệu quả cao trên đất phèn.

Trong môt buổi hội thảo tại huyện, các cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp đã vô cùng bất ngờ khi nghe một chị nông dân Hòn Đất thắc mắc về khả năng xử lý phèn của xi măng, loại vật liệu trong xây dựng. Chị đã nghe thông tin có một số hộ trong vùng dùng xi măng xử lý phèn và vụ mùa đạt kết quả tốt, nhưng khi chị làm theo thì kết quả không đúng như thế mà ngược lại hiệu quả quá thấp, thật đáng buồn. Chỉ khi nghe bà con nông dân tham gia hội thảo ồ lên và sau đó được cán bộ khuyến nông giải thích chất xi măng mà các hộ kia dùng đó thật ra là phân lân nung chảy Ninh Bình, lúc đó chị mới ngỡ ngàng. Anh Ong Nhất Anh, cán bộ khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang chia sẻ: “Hòn Đất là vùng trũng, có nguồn gốc trầm thủy cho nên đất chua nhiều, việc sử dụng vôi làm trung tính đất chỉ ngọt hóa nước mà không xử lý độ phèn trong đất triệt để tận gốc như sử dụng phân lân”. Do phân lân nung chảy Ninh Bình cũng dạng bột, xám, nặng giống xi măng khiến một số bà con ngộ nhận là xi măng.

Anh Trần Nghiệp ở ấp Thái Tân, Mỹ Thái, Hòn Đất, cho biết, từ ngày sử dụng phân lân xử lý phèn đến nay 15 ha ruộng của anh vụ nào cũng đạt năng suất cao, hè thu đạt 5 - 6 tấn/ha, ĐX 7 - 7,5 tấn. Đặc biệt đất càng về sau độ phèn càng giảm. Anh Trần Nghiệp chia sẻ: Thật ra, tính số lượng sử dụng cho mỗi héc ta thì sử dụng phân lân không hề rẻ hơn so với dùng phân DAP là bao, trong khi đó số lượng bón nhiều hơn, nặng hơn. Tuy nhiên, sống trong vùng đất phèn, muốn có vụ mùa năng suất cao thì phải chịu khó “vác nặng và bón nặng” nhưng bù lại mùa vụ chắc ăn và hiệu quả. Phân lân nung chảy bón vào ruộng, lúa không sử dụng hết vẫn được tồn dư trong đất và tiếp tục dùng cho vụ sau mà không sợ lãng phí, mất phân.

Anh Ong Nhất Anh giải thích thêm: Từ nguyên liệu quặng apatit được nung chảy ở nhiêt độ cao, sử dụng nước có áp lực cao làm lạnh đột ngột rồi sấy khô, nghiền…nên sản phẩm phân lân nung chảy Ninh Bình có thể để lâu mà không bị vón cục. Anh Ong Nhất Anh cũng nhấn mạnh: Hiện nay để giảm công lao động cho nông dân, trên thị trường đã có máy bón phân, có thể dùng nó bón phân lân nung chảy rất tiện lợi, vì thế nông dân có thể yên tâm dùng phân lân bón ruộng vừa để xử lý phèn tận gốc, vừa bổ sung dinh dưỡng cho ruộng lúa đạt hiệu quả như trong thời gian qua đã đem lại.

Lân nung chảy Ninh Bình là loại phân đa dinh dưỡng với hàm lượng các chất tổng số cung cấp cho cây rất cao từ 84 - 99%. Ngoài lân P205 từ 15 - 17% là thành phần cơ bản, phân lân nung chảy Ninh Bình còn có chất vôi (CaO) 28 - 32%, chất Manhê (MgO) 16 - 20%, chất Silíc (SiO2) 25 - 30% và chất vi lượng. Đây là những chất dinh dưỡng không những cần cho cây lúa mà còn có tác dụng cải tạo đất, giải quyết được phèn, hạn chế ngộ độc hữu cơ, tạo ra môi trường thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Là loại phân chậm tan cho nên phân lân nung chảy Ninh Bình rất thích hợp bón cho cây lúa nước. Đặc biệt có hiệu quả cao trên đất phèn và đất xám. Nhiều kết quả nghiên cứu, cũng như các ứng dụng thực tiễn trong những năm qua đã khẳng định sự thành công của sản xuất lúa trên đất phèn không thể thiếu phân lân nung chảy Ninh Bình.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.