| Hotline: 0983.970.780

Lan rộng tin đồn bọ xít hút máu người: 6-7 tháng không ăn, bọ xít vẫn sống

Thứ Tư 30/06/2010 , 08:41 (GMT+7)

Thiếu thông tin, khó phát hiện khi bị cắn, gây ngủ triền miên và có thể gây biến chứng- những hiểm họa từ “bọ xít hút máu người” đang dần trở thành nỗi hoang mang cho người dân ở Hà Nội, Đà Nẵng...

Thiếu thông tin, khó phát hiện khi bị cắn, gây ngủ triền miên và có thể gây biến chứng- những hiểm họa từ một loài côn trùng được gọi là “bọ xít hút máu người” đang dần trở thành nỗi hoang mang cho người dân ở Hà Nội, Đà Nẵng... 

Có thể xuất hiện ở mọi nơi 

Theo TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật), loài bọ xít hút máu người có thể xuất hiện ở mọi nơi, từ những căn nhà lụp xụp đến các khu biệt thự sang trọng và rất khó phát hiện.

Mấy hôm trước, một phụ nữ tên Nguyễn Thị Cẩm T ở TP Đà Nẵng gọi điện cho TS Lam trình bày rằng, chị và hai người nữa trong gia đình bị một loại côn trùng giống bọ xít đốt từ một đến hai tháng nay. Cho đến khi cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ kéo theo chứng đau đầu, mặt phù nước,... Đồng thời người phụ nữ này gửi ảnh loài côn trùng này cho TS Lam.  

Những cá thể về bọ xít hút máu mà TS Lam thu thập được

Cùng thời điểm đó, gia đình anh Nguyễn Văn T ở Hà Nội, cũng phát hiện bị một loại bọ lạ đốt cách đây khoảng năm ngày. Họ bảo rằng khi bị đốt không có cảm giác đau, chỉ thấy vết đỏ nhỏ như muỗi cắn. Tuy nhiên ngay sau đó, người bị đốt có triệu chứng mệt và ngủ triền miên...Là người nghiên cứu về loài bọ xít này từ nhiều năm nay, TS Lam khẳng định, các trường hợp này đã bị loài bọ xít hút máu người tấn công.

Tổng hợp từ Viện ST- TNSV, người bị bệnh do bọ xít hút máu tấn công đầu tiên là do đi nghỉ mát ở Tam Đảo. Sau khi về nhà người này thấy mệt mỏi, ngủ triền miên từ 16 - 18h/ngày. Còn tại Hà Nội, danh sách khu vực xuất hiện bọ xít hút máu người đang dần nối dài. Từ khu Nghĩa Đô (Cầu Giấy), Gia Lâm, các khu phố dọc sông Hồng, sông Tô Lịch thuộc Hà Đông... Đặc biệt, bọ xít hút máu người có nhiều ở các nhà nghỉ, khách sạn do điều kiện vệ sinh không được tốt. Ở Nghĩa Đô, nhóm làm nghiên cứu đã thu được 5 cá thể trưởng thành và 7 cá thể ấu trùng. Điều chắc chắn là loài bọ xít này vẫn đang sinh sôi ở trên gác xép nhà nhưng vì chưa có điều kiện vệ sinh, sắp xếp nên chủ nhà vẫn phải chấp nhận sống chung với chúng.  

Một số nguyên nhân mà TS Lam đưa ra giải thích về việc bọ xít hút máu người xuất hiện phổ biến trong thời gian gần đây là do khí hậu nóng lên, hệ sinh thái nông nghiệp liên tục bị thu hẹp.

“Ban ngày loài bọ xít này chủ yếu chui vào khe tủ, khe giường hay khe tường. Tối đến chúng bò ra tìm mồi để đốt. Từ trước đến nay tôi không nghĩ là ở Hà Nội có thể xuất hiện loài bọ xít này. Vậy mà khi kiểm tra các mẫu xét nghiệm và nhận dạng thì đích thị chúng là loại bọ xít hút máu người”- TS Lam ngỡ ngàng. 

Không nên quá hoang mang

Cũng theo TS Lam, loài bọ xít này đã xuất hiện trên thế giới rất nhiều và dịch lây nhiễm ký sinh trùng do chúng gây ra để lại hậu quả rất lớn. Đặc biệt, nó gắn với một loại bệnh có tên chaga’s.

Loại côn trùng này thuộc họ bọ xít ăn thịt sâu, có màu xám. Khác với các loại khác trong họ, chúng không có mùi hôi, sống bằng máu người hoặc máu gia súc. Khi đốt chúng sẽ truyền chất gây tê làm người bị đốt không có cảm giác đau. Chỉ sau khi hút xong, trên da sẽ xuất hiện một nốt nhỏ màu đỏ, khoảng 1 -2 mm, không sưng tấy. Ngoài ra, chúng còn là loại trung gian truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga’s qua đường máu hoặc từ người mẹ sang tế bào thai.

Dù chưa có nghiên cứu về sinh sản, tập tục, phân bổ của loại bọ xít này ở Việt Nam nhưng, theo quan sát của TS Lam, một vòng đời của chúng kéo dài khoảng 6 – 8 tháng, và mỗi cá thể cái đẻ được 500 – 1.000 trứng. Khả năng sống của chúng cũng rất đáng sợ, vì có thể sống trong quyển sách dày kẹp chặt, 1 - 2 tuần sau vẫn sống. Hay chúng có thể nhịn ăn từ 6 - 7 tháng mà không bị chết. Loài này phát triển nhiều vào mùa nắng nóng.  Thời gian sắp tới, TS Lam phải chuyển mẫu sang Mỹ để xét nghiệm.

Ở châu Mỹ Latinh có khoảng 16 - 18 triệu người bị bệnh chaga’s. Một số nước như Chile, Bolivia, Achentina, Brazil có khoảng 65% lãnh thổ bị loài bọ xít này truyền bệnh và từng trở thành một đại dịch.

Mầm bệnh chaga’s do ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây ra có 2 thời kỳ là bắt đầu bị bệnh và thời kỳ mãn tính. Bệnh thường có triệu chứng sau một đến ba tháng đầu tiên, biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và ngủ vặt nhiều. Trong các nghiên cứu y văn thế giới, 5% trường hợp sau khi bị loài bọ xít hút máu này cắn đã bị tử vong. Mầm bệnh có thể ủ trong cơ thể người và làm mất dần khả năng miễn dịch, trở nên mãn tính từ 10 đến 40 năm sau.

Điều đáng nói, nhiều người lầm tưởng mình bị bệnh cao huyết áp hay các bệnh về máu, nhưng kỳ thực là do bệnh chaga’s gây nên.

Những thông số cho thấy loài bọ xít hút máu người rất nguy hiểm. Tuy nhiên TS Lam khuyến cáo không nên quá hoang mang mà các gia đình phải kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện cần phải tiêu diệt ngay. Phương thức tiêu diệt loại bọ xít này khả thi nhất vẫn là dùng tay. Mặt khác, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào đánh giá mức độ nguy hiểm đối với người của loại bọ xít hút máu cả nên để tránh hiểm họa có thể xẩy ra cần phải tích cực phòng. Đặc biệt, các gia đình cần tìm hiểu thêm các thông tin về loại bọ xít này để dễ dàng hơn trong việc nhận định xem trong nhà có hay không.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.