Gia đình anh Đinh Văn Hợp ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận (huyện Vân Canh, Bình Định) đã xây dựng được căn nhà khang trang. |
Rồi mới đây, thêm 4 hộ dân ở vùng đất đặc biệt khó khăn của huyện Hoài Ân (Bình Định) là xã Ân Nghĩa tự nguyện xin thoát nghèo càng cho thấy lòng tự trọng của người nghèo ngày càng bộc lộ.
Muốn sẻ chia
Là 1 trong 72 hộ nghèo ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân), những năm trước đây, ông Nguyễn Thường (SN 1953) do tuổi cao, không có công việc ổn định lại bị bệnh tật hoành hành, cuộc sống gia đình luôn gặp khó khăn, nên vào năm 2016 gia đình ông được chính quyền xếp vào diện hộ nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Vừa vượt qua bệnh tật, ông Thường liền bắt tay vào nghề đúc chậu kiểng. Mấy năm nay ông miệt mài lao động, chậu kiểng của ông có đầu ra ổn định, nguồn thu nhập của ông rủng rỉnh đồng ra đồng vào, đời sống của gia đình ông Thường cải thiện. Vậy là vợ chồng ông Thường “to nhỏ” với nhau rằng đợt này vợ chồng mình xin được thoát nghèo.
Trong cuộc họp thôn diễn ra vào đầu tháng 10 vừa qua, bà Nguyễn Thị Phố, vợ ông Thường, đã đứng lên bảy tỏ nguyện vọng xin ra khỏi diện hộ nghèo trước sự ngỡ ngàng của người dân.
“Sau thời gian được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, gia đình tôi có điều kiện vượt qua khó khăn. Bây giờ tôi đã có công việc cho thu nhập ổn định, tôi xin ra khỏi diện hộ nghèo để dành suất cho những hộ khó khăn hơn”, ông Thường bộc bạch.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Tình (SN 1951), người ở cùng thôn Kim Sơn, có gia cảnh còn bi thảm hơn, nhưng ông Tình cũng vừa tự nguyện xin thoát nghèo. Mới năm ngoái, vợ ông Tình mất vì bệnh tật, để lại cho ông gánh nặng phải nuôi nấng đứa con gái 40 tuổi bị tật nguyền bẩm sinh.
Ông Nguyễn Văn Tình xin ra khỏi diện hộ nghèo để nhường “suất nghèo” cho những người nghèo hơn. |
Chẳng bao lâu sau ông Tình bị tai nạn nặng, việc chữa trị kéo dài 2 năm trời ở bệnh viện. Di chứng tai nạn khiến 1 chân ông Tình rất yếu. Ông lại đang chung sống với vợ chồng người con trai út, đời sống chật vật vì 3 đứa cháu nội còn nheo nhóc, nhưng ông Tình vẫn quyết định “chia tay” với những chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ nghèo.
Sau khi bàn bạc chuyện xin thoát nghèo với vợ chồng con trai, sự đồng thuận của 2 đứa con đã khiến ông Tình thoải mái hơn khi đi đến quyết định ít ai làm được. Chị Nguyễn Thị Hoài, con dâu ông Tình vui vẻ cho biết: “Ba có bàn với 2 vợ chồng em về ý định xin ra khỏi diện hộ nghèo với lý do trong thôn còn nhiều người khổ hơn mình, mình hưởng chính sách ưu đãi đã 1 thời gian, giờ mình “thoát” ra để người khổ hơn có điều kiện cải thiện cuộc sống. Nghe ba nói chí lí nên vợ chồng tôi động viên ba thực hiện”.
Theo ông Lê Thanh Long, Phó Ban thôn Kim Sơn, trong đợt bình xét hộ nghèo năm 2019, UBND xã Ân Nghĩa đã tổ chức họp bình xét trên địa bàn 7 thôn. Trong khi ở các thôn khác, nhiều hộ có kinh tế khá hơn nhưng vẫn muốn gia đình mình còn nằm trong diện hộ nghèo, thì ở thôn Kim Sơn có 4 hộ xin thoát nghèo. Ngoài 2 hộ ông Nguyễn Thường và Nguyễn Văn Tình ở cùng xóm 3 nêu trên, ở xóm 2 cũng có 2 hộ tự nguyện xin thoát nghèo là ông Trịnh Hoàng Trương (SN 1991) và bà Nguyễn Thị Liên (SN 1959).
Ông Lê Hồng Sơn, trưởng thôn Kim Sơn, bày tỏ: “Tôi đã có 19 năm 4 tháng làm trưởng thôn, hàng năm tham gia công tác xét hộ nghèo ở địa phương, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến người dân chủ động xin ra khỏi hộ nghèo. Đáng nói là, với những hộ còn quá khó khăn, ví như hộ ông Tình có thể xét vào diện hộ cận nghèo, nhưng ông Tình vẫn khẳng định nguyện vọng muốn thoát nghèo hẳn”. |
Những hộ xin thoát nghèo giờ ra sao?
Trong thời gian còn nằm trong diện hộ nghèo, gia đình anh Đinh Văn Hợp ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận (huyện Vân Canh, Bình Định) được nhà nước hỗ trợ bò, cho vay vốn trồng keo theo chương trình WB3.
Có điều kiện làm ăn, lại thêm đức tính “miệng nói tay làm”, nên chẳng bao lâu sau gia đình anh Hợp đã có cuộc sống ổn định, đồng thời tích lũy được số tiền kha khá để xây dựng ngôi nhà khang trang. Từ “trắng tay”, gia đình anh Hợp có bò, có những rẫy mì, có nhiều diện tích trồng rừng.
“Gia đình tôi xin thoát nghèo từ năm 2014, đến nay bò đẻ thêm được nhiều con, rừng càng ngày càng lớn đã cho thu hoạch, mì thì cho tôi tiền hàng năm, cuộc sống đã ổn định. Suất hộ nghèo chuyển cho hộ khác, sau khi được nhận những chính sách ưu đãi, cuộc sống của họ dần bớt khó khăn, giờ cũng đã thoát nghèo. Năm 2014, ở làng Hà Văn Trên ngoài tôi còn có 4 hộ khác cũng xin thoát nghèo”, anh Hợp vui vẻ bộc bạch.
Rời nhà anh Hợp, chúng tôi sang làng Hà Văn Dưới (xã Canh Thuận) để gặp 1 người cách đây 5 năm cùng 2 hộ khác cũng xin thoát nghèo như anh Hợp, đó là ông Lê Ngọc Hà. Ông Hà tiếp chúng tôi với tinh thần phấn chấn: “Nhà tôi trước kia nghèo lắm, được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò cái.
Đến bây giờ, đàn bò đã phát triển lên được gần chục con. Lúc tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo không phải vì đã giàu đâu, mà vì trong làng còn có người khó khăn hơn mình, mình cứ ở mãi trong danh sách hộ nghèo thì xấu hổ lắm”.
Trong những người xin thoát nghèo ở xã Canh Thuận, chúng tôi khâm phục nhất là tấm gương sống cứng cỏi chị Lê Thị Me, người dân tộc Bana. Vài năm trước, gia đình chị Me còn là những hộ nghèo nhất xã Canh Thuận. Cách đây khoảng 5 năm, chồng chị Me đột ngột qua đời, để lại cho chị 2 đứa con nhỏ dại, gia cảnh càng khó khăn hơn.
Mối lo cơm áo, gạo tiền trĩu nặng trên đôi vai chị. Nén nỗi đau góa bụa khi tuổi còn xuân xanh, chị Me lao vào công việc, làm ăn nuôi 2 con nhỏ ăn học. Được Nhà nước hỗ trợ bò giống được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Me đầu tư trồng 3ha keo. Thời gian rảnh, chị tranh thủ đi làm công nhân kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Sau khi xin ra khỏi hộ nghèo, chị Lê Thị Me phấn đấu làm ăn giờ đã có cuộc sống ổn định. |
Nhờ chăm sóc tốt, con bò giống của chị Me mắn đẻ, bò trong chuồng càng ngày càng tăng đàn, rừng keo cũng cho thu hoạch. Cuối năm 2017, chị Me tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chị Me bày tỏ: “Thời gian gia đình tôi còn quá nghèo thì được nhận sự hỗ trợ rất nhiều. Khi kinh tế gia đình đã khá hơn trước, mẹ con tôi đã có thể tự lực cánh sinh, nên tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Những bà con nghèo hơn, khó khăn hơn được nhận suất hỗ trợ của tôi sẽ có cơ hội thoát nghèo”.
Lý do xin thoát nghèo của ông Đinh Văn Ty nghe ra rất “triết lý”. “Xin thoát nghèo là để tự tạo cho mình ý chí phấn đấu. Còn cầm mãi cái sổ hộ nghèo với những chính sách ưu đãi kèm theo, tôi sợ mình trở nên lười biếng, ỉ lại. Thế nên khi tôi nhận thấy kinh tế gia đình đã ổn định, không còn thiếu đói như trước. Khi cái bụng nghĩ ra điều này cái đầu tôi cũng phân vân lắm, nhưng khi nghĩ đến làng trên xóm dưới có nhiều người còn khổ hơn mình, cần sự hỗ trợ của Nhà nước nhiều hơn mình thế là tôi quyết ngay”, ông Ty tâm sự.
Sau khi 8 hộ dân xã Canh Thuận “mở màn” tự nguyện xin thoát nghèo vào năm 2014, từ năm 2015 đến nay, ở địa phương này tiếp tục có gần 20 hộ dân khác tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.
Chủ động xin ra khỏi hộ nghèo, đồng nghĩa không còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhưng những hộ nghèo rất quyết tâm với lựa chọn của mình. Bởi theo họ, đó không phải là xuất phát từ sự bốc đồng nhất thời hay lòng tự ái, càng không phải vì muốn “làm nổi”, mà xuất phát từ nhận thức ngày một tiến bộ và từ tấm lòng muốn chia sẻ với bà con khó khăn như mình. |