| Hotline: 0983.970.780

Làn sóng biểu tình ở Morocco, Tunisia và Libya

Thứ Hai 21/02/2011 , 09:26 (GMT+7)

Phương thức huy động biểu tình tại Morocco cũng giống các cuộc xuống đường ở các nước trong khu vực như Tunisia, Ai Cập, Barhain, Yemen và Algeria, được gọi chung là "các cuộc cách mạng Facebook".

Làn sóng biểu tình tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi tiếp tục lan rộng.

Người dân Morocco xuống đường biểu tình ở Rabat. 

Ngày 20/2, hàng nghìn người đã xuống đường tại một loạt thành phố lớn ở Morocco đòi cải cách chính trị và hạn chế quyền lực của Vua Mohammed VI. Các cuộc biểu tình đã diễn ra tại thủ đô Rabat, thành phố Casablanca cùng nhiều thành phố khác.

Phương thức huy động biểu tình tại Morocco cũng giống các cuộc xuống đường ở các nước trong khu vực như Tunisia, Ai Cập, Barhain, Yemen và Algeria, được gọi chung là "các cuộc cách mạng Facebook."

Đến giữa ngày, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra trong hòa bình. Một số người biểu tình cho biết họ không chống lại nhà vua song họ muốn có việc làm và sự công bằng.

Trước thềm các cuộc biểu tình, nhà chức trách Morocco đã hứa "bơm" 1,4 tỷ euro nhằm làm dịu cơn sốt giá các mặt hàng thiết yếu - nguyên nhân chính trong số nhiều nguyên nhân, bao gồm cả thất nghiệp, làm bùng nổ sự bất ổn trong thế giới Arập.

Nhà chức trách Morocco từng nhiều lần tuyên bố người dân có thể biểu tình nhưng không được phép đe dọa "các lợi ích sống còn."

Bộ trưởng Tài chính Salahedine Mezouar ngày 19/2 nói rằng điều "tích cực" là người dân Morocco có thể bày tỏ bản thân thông qua Facebook, song ông cũng cảnh báo rằng "bất cứ sai lầm nào cũng có thể xóa sạch trong vài tuần những thành quả mà chúng ta đã gây dựng trong 10 năm qua."

Cũng trong ngày 20/2, khoảng 30.000 người đã tập trung trước Phủ Thủ tướng ở trung tâm thủ đô Tunis của Tunisia đòi thay chính phủ tạm quyền.

Đây là ngày thứ hai liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ tại thủ đô của quốc gia Bắc Phi này, bất chấp lệnh cấm biểu tình của chính phủ sau cuộc nổi dậy hồi tháng trước khiến Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali phải trốn chạy.

Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu "Từ chức!" và "Chúng tôi không muốn những người bạn của Ben Ali!" Lực lượng an ninh Tunisia đã phải bắn chỉ thiên để giải tán đám đông.

Trước đó, ngày 19/2, Bộ Nội vụ Tunisia cho biết theo luật tình trạng khẩn cấp, các cuộc biểu tình bị cấm và những người biểu tình có thể bị bắt giữ.

Tại Libya, người biểu tình tiếp tục tụ tập tại quảng trường bên ngoài một tòa án ở thành phố Benghazi ở miền Đông nước này đòi phế truất nhà lãnh đạo lâu năm, Tổng thống Moammar Gadhafi.

Một số nhân chứng cho biết lực lượng an ninh Libya đã đụng độ với người biểu tình tại thành phố Misrata, trong bối cảnh các cuộc biểu tình lan đến gần thủ đô Tripoli. Người biểu tình đã đổ ra đường phố Misrata, cách thủ đô Tripoli 200km, trong hành động biểu thị sự ủng hộ đối với người dân Benghazi.

Trong một diễn biến khác, ngày 20/2, Áo tuyên bố nước này sẽ cử một máy bay quân sự đến Malta để chuẩn bị di tản các công dân Áo và châu Âu ra khỏi Libya và các nước Arập khác, sau những bất ổn gần đây tại khu vực.

Hàn Quốc cũng đã khuyến cáo công dân không nên tới Libya.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất