| Hotline: 0983.970.780

Làng bánh chưng xuất khẩu tất bật cả ngày lẫn đêm làm hàng Tết

Thứ Năm 23/01/2020 , 09:01 (GMT+7)

Mỗi độ tết đến xuân về, làng gói bánh chưng ở Đồng Nai lại trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Tại đây, mỗi năm cung ứng ra thị trường trong nước lẫn xuất khẩu hàng trăm tấn bánh.

Làng bánh chưng Hố Nai bắt đầu sản xuất đơn hàng tết từ 15 tháng chạp và thường kết thúc vào ngày 29 tết.

Những ngày này, hàng chục cơ sở bánh chưng ở phường Hố Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang gấp rút hoàn tất những đợt bánh cuối cùng để kịp giao cho khách đón tết.

Ông Nguyễn Tiến Tân, cư dân địa phương cho biết, cả làng hiện có hơn 30 hộ gia đình làm nghề gói bánh và hoạt động liên tục 12 tháng trong năm. Trong đó, Tết Nguyên đán là vụ sản xuất chính và lượng hàng cao gấp hàng chục lần so với bình thường.

Làng bánh chưng Hố Nai hình thành từ hơn 20 năm trước và do những cư dân gốc tỉnh Hải Dương, Ninh Bình khởi thủy. Thời đó, người Hải Dương, Ninh Bình đến đất Hố Nai lập nghiệp và vì nhớ nhà, nhớ tết quê nên nhiều gia đình làm bánh để thưởng thức. Dần về sau, hương vị tết Bắc cứ thế lan tỏa và đến ngày nay thì hình thành nên làng bánh nổi tiếng.

Vừa cho lá dong vào khuôn, bà Nguyễn Thị Hiền vừa thổ lộ, gia đình bà gói bánh vụ tết kể từ ngày 15 tháng chạp và dự kiến kết thúc vào ngày 29 tết. Để bánh thơm ngon, gia đình sử dụng loại nếp cái hoa vàng và dùng các nguyên liệu như thịt heo, hành, đậu xanh… để làm nhân.

“Năm ngoái, chúng tôi gói trên 3 tấn nếp và năm nay gói khoảng gần 4 tấn. Bánh thành phẩm được một doanh nghiệp ở TP.HCM mua để chuyển sang Mỹ, Úc… cho kiều bào đón tết. Ngoài ra chúng tôi cũng bán ra thị trường trong nước”, bà Hiền chia sẻ.

Nghề gói bánh được hình thành từ 20 năm trước bởi những người con xa xứ của tỉnh Hải Dương, Ninh Bình.

Cạnh nhà bà Hiền là gia đình chị Nguyễn Thị Là cũng đang gấp rút sản xuất những mẻ bánh cuối cùng trước giao thừa. Để đảm bảo tiến độ công việc, ngoài 2 vợ chồng, chị Là phải thuê thêm 3 người khác và làm cả ngày lẫn đêm. Vừa sắp bánh chín lên giàn, chị Là vừa cho biết, thời tiết ở Đồng Nai nóng hơn so với miền Bắc nên việc sản xuất và bảo quản bánh cũng có phần thay đổi.

Bánh sau khi rời bếp, chị Là phải bỏ lên giàn để nguội và ráo nước. Sau khoảng 2 giờ, chị tuyển lựa lại bánh một lần nữa và những sản phẩm đạt chuẩn thì chuyển sang dán nhãn hiệu và thực hiện rút chân không.

Nữ chủ cơ sở thổ lộ, việc rút chân không sẽ giúp bánh khỏi hư hỏng do thời tiết nóng và đảm bảo vệ sinh trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ. “Bánh chưng của làng Hố Nai có nhiều loại. Nhỏ nhất là 0,6kg và lớn nhất là 3kg/chiếc. Người gói cũng dựa vào sở thích ăn nhân nạc hay nhân mỡ của khách và cho ra 2 dòng sản phẩm khác nhau”, chị Là cho hay.

Vào độ tết, làng bánh chưng Hố Nai cung ứng hàng trăm tấn bánh cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ở làng bánh Hố Nai, nhiều gia đình đã thực hiện sản xuất với quy mô lớn và đăng ký thương hiệu, lập công ty. Bánh chưng sau khi ra lò sẽ được bán cho các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hoặc các chuỗi cửa hàng tiện ích, các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh. Nhiều gia đình cũng được các đơn vị quân đội, lực lượng vũ trang đặt hàng với số lượng lên đến nhiều tấn dịp tết.

Nghề gói bánh chưng ở làng Hố Nai là nghề truyền thống, mang đậm bản sắc quê hương, dân tộc nên những người làm bánh luôn đề cao chữ Tín trong sản xuất. Theo bà Phạm Thị Nhài, bánh chưng là món ăn đặc biệt, mang linh hồn của tết Việt nên chiếc bánh phải đảm bảo đủ các yếu tố gồm sạch, ngon và phải đẹp.

Bánh được người dân hút chân không để cung ứng ra thị trường.

Để bánh có ngoại hình vuông vức, gia đình bà sử dụng các loại khuôn lớn nhỏ khác nhau và lá dong để gói cũng được tuyển lựa kỹ càng. Về nguyên liệu như nếp, đậu xanh, thịt heo, hành… gia đình bà Nhài liên kết với những hộ dân sản xuất uy tín trong vùng. “Nguồn nguyên liệu họ cũng sản xuất sạch và mình có thể truy xuất được nguồn gốc nên yên tâm”, bà Nhài thổ lộ.

Ngoài bánh chưng, nhiều gia đình, cơ sở cũng sản xuất thêm bánh giầy để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, nguồn tiêu thụ loại bánh này ít nên chủ yếu sản xuất theo các đơn đặt hàng.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm