| Hotline: 0983.970.780

Làng bánh tráng 'chạy đua' với nắng phục vụ tết

Thứ Năm 24/01/2019 , 07:05 (GMT+7)

Suốt chuỗi ngày dài mưa lũ vừa qua, làng bánh tráng Nhơn Phúc (TX An Nhơn, Bình Định) gần như “tê liệt”, không hoạt động được, trong khi thị trường thì đang hút hàng bánh tráng phục vụ tết.

Những ngày giữa tháng Chạp trời hửng nắng, các lò hoạt động hết công suất, “chạy đua” với thời gian để có đủ lượng hàng cung ứng ra thị trường.
 

“Hiện đại hóa” nghề bánh tráng

Còn nhớ trước đây, hầu hết những lò tráng bánh tráng ở TX An Nhơn đều làm theo phương pháp thủ công. Chiều hôm trước đã lo ngâm gạo, 3 giờ sáng hôm sau thức dậy xay bột. Bột được xay bằng cối đá nhỏ, kẽo kịt mãi mới được 1 thau bột.

11-12-45_1
Các lò tráng bánh bằng máy ở xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) hoạt động hết công suất

Trong lúc xay bột, một thành viên khác trong gia đình nổi lửa nhen lò, nấu sôi nồi đồng đầy nước (còn gọi là nồi bảy), bên trên miệng nồi căng 1 tấm vải. Nước sôi, bột đã sẵn, người thợ tráng lên lò múc từng gáo bột (gáo được làm bằn sọ dừa khô) đổ lên trên tấm vải, dùng chiếc gáo trải bột thành hình tròn rồi đậy nắp vung lại. Hơi nước làm chín bột thành chiếc bánh, vớt bánh ra trải lên vỉ (mỗi vỉ 5 bánh) rồi mang ra nắng phơi.

Làm theo kiểu này, lò nào tráng nhiều lắm mỗi ngày nắng gắt cũng chỉ được 60 ràng bánh, mỗi ràng 25 bánh, vị chi 1.500 bánh/ngày.

Tráng theo phương pháp thủ công mỗi ngày cho ra chẳng được bao nhiêu sản phẩm, lời lãi cũng ít, trong khi nhu cầu bánh tráng trên thị trường không bao giờ giảm, nhất là vào những dịp lễ tết.

“Bánh tráng thường được nông dân ăn sáng trước khi đi làm đồng, trong những đám giỗ đám tiệc cũng không thể thiếu nó. Nhất là 3 bữa tết, chẳng mấy gia đình nào nấu cơm, cứ nhúng bánh tráng tráng quấn với thịt heo thưng hoặc quấn với bánh tét chấm với nước mắm củ kiệu ăn cho tiện, do đó sức tiêu thụ bánh tráng trên thị trường không bao giờ giảm. Những ngày gần tết càng hút hàng”, ông Nguyễn Thiệp (60 tuổi) ở phường Bình Định, chủ lò bánh tráng thủ công cho biết.

Trước nhu cầu của thị trường, làng nghề truyền thống xã Nhơn Phúc đã từng bước “hiện đại hóa” nghề tráng bánh bằng dây chuyền hiện đại, mỗi ngày có thể cho ra lò 18.000 bánh/lò.

11-12-45_2
Ảnh: Vũ Đình

Ông Hồ Tấn Minh (SN 1951) ở làng Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc cho biết: “Làng nghề bánh tráng Nhơn Phúc có gần 100 lò bánh tráng bằng máy, riêng 2 thôn An Thái và Mỹ Thạnh có đến gần 60 máy. Đầu tư cho 1 lò bánh bằng máy khoảng 100 triệu đồng; trong đó, chi phí mua 1.000 tấm vỉ phơi bánh hết 50 triệu (50.000 đồng/vỉ) và giàn máy tráng bánh 50 triệu nữa. Nhờ đó lượng bánh tráng cung ứng ra thị trường tăng lên rất cao”.
 

Tất bật vụ tết

Giữa tháng Chạp, nắng chưa gắt nhưng cũng đủ để gần 100 lò tráng bánh bằng máy ở xã Nhơn Phúc hoạt động tưng bừng, “chạy đua” với thời gian để có sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Theo ông Hồ Tấn Minh, với cái nắng nhẹ như những ngày này, mỗi lò bánh cũng có thể cho ra 1 ngày 2 xuất bánh. 4 giờ sáng thức dậy, nổ máy tráng đến tờ mờ sáng là đã cho ra lò 1.000 vỉ bánh. 2 giờ đồng hồ sau bánh khô, được xếp lại từng ràng (20 bánh/ràng). Số bánh của 1.000 vỉ được đóng thành 3 cây, mỗi cây 100 ràng, vị chi là 300 ràng (6.000 bánh). Sau đó nổ máy tiếp tục làm xuất 2, đến đầu giờ chiều là mỗi lò cho ra được 12.000 bánh tráng.

11-12-45_3
11-12-45_4
Bánh tráng được phơi kín các khoảnh đất trống trên địa bàn xã Nhơn Phúc

“Thời điểm này bánh bán rất đắt, hôm nào trời nắng gắt là các lò làm đến 3 - 4 xuất, làm đến hết nắng mới thôi. Thời gian trước đây mỗi cây bánh chỉ bán được từ 750.000 - 800.000 đồng/cây, nhưng hiện đã tăng đến 1 triệu đồng nhưng không có đủ để bán”, ông Minh chia sẻ.

Gạo nguyên liệu dùng để tráng bánh được mua tại địa phương, còn mì (sắn) đã qua sơ chế dùng để trộn vào gạo tráng bánh để cái bánh tráng có độ dẻo được lấy từ An Khê (Gia Lai). Hiện ở xã Nhơn Phúc có 2 chiếc xe tải chuyên đi tuyến An Khê chở mì về cung ứng cho các lò bánh tráng. Trong tháng Chạp, mỗi xe phải đi mỗi ngày 2 chuyến mới đủ mì cung ứng cho các lò.

Ngoài tiêu thụ thị trường trong nước, mạnh nhất là các tỉnh Tây Nguyên, bánh tráng ở xã Nhơn Phúc còn xuất đi sang Lào và Campuchia. “Hiện có 2 xe tải loại trung ở huyện Tây Sơn (Bình Định) chuyên mua bánh tráng Nhơn Phúc chở sang Lào và Campuchia. Cứ vài ba hôm là 2 xe tải này đi 1 chuyến, do vậy bánh tráng Nhơn Phúc càng hút hàng”, ông Minh cho biết thêm.

“Ngày thường gia đình tôi chỉ chế biến khoảng 150kg gạo, giáp tết thì số lượng tăng lên gấp đôi, có khi gấp ba. Cả năm chỉ trông vào 3 tháng cuối năm, nhưng năm nay mưa liên tục nên số lượng giảm đáng kể. Người dân tranh thủ trời hửng nắng làm bánh để đủ lượng hàng cung ứng cho thương lái”, ông Nguyễn Văn Lượng, chủ lò bánh ở thôn An Thái (xã Nhơn Phúc) cho biết.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất