| Hotline: 0983.970.780

Làng bánh... tránh nghèo

Thứ Tư 07/07/2010 , 11:04 (GMT+7)

Thôn Tân An đất chật người đông, đất ruộng lại càng hiếm hoi. Nhờ đổi sang làm bánh tráng mà cuộc sống người dân nơi đây mới bớt khó khăn...

Bẻ một miếng bánh tráng dòn rụm, chấm thêm chút nước mắm sánh đặc rồi cho vào miệng, mùi thơm, ngọt của gạo mới, hương vị riêng của mè quyện lại trong bánh, tôi tấm tắc: “Ngon, ngon! Đúng là bánh tráng Ba Đồn có khác”.

Anh bạn ngồi cạnh là người bản địa nói ngay: “Ngon thì đúng rồi, vì đây là sản phẩm đã nổi tiếng hàng trăm năm nay của một làng nghề truyền thống. Còn nói là bánh Ba Đồn thì cậu nhầm to. Ba Đồn xưa nay làm gì có nghề làm bánh tráng, đây là bánh Tân An đấy”.

Trăm năm làm bánh

Các cụ cao niên khẳng định rằng nghề làm bánh tráng xuất hiện ở thôn Tân An - mảnh đất nằm bên triền sông Gianh (thuộc xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) cách đây hàng trăm năm. Thôn Tân An đất chật người đông, đất ruộng lại càng hiếm hoi, những năm trước, nhà có 4 - 5 nhân khẩu cũng chỉ được mấy thước ruộng, từ sau khi thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, quy hoạch sắp xếp lại ruộng đất mới có thêm chút ít đất ruộng gọi là.

Cụ Trần Văn Vinh (83 tuổi ở chòm 4, thôn Tân An) đang phơi bánh cùng con cháu, dừng tay kể: “Làng ít đất nông nghiệp nên để duy trì cuộc sống, người dân Tân An phải tìm cho mình những ngành nghề khác để nuôi thân và nghề làm bún, bánh đa, bánh tráng chắc cũng từ nguyên nhân đó mà ra đời rồi phát triển ngày càng mạnh. Tui nói vậy không biết đúng hay sai, mà có lẽ là đúng vì các cụ tổ nhà tôi cũng nói với con cháu vậy”. 

Cụ Nguyễn Thị Lần: “Làm bánh mỗi ngày cũng kiếm được 50 ngàn đồng phụ cho con cháu”

Theo ông Nguyễn Tiến Thược, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh thì sản phẩm bánh mè xát đã được người dân Tân An làm ra cách đây đã gần 100 năm. Bánh mè xát được làm từ gạo và mè vàng đã được xát vỏ trở nên trắng tinh, có thêm một chút ít tinh bột sắn làm phụ gia để khi phơi nắng bánh không bị vỡ. Gạo làm bánh được chọn từ các loại gạo ngon IR38, XI23, HT1, ngâm kỹ trong nước lạnh từ 3-4 giờ đồng hồ rồi vớt ra đãi sạch cho vào cối nghiền nát thành chất bột sền sệt. Mè được trộn đều vào bột, khi tráng ra bám chắc vào bánh. Công đoạn tráng bánh được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, sau đó đem phơi trên những chiếc phên đan bằng tre, nứa. Khi bánh đã khô đem vào chưa vội bóc ra ngay mà phải ủ lại cho mặt bánh được phẳng, đồng thời để cho bánh có thời gian dịu lại rồi mới bóc khỏi phên và đóng gói mang đi tiêu thụ. Bánh đảm bảo để lâu vẫn không hề bị mốc.

Bánh gồm 2 loại chủ yếu là bánh dày để nướng, bánh mỏng dùng để cuốn ram (bánh đa nem). Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều năm qua người dân nơi đây còn sản xuất ra loại bánh mè xát đường, có vị ngọt, béo và khá dẻo nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa mà không ngại bị vỡ, khi nướng lên thơm phức. “Trên địa bàn huyện Quảng Trạch có rất nhiều vùng quê sản xuất bánh tráng, bánh đa, nhưng bánh mè xát thì hiện chưa có nơi nào làm được, chỉ có ở Tân An mới làm được thứ bánh đặc sản này”, ông chủ tịch xã khẳng định.

Xua đi đói nghèo

Cô cán bộ Văn phòng UBND xã Quảng Thanh dẫn tôi xuống thôn Tân An theo lối một con đường nhỏ chạy sát dọc thao bờ sông Gianh. Xóm làng khá trù phú, sạch sẽ. Hệ thống đường trong thôn đều được phủ đầy những tấm phên phơi bánh tráng. Bánh được phơi san sát trên các con đường bê tông, đến nỗi khó phân biệt được của nhà nào với nhà nào. Bà Nguyễn Thị Xinh, 54 tuổi, ở chòm 3 tiếp chuyện với chúng tôi khi tay vẫn thoăn thoắt tráng bánh: “Đất đai không có mà sản xuất nên hầu hết con nít của làng này lớn lên đều được bố mẹ truyền cho cái nghề làm bánh, làm bún, một số ít thì theo học nghề mộc, nề để sau này lớn lên có thể tự lập thân. Tui cũng tập tành tráng bánh từ nhỏ, đến năm 18 tuổi thì coi như chính thức bước vào làm nghề. Cái nghề này không kể nắng mưa, đều làm được tất, trời nắng thì phơi 3 tiếng đồng hồ là bánh khô, trời mưa cực hơn, phải xông bánh trên gác bếp. Nói cực thì cũng cực, bếp núc khói khắm nhưng nhà nông biết làm gì mà sướng đây, nhờ nó có cái ăn cái mặc”.

Một góc thôn Tân An

Trung bình mỗi ngày, gia đình bà Xinh tráng được 1.000 cái bánh tráng, cứ 5 ngày đi nhập bánh ở chợ Ba Đồn một lần, tiền lời lãi được dùng để chi phí cho con cái học hành và cuộc sống gia đình mấy miệng ăn, sắm sửa một số tiện nghi sinh hoạt.

“Thôn Tân An có 309 hộ dân với 1.270 nhân khẩu sinh sống ở 4 chòm, gần như chuyên làm nghề sản xuất bún, bánh tráng các loại. Mỗi ngày, thôn Tân An sản xuất ra 1,5- 2 vạn bánh tráng. Bánh sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đấy thông qua hệ thống thu mua ở các chợ trên địa bàn huyện và có mặt cả ở thị trường ngoài huyện, ngoài tỉnh. Bánh tráng Tân An có nhiều loại, nhiều kích cỡ để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến đó là bánh mè xát. Nhờ sản xuất bánh tráng mà người dân Tân An có tổng thu nhập bình quân đạt 7,2 triệu đồng/người/năm. Đây là mức thu nhập khá cao so với các vùng quê sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn nhờ vậy cũng giảm dần qua mỗi năm, tỷ lệ hộ giàu là 16%” - ông Nguyễn Tiến Thược, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho hay.

Dưới cái nắng như đổ lửa, tôi đến chòm 4, nơi có tỷ lệ hộ làm bánh tráng nhiều nhất thôn Tân An. Cụ bà Nguyễn Thị Lần, 76 tuổi đang tráng vội mẻ bột cuối cùng để cụ ông mang ra phơi cho kịp nắng. Cụ Lần vui vẻ cho biết: “Nghề làm bánh coi rứa mà đã giúp được người dân trong thôn xoá được đói nghèo đó. Đây là nghề ông cha để lại, quý lắm, sắp nhỏ khoảng 10 tuổi là đã có thể tập làm bánh, sáng đi học về là vội vàng cất cặp sách, ngồi xuống giúp bố mẹ chúng tráng bánh. Năm 12 tuổi tui cũng đã biết tráng bánh, nay già yếu rồi vẫn làm, mỗi ngày cũng kiếm được hơn 50 ngàn đồng, đỡ đần phần nào cho con cháu”.

Theo kinh nghiệm 64 năm làm bánh tráng của cụ Lần thì, để làm được bánh ngon, bột phải được xay trong ngày, nghĩa là phải ngâm gạo từ đầu hôm rồi dậy thật sớm để xay, bột phải mới thì bánh sẽ ngon, nếu xay vào tối trước để đến sáng mai thì bột sẽ bị chua, ảnh hưởng đến chất lượng của bánh. Khi tráng bánh lửa phải to, đượm để bánh đủ độ chín, nướng lên sẽ có mùi thơm của gạo, vị béo của mè, vị dòn mềm của tinh bột lọc ăn rất hấp dẫn.

Ai có dịp về thôn Tân An mới thấy hết được quang cảnh nhộn nhịp của làng nghề, nhất là vào lúc trời nắng to. Trong vườn nhà, trên các tuyến đường, người người thoăn thoắt phơi bánh, trở để tránh cho bánh khỏi bị hỏng. Chừng 5- 6 giờ chiều, mọi người lại chia nhau công việc, người thì rãi bánh cho dịu, người thì bóc bánh ra khỏi phên, người buộc, ủ bánh... tiếng cười, tiếng nói rộn rã không khí hăng say lao động.

Cụ Trần Văn Vinh tủm tỉm cười khi thấy tôi như bị cuối vào không khí của làng nghề, nhìn hết chỗ nọ đến chỗ kia. “Vui lắm cháu ạ! Nhất là vào khoảng tháng 10-12 âm lịch, cả làng như không ngủ để làm bánh thâu ngày thâu đêm mới đủ hàng phục vụ cho thị trường”- cụ Vinh nói.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sụt lún nghiêm trọng tại kho một công ty lương thực thiệt hại 10 tỷ đồng

CẦN THƠ Vụ sụt lún xảy ra tại kho Bến Thủy của một công ty lương thực, ước tính thiệt hại 10 tỷ đồng, ngành chuyên môn đang tìm hiểu nguyên nhân.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm