| Hotline: 0983.970.780

Làng chài... cổ tích trên sông Ba

Thứ Sáu 16/02/2018 , 13:30 (GMT+7)

Sông Ba - con sông kỳ vỹ nhất vùng Tây Nguyên - Nam Trung bộ. Một thời, con sông dài gần 400km này luôn nhộn nhịp với hàng trăm bến cá đặc sản, giờ chỉ còn là những làng chài trong cổ tích.

Kỳ vỹ sông Ba

Từ độ cao 1.549m, sông Ba như chui ra từ lòng đất ở cao nguyên Kon Plông (khởi nguồn từ dãy núi Ngọc Rô - tây bắc tỉnh Kon Tum). Từ đây, sông Ba như một con rồng khổng lồ, uốn lượn qua các cao nguyên thuộc vùng Bắc Tây Nguyên. Đến thung lũng Cheo Reo - Ayun Pa, sông Ba "kết nạp" thêm sông Ayun để từ đây, dòng sông đổi hướng, chảy sang Tây Bắc - Đông Nam qua huyện Krông Pa (Gia Lai) rồi đi vào địa phận tỉnh Phú Yên theo hướng Tây - Đông. Kết thúc cuộc hành trình dài 374km, sông Ba hòa vào biển lớn ở cửa biển Đà Diễn (còn gọi là cửa Đà Rằng), phía Nam thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).

20-21-34_song_b_ky_vy_mot_thoi_gio_nhieu_don_chi_con_l_vung_nuoc_duc_ngu
Sông Ba kỳ vĩ một thời, giờ chỉ còn như một vũng nước

Từ ngàn xưa, sông Ba đã là biểu tượng thiêng liêng của các cư dân sinh sống dọc hai bên dòng sông. Với lưu vực rộng 13.900km2, sông Ba là nơi quần tụ, sinh sống từ rất lâu đời của các tộc người bản địa như Dẻ Triêng, Sê Đăng, J’rai, BahNar… để từ đây, hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc. Từ những con thác hùng vỹ nơi thượng nguồn đến những khúc quanh, những dòng chảy êm đềm xuôi về hạ du đều mang một dấu ấn đậm nét về văn hóa của cư dân sinh sống nơi đây: Đó là những bản trường ca bất tử, những chương sử thi hùng tráng và lãng mạn; đó là những câu chuyện tình đẹp của các chàng trai, cô gái Ê-Đê, Dẻ Triêng, J’rai, BahNar…

Sông Ba còn mang trên mình huyền thoại về chiếc gươm thần của người J’rai, huyền thoại về con Rồng Lửa của người Kinh. Dọc hai bên bờ sông là những làng mạc thanh bình mà trong nó là một di sản văn hóa độc đáo và khổng lồ với vút cong mái nhà Rông, với trầm mặc những bức tượng nhà mồ, với âm vang cồng chiêng, với la đà ché rượu, với lơi lả vòng xoang…

Sông Ba còn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống các cư dân bản địa nơi nó chảy qua. Bằng những sản vật trời ban cho mình, sông Ba đã hào phóng dâng tặng lại tất cả cho con người: Đó là những loài cá quý mà người dân khai thác ngỡ không bao giờ cạn. Bên cạnh nguồn lợi thủy sản dồi dào, sông Ba còn giữ vai trò điều tiết nước tưới cho toàn bộ lưu vực nơi dòng sông chảy qua. Hàng năm, trước khi đổ ra biển Đông, sông Ba nặng tình nặng nghĩa không quên dâng tặng lại một lượng phù sa vô tận để từ đó, hình thành nên những bãi ngô, ruộng đậu quanh năm xanh tốt, những ruộng lúa trĩu bông vàng; những cánh đồng bông vải, thuốc lá bạt ngàn…

Trước nước sông Ba lên tận cây chuối này, giờ hun hút dưới kia

Theo đó, những làng mạc sầm uất cũng dần mọc lên bên dòng sông. Gần đổ ra biển lớn, sông Ba còn hào phóng khi uốn mình, tạo thành một vùng châu thổ rộng lớn trên hai mươi ngàn héc-ta, tạo nên cánh đồng Tuy Hòa rộng nhất Nam Trung bộ. Chưa hết, từ hệ thống thủy nông Đồng Cam, nước từ sông Ba được đưa vào, tưới cho cánh đồng lúa rộng lớn này…
 

Từ nay bỏ mái, gác thuyền

Từ bao đời nay, hàng triệu người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông Ba, gắn liền với dòng nước: Từ ăn uống, tắm giặt đến phục vụ sản xuất, tưới tiêu.

Ông Trần Văn Hòa, 49 tuổi (phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) từng là một ngư dân kiếm sống trên sông nuôi sống gia đình bao năm. Ông Hòa quê gốc ở huyện An Nhơn (Bình Định), theo cha mẹ lên lập nghiệp ở đây từ đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước. Ông kể: Ký ức tuổi thơ đẹp nhất của ông hồi còn ở quê hương An Nhơn, đó là cùng đám bạn đồng trang lứa như những con rái cá, suốt ngày bơi lội trên dòng sông Kôn nô đùa và bắt cá.

Lên lập nghiệp ở An Khê, gia đình ông cùng bà con nơi đây ngoài việc trồng dưa hấu và một số loại rau màu khác, chủ yếu vẫn hành nghề ngư phủ trên dòng sông Ba. Ông kể: "Hồi đó cá sông Ba nhiều vô kể, với nhiều loài cá đặc sản như cá đá, cá lăng, cá chình, cá chốt, cá chạch...

Theo đó, nhiều làng chài hình thành, lớp ngư dân trên miền sơn cước này đã sống nhờ nguồn thủy sinh dồi dào của dòng sông mẹ. Nhiều ngư phủ nổi tiếng "sát cá" cũng để lại không ít huyền thoại về những chiêu thức đánh bắt cá trên dòng sông Ba”.

Ông Hòa đưa chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Hái ở thôn 2, xã Thành An (thị xã An Khê). Trên đường đi, ông Hòa ca tụng lão ngư Nguyễn Văn Hái như một trong những ngư dân kỳ cựu, sát cá nhất của dòng sông Ba bằng chiêu thức "gọi cá".

Ông Hái với chiêu thức gọi cả nổi tiếng một thời

Ông kể: “Sau khi thả lưới, người ta thường bơi xuồng ra xa, dùng mái chèo gõ lên mạn thuyền để cá sợ mà chạy về phía lưới, ở quê gọi là nghề lưới gõ. Ông Hái cũng làm nghề lưới gõ, nhưng ông ấy không bơi xuồng ra xa, mà cắm sào ngay chỗ thả lưới, dùng mái chèo gõ nhẹ lên mạn thuyền. Vậy mà lúc nào lưới ổng cũng nặng nhất. Mọi người bảo ông ấy gõ gọi cá đến lưới chứ không phải dồn cá về lưới. Nhiều người bắt chước mà không được”.

Ông Hái quê gốc ở thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc (huyện An Nhơn, Bình Định). Lúc còn ở quê, chàng trai Nguyễn Văn Hái đã nổi tiếng "sát cá" ở làng chài mang tên "Chòm cá sông", chuyên đánh bắt cá trên dòng sông Kôn. Năm 1984, ông bỏ quê lên An Khê lập nghiệp, mang theo chiếc xuồng nhỏ, đôi dầm chèo cùng với mấy tay lưới đã gắn bó nhiều năm. Ông kể: "Hồi đó, cá sông Ba nhiều lắm. Có rất nhiều loài cá đặc sản, nhưng ngon nhất vẫn là cá đá và cá lúi: Tuy nhỏ nhưng thịt thơm và dai, kho mặn ăn với cơm thì... hết sẩy!". Cũng theo ông Hái thì hồi đó, chiều tối chèo xuồng ra sông, mờ sáng về thì cá trên xuồng đã "ngập be" rồi.

20-21-34_doi_dm_cheo_mot_thoi_cung_ong_hi_nguoc_xuoi_tren_dong_song_b_gio_buon_b_buoc_vo_goc_cy_ben_bo_song
Chèo của ông Hái đã gác mái

Khi chúng tôi hỏi về tài "gọi cá" được dân chài nơi đây ca tụng, ông cười hiền: “Tài giỏi gì đâu, chẳng qua là lúc đó sông nhiều cá thôi. Tôi nhớ có những năm lũ về, nước dâng cao, cá về lúc nhúc. Chỉ một nắm lưới và chiếc xuồng nhỏ, xuống sông một buổi là kiếm vài chục ký cá. Cá nhiều nên bà con cũng dùng lưới mắt to, bắt cá từ vài lạng trở lên chứ không bắt cá nhỏ. Hồi đó tôi bắt những con cá chình, lăng, chép, mè nặng trên dưới 2 chục ký là chuyện thường".

Cũng theo ông Hái thì ở đây có làng chài An Xuyên nổi tiếng một thời bởi cả xóm làm nghề đánh bắt cá trên dòng sông Ba. Giờ không còn cá nữa nên cả xóm bỏ mái, gác thuyền, lên bờ làm nghề nông như trồng mía, trồng khoai hoặc hoa màu các loại. Thi thoảng nhớ nghề, lại vác dầm, kéo thuyền xuống sông, đi cả đêm cũng chỉ được vài ký cá long tong cải thiện bữa cơm, hoặc đem ra chợ bán lấy tiền mua chai rượu, gói thuốc lá... "Làng chài nhộn nhịp ngày xưa, giờ chỉ còn là làng chài trong... cổ tích!", ông Hái nói trong sự hoài niệm.

Khoát nửa vòng tay, lão ngư Nguyễn Văn Hái chỉ về gốc chuối phía cuối vườn, nói: "Ngày trước dòng sông còn tự nhiên (chưa có những con đập thủy điện chặn dòng - PV), nước sông thường xuyên dâng cao lên tận gốc chuối đó. Cả vùng này từ ăn uống tắm giặt, đều dựa vào dòng sông này. Nghề ngư phủ trên sông cũng ngấm vào máu từ người già đến trẻ nhỏ. Giờ mùa khô thì trơ đáy với ô nhiễm nước thải từ các nhà máy, mùa mưa thì thủy điện xả lũ, nước về như thác, nghề cá cũng mất đi từ đó. Từ khi có thủy điện, tôi bỏ nghề cá, lên bờ trồng vài sào mía, đám ớt sống qua ngày thôi".

Giờ đây, sông Ba không còn là nơi tắm tuổi thơ của các em nhỏ người Kinh, người BahNar, J’rai; không còn là nơi hoài niệm ký ức đẹp đẽ của người già; sông Ba cũng không còn là nơi chèo thuyền đi bắt cá, hái rau, hái măng rừng, không còn là nơi tự tình của các chàng trai, cô gái nơi Bến Mộng, Thung Lũng Hồng dưới chân đèo Tô Na… Sông Ba bây giờ là cạn kiệt, ô nhiễm, và trở nên hung hãn mỗi khi các hồ chứa thủy điện đồng loạt xả lũ.

 

  • Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’
    Phóng sự 14/12/2024 - 10:15

    Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.

  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

  • Trên đường và dưới cánh bay…
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:45

    Từ trên đường hay là trên cánh bay ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.