| Hotline: 0983.970.780

Làng chài trong cơn "áp thấp"

Thứ Năm 03/03/2011 , 09:35 (GMT+7)

"Trăm dâu đổ đầu tằm"- người dân khu vực nông nghiệp-nông thôn đã cảm nhận rất rõ và đang phải gồng mình hứng chịu những tác động của làn sóng tăng giá. Đi qua các làng quê bây giờ, nơi đâu chúng tôi cũng nghe, cũng thấy những bộn bề toan tính về đời sống sản xuất, sinh hoạt trước "mặt bằng" giá mới.

"Trăm dâu đổ đầu tằm"- người dân khu vực nông nghiệp-nông thôn đã cảm nhận rất rõ và đang phải gồng mình hứng chịu những tác động của làn sóng tăng giá. Đi qua các làng quê bây giờ, nơi đâu chúng tôi cũng nghe, cũng thấy những bộn bề toan tính về đời sống sản xuất, sinh hoạt trước "mặt bằng" giá mới.  

Ruột gan rối bời nhưng những ngư dân ăn đằng sóng nói đằng gió vẫn cố tếu táo: "Nói áp thấp là chúng tôi còn động viên nhau đấy chú ạ. Phải gọi là bão mới đúng. Chỉ có gió bão dân chài lưới chúng tôi mới chấp nhận neo tàu thuyền. Nhưng giờ thì, chúng tôi phải nằm bờ bởi giá dầu cao chót vót rồi". 

Tàu nằm bờ chờ dầu hạ giá xếp hàng tại cảng Tam Quan (Hoài Nhơn-Bình Định)

Dịp này, như mọi năm, làng biển xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà vào mùa cao điểm đánh bắt thuỷ hải sản. Nắng đẹp đấy, gió êm đấy nhưng bà con chẳng có gì tỏ ra phấn khởi. Đã cuối buổi chiều mà nhiều tàu cá vẫn nằm san sát nhau, không thấy ngư dân chuẩn bị gì cho chuyến đánh bắt mới.

Anh Nguyễn Anh Huy, thôn Lương Sơn ngồi trên cầu cảng, ngay phía dưới là chiếc tàu đánh cá KH 02061 TS có công suất 30CV đã nuôi sống cả gia đình anh nhiều năm qua. Khuôn mặt buồn thiu nhìn hướng ra biển, anh nói chuyện với tôi mà như nói một mình: “Giá dầu gì mà tăng dữ vậy. Tăng kiểu này đành phải “treo” tàu thôi, cá đánh được thì ít, mà cái gì cũng tăng thì làm sao chịu nổi”. Bên dưới tàu, 2 bạn đi biển cũng đang nằm ngáp ngắn ngáp dài vì đã mấy ngày nay tàu chưa chịu vươn khơi.

Anh Huy giọng buồn buồn kể: "Các tàu đánh cá ở đây chủ yếu làm nghề giã cào nên rất tốn dầu bởi tàu phải nổ máy suốt ngày đêm. Với chiếc tàu 30CV, trước đây mỗi chuyến đi biển 4 ngày, tôi phải mua 450 – 500 lít dầu, cộng với các khoản chi phí khác như đá cây, thức ăn cho ba người, mỗi chuyến biển hết khoảng 8 triệu đồng. Sau Tết đến nay, tôi đã đi được 2 chuyến. May mắn là những chuyến biển đó, tàu đánh được kha khá cá hố, sau khi trừ chi phí còn dư khoảng 3 triệu đồng, chia cho 2 bạn đi biển cùng tôi còn dư được gần 2 triệu. Nay giá dầu tăng 3.000 đồng lít, đá cây cũng tăng từ 14.000 đồng lên 17.000 đồng cây, rồi tiền thực phẩm cũng tăng mạnh nên mỗi chuyến biển chi phí đã tăng thêm 25 – 30%, tổng cộng không dưới 10 triệu đồng/chuyến. Đi cầm chắc lỗ nên tôi phải cho tàu nằm bờ".

Gần đó, anh Nguyễn Văn Công, thôn Lương Sơn, chủ của hai chiếc tàu KH - 01655TS và KH – 01852TS có công suất 55CV/chiếc lại đang chỉ đạo các bạn đi biển neo tàu lại cho chắc. Anh Công tính toán: Mỗi chuyến biển 5 ngày, anh phải mua 800 lít dầu, 60 cây đá, tiền mua gạo và thức ăn dự trữ cho 8 người, tổng cộng hết 24 triệu đồng, tăng 7 triệu so với những chuyến biển thời chưa tăng giá. "Ra khơi vào lộng được thua còn có phần may rủi. Nay giá xăng dầu tăng thế này, nếu đi biển thương mình đánh bắt được tôm cá như những chuyến đầu năm thì cũng chỉ hoà, hoặc có lời cũng chẳng đáng bao nhiêu. Còn nếu không gặp luồng tôm cá, giá thủy hải sản lại thấp thế này thì tiếp tục đi biển, không trắng tay mới là lạ"- anh Công nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể "nằm chờ". "Nếu tôi không tiếp tục cho tàu vươn biển, bạn tàu bỏ đi làm cho tàu khác hay đi vào Nam làm thuê thì lấy đâu ra người làm cùng, thôi thì đành đánh liều với biển vậy"- anh Nguyễn Văn Nghiệp, thôn Văn An, xã Vĩnh Lương, chủ của chiếc tàu KH – 96219 công suất 320CV cho hay. Được biết, chiếc tàu anh Nghiệp mới đóng được hơn một năm. Vì là tàu lớn nên mỗi chuyến biển dài ngày, tàu “ăn” hết 6.000 lít dầu, 300 cây đá, đó là chưa kể đến tiều mua nhu yếu phẩm cho 12 người bạn đi biển sinh hoạt.

Trước lúc tăng giá dầu, chi phí cho mỗi chuyến đi biển của anh Nghiệp hết khoảng 110 triệu đồng. Nay mọi thứ đều lên giá, nên mỗi chuyến biển chi phí đã tăng thêm khoảng 30 triệu đồng. "Chim trời, cá nước, đi chuyến nào biết chuyến đó. Lượng cá đánh được mà không tăng từ 10 – 20% thì không khéo tôi tên Văn Nghiệp lại chuyển thành...Sạt Nghiệp chứ chả chơi"- Nghiệp nói.

Ngược ra Bình Định, địa phương nổi tiếng với nghề câu cá ngừ đại dương- nơi những ngày đầu năm chúng tôi đã có bài viết về không khí đầy hân hoan phấn chấn vì những chuyến đi đầy lộc biển. Vậy nhưng, thay vào không khí đó, bây giờ là sự lo toan, mệt mỏi của các chủ tàu thuyền. "Cứ tưởng sẽ có một vụ mùa phấn khởi nhờ giá thu mua và sản lượng đánh bắt ổn định. Ai cũng chắc mẩm sẽ có “của ăn của để” trong vụ cá này. Vậy nhưng, niềm vui dài chẳng tày gang chú ơi, giá dầu tăng cái vút đã cướp mất niềm vui  của chúng tôi"- một ngư dân gộc ở Tam Quan (Hoài Nhơn) chán nản nói.

Bình Định là tỉnh có lực lượng tàu đánh bắt xa bờ chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương khá hùng hậu: gần 4.000 chiếc. Suốt gần 4 tháng nay, nhờ biển cho nhiều cá nên số lượng tàu thuyền đánh bắt cá ngừ đại dương nói trên liên tục ra khơi. Tuy nhiên, mọi chuyện nay đã khác. Anh Võ Văn Thành, cán bộ Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hoài Nhơn cho hay: “Giá dầu đột nhiên tăng 3.000đ/lít khiến ngư dân “la làng” quá trời. 1 chuyến biển của tàu đánh bắt xa bờ phải cần đến hơn 1.000 lít dầu, sau khi giá dầu tăng, phí tổn mỗi chuyến biển tăng đến hơn 30 triệu đồng khiến ngư dân không còn “tự tin” như những chuyến biển trước đây”.

Anh Trương Cường ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), chủ chiếc tàu BĐ 95721 TS lo lắng tính toán: “Những chiếc tàu ra khơi vào thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay hầu hết đã cập bờ, sản lượng đạt khá, từ 2-3 tấn/tàu. Chưa kịp mừng thì chuyến ra khơi này phải mua dầu giá cao, trong khi chuyến biển tới chưa ai cầm chắc có đạt sản lượng như chuyến vừa rồi hay không. Với giá bán cá từ 130.000đ-140.000đ/kg hiện nay, trong thời điểm giá dầu tăng cao thế này nếu 1 chuyến biển chỉ câu được 1 tấn cá kể như chỉ đủ bù tổn, cả chủ tàu lẫn người đi bạn đều không có thu nhập”.

Ông Đào Duy Hội-Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc cho biết thêm: “Xã Tam Quan Bắc có đến gần 450 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Ở thời điểm này, rất nhiều tàu đang chần chừ trong trong việc ra khơi. Bởi mùa cá ngừ đang  vào chính vụ. Không đi thì tiếc, nhưng đi thì giá dầu quá cao, nếu không gặp cá thì khó tránh khỏi lỗ lã".

Qua cảng cá Hàm Tử thuộc phường Hải Cảng, TP.Quy Nhơn (Bình Định), chúng tôi chứng kiến cảnh gần chục chiếc tàu là các đại lý bán lẻ xăng dầu lưu động nằm im lìm ở cảng. Nhân viên bán hàng trên các tàu không còn bận bịu như trước mà rảnh rỗi ngồi tán gẫu. Những chủ tàu bán dầu ở đây cho biết, trước khi giá dầu tăng, trung bình mỗi ngày một đại lý bán lẻ xăng dầu tại cảng cá Hàm Tử bán ra từ 10.000 – 15.000 m3 dầu. Thế nhưng từ khi dầu tăng giá đến nay, khách hàng ít hẳn.

Anh Lê Đức Thắng, người chuyên chở dầu bằng xe lam cung ứng cho các tàu cá, nói: “Trước đây, trung bình mỗi ngày tôi chở sáu, bảy chuyến. Thế nhưng mấy ngày nay, có ngày chỉ chở được 1 chuyến để cung cấp cho những chiếc tàu hiếm hoi ra khơi trong thời điểm này”.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm