Hơn hai mươi năm về trước khi những ngôi nhà xây lấn át ở khắp nơi tưởng chừng như nghề làm nhà gỗ đã suy tàn, đến hồi tuyệt diệt. Nhưng không, khi kinh tế bùng nổ, nhiều người lại muốn quay trở lại nếp nhà truyền thống để thờ cúng gia tiên cũng như sống hòa mình vào thiên nhiên. Bàn tay của các nghệ nhân nơi đây từng phục dựng nhà Thái Học - Văn Miếu, nhà cổ làng Đường Lâm, làm mới chùa Triệu Khánh, chùa Tổng, đình Đông Lao, chùa Hòe Nhai…
Người ta thường phân loại kiểu nhà này theo số gian như 3 gian, 4 gian, 5 gian thậm chí 7 gian tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình nhưng đều phải qua nhiều bước cơ bản trong việc chế tác. Trước tiên phải tính toán kích thước cấu kiện, xưa theo mực thước nay theo bản vẽ, sau đó chế tác gỗ, liên kết chúng lại với nhau hoàn toàn bằng mộng chứ không dùng đinh rồi hoàn thiện, đánh bóng, phủ sơn.
Có hàng trăm, hàng ngàn bộ phận, chi tiết trong một ngôi nhà gỗ nhưng các bộ phận chính của ngôi nhà gỗ có thể kể đến như khung, cột, xà, kẻ, bẩy, câu đầu, con rường...Cầu kỳ là vậy nên thời gian hoàn thành một ngôi nhà kẻ truyền trung bình phải mất cả năm nếu làm hoàn toàn thủ công hoặc nhanh nhất cũng 3- 4 tháng nếu có dùng cả thủ công lẫn máy móc.
Giá hoàn thiện một ngôi nhà cổ phụ thuộc chính vào chất liệu gỗ cũng như độ cầu kỳ trong hoa văn, họa tiết. Ví dụ một ngôi nhà 5 gian làm bằng gỗ xoan có giá thấp nhất cũng 300-400 triệu đồng, gỗ mít, gỗ hương nếu mà đủ cột thì có thể lên tới 3-5 tỷ đồng. Mỗi năm từ đất này xuất đi hàng trăm ngôi nhà gỗ các loại đi khắp mọi miền của tổ quốc nhưng điều đặc biệt là mỗi sản phẩm đều có nét riêng, không thể trộn lẫn bởi không hoa văn, họa tiết nào giống nhau trăm phần trăm cả. Mỗi ngôi nhà có hình dáng, đường nét một phần phụ thuộc vào mỹ học và cảm xúc của những người thợ chế tác.
Toàn xã Hương Ngải hiện có gần 10.000 dân thì khoảng 1/5 liên quan đến nghề mộc, trực tiếp hay gián tiếp. Nghề này mang nặng tính "cha truyền con nối" thành ra nhiều nhà có đến mấy đời cùng làm, thu nhập trung bình 6-8 triệu đồng/người/tháng. Dạo nọ, tôi gặp nghệ nhân làm nhà kẻ truyền ở Hương Ngải, Nguyễn Ngọc Ngọ lúc ông bước sang tuổi ngoại 70 nhưng đã có gần 60 năm làm nghề.
Ông vẫn còn nhớ như in lúc lên chín, lên mười được học nghề từ ông, từ cha những nét chạm, nét trổ đầu tiên "Thời xưa kinh tế eo hẹp, nhiều người không có việc làm nhưng những cánh thợ quê tôi đã ăn cơm thiên hạ với ngày công rất khá. Thời nay, thợ Hương Ngải đi khắp cả nước, không mấy khi trống việc. Nhưng để mà thành nghề, người học việc bắt buộc phải vừa học vừa làm trong suốt 3 – 4 năm mới thành thợ và để thành thợ giỏi có khi mất cả 7-8 năm. Bởi vậy khi chủ mà có những thợ giỏi phải biết quan tâm, chăm sóc, trả công xứng đứng nếu không thợ sẽ chuyển sang làm cho chủ khác đãi ngộ tốt hơn. Điều khiến tôi lo lắng là 10-15 năm nữa liệu làng Hương Ngải nghề mộc có còn nổi tiếng nữa không bởi cánh trẻ bây giờ không mấy thích thú với nghiệp tổ của cha ông nữa do đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và công việc chân tay thường rất vất vả".
Song song với những đơn hàng làm nhà kẻ truyền cho nhu cầu để ở, để làm nơi thờ tự của gia đình, của dòng họ các hiệp thợ Hương Ngải còn nhận phục chế, tu sửa đình, chùa, các công trình văn hóa khắp mọi miền Bắc, Trung, Nam thậm chí nhóm của ông Nguyễn Hữu Hòe còn được mời vào cố đô Huế để tu sửa cung điện. Tại ngay làng, gần đây bên cạnh những ngôi nhà xây ba bốn tầng đã dần dần xuất hiện những ngôi nhà gỗ kẻ truyền với mái ngói đỏ au, kết cấu mở truyền thống, hòa đồng với tự nhiên. Với nhiều người dân Hương Ngải, nhà kẻ truyền không chỉ là một nghề để kiếm tiền mà còn là sự đam mê và một lối sống.