| Hotline: 0983.970.780

Làng có hơn 300 phụ nữ chuyên làm nghề chiết ghép, nhân giống cây ăn quả

Thứ Năm 08/06/2017 , 08:45 (GMT+7)

Nông thôn mới nơi đây không còn cấy lúa, trồng rau, nên hầu hết phụ nữ trong làng đều tự học chuyển đổi sang nghề chiết, ghép kinh doanh các loại giống cây ăn quả.

Làng Đan Kim, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, Hưng Yên, có hơn 300 phụ nữ chuyên làm nghề chiết ghép nhân giống cây ăn quả các loại, chiếm hơn 60% số phụ nữ trong độ tuổi lao động của làng. Ngoài chiết ghép kinh doanh giống cây ăn quả của gia đình, các phụ nữ ở đây còn nhận hợp đồng ghép cây thuê cây giống cho các gia đình trong làng, xã và địa phương lân cận.

06-19-31_vuon-cy-goc-ghep
Vườn cây gốc ghép

Ông Lý Đăng Anh, Bí thư Chi bộ làng Đan Kim cho biết, nghề chiết ghép nhân giống cây ăn quả của làng Đan Kim có từ lâu đời. Xa xưa, việc nhân giống cây ăn quả chủ yếu do các lão nông cao niên giàu kinh nghiệm trong làng thực hiện, và cũng chỉ dừng ở phạm vi nhân giống cây bằng phương pháp chiết cành là chính. Từ hơn 30 năm qua, các thế hệ thanh niên trong làng đã tự học hỏi các tiến bộ kỹ thuật lai ghép cây ăn quả và thương mại hoá thành công các giống cây này ra thị trường. Nhờ vậy, thôn Đan Kim đã trở thành làng nghề chuyên sản xuất và kinh doanh giống cây ăn quả có uy tín trong khu vực.

Theo đó, toàn bộ diện tích canh tác lúa, rau màu của làng đã được chuyển đổi sang làm cây giống, cây cảnh hiệu quả cao gấp bội, lợi nhuận sau trừ mọi chi phí vẫn còn được trên dưới 2 tỷ đồng/ha canh tác. Khi cấy hái, trồng rau là việc làm truyền thống của phụ nữ Đan Kim không còn nữa, thì họ cũng tự học chiết ghép cây ăn quả để chuyển đổi việc làm cho phù hợp.

Kết quả đến nay, việc chiết ghép nhân giống cây ở Đan Kim chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm. Ngoài lai ghép kinh doanh giống cây ăn quả của gia đình, phụ nữ Đan Kim còn tự tổ chức 3 - 5 người đi chiết ghép thuê cây giống các loại, phạm vi đi lại làm việc của họ là, sáng đi ghép cây, tối có thể về nhà chăm lo tổ ấm gia đình, để chồng con đi ghép cây thuê ở ngoại tỉnh.

Theo ông Lý Đăng Anh, trong nghề chiết ghép cây, phụ nữ có thế mạnh là, họ làm việc rất cần mẫn, khéo léo và cẩn thận, nên ngày công lao động của họ thường đạt khá cao, có thể tới 900 nghìn đồng/ngày, tối thiểu cũng được 400 - 500 nghìn đồng. Nghề chiết ghép cây được thu nhập cao, đã tạo động lực thúc đẩy chị em phụ nữ trong làng, ngày càng thi đua rèn luyện nâng cao tay nghề. Nên đến nay, ở Đan Kim mọi phụ nữ đều có thể chiết ghép được đủ các loại cây ăn quả như, ghép mắt nhỏ có gỗ trên cây có múi, ghép đoạn cành trên cây nhãn, ổi, xoài, hồng xiêm và ghép quả trên cây có múi...

Ông Lý Văn Vĩ (làng Đan Kim) đã bộc bạch: “Ngoài lai ghép gần 1 mẫu cây giống của nhà, vào các tháng cao điểm cả 2 vợ chồng ông cùng đi ghép cây thuê, ăn tiêu rồi mỗi ngày vẫn mang về được 1 - 2 triệu đồng”. Nhờ có nghề chiết ghép cây ăn quả, mà gia đình ông Vĩ đã làm được nhà ở 3 tầng, đồng bộ với nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại.

Chị Lý Thị My, làng Đan Kim là trưởng một nhóm phụ nữ 5 người thường xuyên đi ghép cây thuê, đã tâm sự với chúng tôi: “Mọi ăn uống chi tiêu sinh hoạt hàng ngày của gia đình và 2 đứa con học ĐH Ngoại thương Hà Nội, đều nhờ vào đôi tay chiết ghép cây giống của mình”.

06-19-31_chi-ly-thi-my-dng-ghep-qu-tren-cy-co-mui
Chị Lý Thị My ghép quả trên cây có múi

Chị My cho biết: Nếu ghép táo và ghép các cây có múi, 1 ngày chị có thể ghép được 1.200 -1.300 mắt, ghép nhãn, ổi, xoài... 1 ngày ghép được 500 - 600 đoạn cành, tương ứng ngày công lao động được 500 nghìn đồng. Tỷ lệ mắt ghép sống của chị My thường đạt 70 - 90%, tùy theo thời tiết ngày ghép có mưa hay không mưa.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, do thường xuyên cập nhật được các tiến bộ kỹ thuật nhân giống cây ăn quả mới, và dự báo chính xác nhu cầu thị trường cho từng loại cây giống, mà những người phụ nữ làm nghề chiết ghép kinh doanh giống cây ăn quả ở Đan Kim, đã có được việc làm quanh năm, với mức thu nhập khá cao, góp phần quan trọng vào thúc đẩy làng quê nơi đây ngày càng sầm uất.

Hiện làng Đan Kim không còn nhà tranh, nhà tạm, đã có 402/525 nông hộ xây được nhà kiên cố. 100% đường làng ngõ xóm được bê tông hoá. Thu nhập bình quân nhân khẩu ước trên 50 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2%. Chi bộ làng nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh. An ninh chính trị ổn định. Trật tự xã hội luôn đảm bảo. Làng Đan Kim nằm trong xã Liên Nghĩa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.

 

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm