| Hotline: 0983.970.780

Làng 'đặc sản tượng gỗ' với những nụ cười

Chủ Nhật 25/12/2016 , 08:05 (GMT+7)

Làng xinh, phố cũng xinh, khiêm tốn êm đềm bên dòng sông Nhuệ. Con phố nhỏ này kéo dài chỉ hơn 1km nhưng luôn luôn tấp nập xe cộ đến nhận hàng. Đó là những pho tượng phật...

Có thể gọi làng Du Dự thuộc xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội là phố hàng tượng phật. Làng xinh, phố cũng xinh, khiêm tốn êm đềm bên dòng sông Nhuệ. Con phố nhỏ này kéo dài chỉ hơn 1km nhưng luôn luôn tấp nập xe cộ đến nhận hàng. Đó là những pho tượng phật do những người thợ của làng Dư Dụ điêu khắc được đưa về khắp mọi nẻo quê hương.

Riêng tượng phật Di Lặc được coi như đặc sản tượng gỗ của làng, với những nụ cười tràn ngập niềm vui đem lại sức sống tươi mới và niềm hy vọng cho bất kể ai rước ngài về bày ở trong nhà. Người ta nói Dư Dụ là làng của những nụ cười là vì thế. Và, tôi về làng lần này cũng với sự khao khát niềm vui đó.

10-32-14_trng-19
"Đặc sản tượng gỗ" ở làng Du Dự
 

Phố tượng bên sông

Nói là phố nhưng thực ra hàng chục cửa hàng bán tượng phật chỉ ở một phía chạy dọc ven làng, nằm trên trục đường 21B, nhìn sang sông Nhuệ. Cả làng đều tạc tượng phật theo đơn đặt hàng, hoặc ký gửi các cửa hàng ngoài phố, hay trong nội thành để bán.

Tình cờ tôi rẽ vào một cửa hàng nhỏ bên đường, một phụ nữ đang đứng tạc một bức phật Di Lặc, từ một gốc lũa khá lớn. Trên khuôn mặt phúc hậu còn sần sùi những dấu đục gỗ, tôi đã thấy lấp lánh nụ cười rạng rỡ trên đôi môi phật. Những mệt mỏi và còn vương bụi đường trong tôi đã được xua tan khi gặp nụ cười còn ẩn dấu này.

Chị chỉ cho tôi một bức Di Lặc với nụ cười vui hết cỡ, ở phía sau và nói rằng, chỉ một tiếng sau là nụ cười của ông Di Lặc này sẽ tươi không kém. Tôi như được gặp niềm vui của mình ở đâu đó bỗng trở về khi ngắm tượng Di Lặc.

Và, chị đọc cho tôi nghe một câu thơ của một nhà sư đã dừng chân nơi đây để lại rằng: “Trao niềm vui bất tận/ An lạc với nụ cười/ Người bao dung vô hạn/ Chở che cho muôn nơi”. Đó là ấn tượng về niềm vui toát lên từ bức phật Di Lặc. Vậy nên, chị nói cả cái làng này đều tạc tượng Di Lặc, với nụ cười vô thường như thế. Mỗi khi ai cầm đến đục và tràng đều luôn luôn tập trung vào đôi mắt và nụ cười của phật Di Lặc với tất cả tâm hồn của mình.

Tôi đi tiếp sang một cửa hàng gần đó, vì thấy có mấy bức Di Lặc nhỏ, thì gặp anh Ngoan và chị Thành chủ cửa hàng. Hai người cũng đều có tay nghề vào loại khá. Nhìn hàng của họ tôi thấy có cảm tình chính vì nụ cười của tượng phật Di Lặc xinh xinh. Đó là những bức tượng của anh Ngoan làm, được bầy xen lẫn với các tượng khác như phật Bà hay các ông Phúc, Lộc, Thọ và bức tổ sư Bồ Đề Lạt Ma...

Tôi mua một bức phật Di Lặc nhỏ cao chừng 20 phân, bằng loại gỗ trắc, với giá 100.000 đồng. Anh nói đó là giá bán buôn. Còn tượng bằng gỗ Pơ Mu thì rẻ hơn. Nhiều bức nhỏ chỉ khoảng bảy, tám chục ngàn đồng. Đó là những sản phẩm mang tính dịch vụ du lịch thôi, còn nhiều tượng lớn, được làm bằng gỗ quý như Đàn Hương, hay Bách Sanh, thì phải hàng chục triệu đồng. Ấy là chưa kể với chất liệu gỗ Sưa, thì thôi rồi, hàng trăm triệu như chơi.

Anh nói, hiện giá các loại gỗ tăng nhiều so với trước kia, lại hiếm nữa, nên giá mỗi thành phẩm đều bị đội lên. Đó cũng là mối lo cho không ít những gia đình thợ có vốn nhỏ. Nhiều người có tay nghề khá ở trong làng đều phải làm thuê cho các chủ xưởng lớn là vì thế.

Thật bất ngờ, khi đi về gần cầu Chiếc ở đầu làng Dư Dụ, tôi tạt vào một cửa hàng có nhiều người thợ đang tạc tượng phật. Lại càng thú vị khi tôi thấy một người thợ đang tạc một bức Phật bà Quan âm nhỏ xíu bằng thứ gỗ có mầu sắc vàng, xen kẽ là những vân đỏ xậm.

Đó là anh Đính, người đã có tay nghề 20 năm, đang làm thuê cho chủ cửa hàng ở nơi đây. Anh tỉa tót bức tượng phật nhỏ bằng gỗ Sưa bằng những dụng cụ xinh xinh. Rất tỉ mỉ từng lát gỗ mỏng và nhỏ như mình cắt móng tay vậy. Anh nói nếu xong bức này, tuy nhỏ thế thôi, nhưng cũng có giá tới mấy triệu đồng.

Thật ngạc nhiên. Tôi xin cầm xem nhưng anh không chịu vì sợ tượng có hơi người lạ. Nếu chụp ảnh thì được. Anh xoay mấy hướng để chụp cho rõ, vì tượng nằm gọn trong tay anh, nó chỉ cao khoảng 10 phân và rộng độ 4 phân là cùng. Đúng là một tác phẩm điêu khắc tinh tế và tràn ngập niềm vui trên tay anh. Người thợ nâng niu như báu vật không phải chỉ vì giá tiền của chất liệu và công sức mà chính vì nụ cười mà cái làng này gìn giữ hàng trăm năm, đem lại niềm vui cho mọi người.
 

Chuyện xưa - chuyện nay

Được chủ cửa hàng Quang Huy giới thiệu, tôi tìm vào xưởng của nghệ nhân nổi tiếng ở sâu trong làng là Nguyễn Văn Trúc, sinh năm 1963. Ông không cần cửa hàng ở ngoài phố, nhưng lại có nhiều hợp đồng, từ các chùa trên khắp đất nước, nên hơn 40 thợ của gia đình ông làm không hết việc. Hàng chục tượng phật lớn đang được hoàn thiện trong xưởng của ông chờ xuất đi. Tôi lần mò về nhà ông mới hay người thợ tài hoa này đã được phong nhiều danh hiệu cao nhất trong làng nghề thủ công mỹ nghệ của Nhà nước và Hà Nội.

Thú vị nhất là chuyện ông đã từng làm một tượng phật lớn nhất làng cao tới 8,4m, theo đơn đặt hàng của chùa Đỏ (phố Lê Lai) dưới Hải Phòng. Tính đã 15 năm nay, đây là tượng phật bằng gỗ mít, được coi như một kỷ lục đầy ấn tượng đem lại vinh dự cho làng Dư Dụ, mà chưa ai phá nổi.

Nói về chuyện điêu khắc gỗ truyền thống của làng, ông tính dễ đến 500 năm cái nghề tạc tượng phật này đã lưu truyền trong làng cho đến nay. Ông còn kể, hiện trong Huế có làng Túc, cũng chuyên tạc tượng phật, đều là người làng Dư Dụ này vào từ thời vua nhà Nguyễn làm nghề. Họ lấy cái tên làng Túc (tên cũ từ xưa của Dư Dụ) để ghi lại nguồn gốc của làng nghề này là từ Hà Nội đem vào và lập nên.

10-32-14_trng-21
"Đặc sản tượng gỗ" ở làng Du Dự
 

Ngay chính giữa hè rộng, ông bày bức Phật Nghìn mắt nghìn tay, với kích thước khá lớn cao chừng 2m. Ông nói đây là tác phẩm mà ông từng đoạt giải vàng cách đây 10 năm. Nhờ đó mà ông được phong danh hiệu Nghệ nhân Dân Gian năm 2005, và Nghệ nhân Hà Nội năm 2009. Hiện nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đang cho con đi học khoa điêu khắc của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, để sau này nối nghiệp mình.

Tôi còn được nghe chuyện, cùng thời với nghệ nhân Nguyên Văn Trúc còn có một nghệ nhân Nguyễn Quốc Tú, cũng sinh năm 1963. Nghệ nhân Tú có biệt tài tạc tượng phật Di Lặc từ khi còn ở tuổi 15. Bức tượng của anh dường như được sánh ngang với những bậc cao niên trong làng, cũng bởi ở cái thần được toát lên từ nụ cười.

Dân làng nói anh được phật phù hộ nên bức tượng nào của anh cũng đẹp và nhiều người tìm mua. Anh nổi tiếng khắp vùng vì trong một cuộc tỉ thí, bịt mắt tạc tượng phật, mà chỉ có anh là dám chịu chơi. Không ai tin dù đó chỉ là thử tài, nhưng lại là sự thật kỳ lạ, đúng như ước muốn của mọi người. Họ ngờ vực nhưng lại mong Tú làm được. Làng cần phải có một người con để tỏa sáng với đời. Thế đó, mọi người kiên nhẫn chờ đợi, ngồi quanh Tú để chiêm ngưỡng, để kiểm soát và để tìm được niềm vui của chính mình.

Thời khắc trôi qua. Mọi người hồi hộp chờ mong, và khi cởi bỏ chiếc khăn bịt mắt ra, chính Tú cũng phải ngạc nhiên với nụ cười tỏa rạng trên gương mặt phật. Năm 1980, mới 17 tuổi Tú đã được Bảo tàng Hà Nội mời vào đội ngũ thợ giỏi để phục chế những tác phẩm gỗ của các đời vua trước được bảo tồn theo thời gian. Người thợ tài hoa Nguyễn Quốc Tú được phong danh hiệu nghệ nhân đầu tiên của làng thật xứng đáng... Tiếp nối cùng nghệ nhân Nguyễn Quốc Tú, hiện còn có nhiều tay thợ nổi tiếng khác như Nguyễn Duy Hội, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Minh Phú (Danh hiệu Nghệ nhân HN), Nguyễn Văn Trúc (Danh hiệu Nghệ nhân Dân gian và Hà Nội), Nguyễn Đức Duy, Nguyễn Quang Huy...
 

Nhớ mãi nụ cười Dư Dụ

Đi dọc làng và phố Dư Dụ tôi toàn gặp những nụ cười vui của phật Di Lặc. Dừng chân bên những gian trưng bày hàng của chàng trẻ tài hoa Quang Huy, tôi lại gặp nụ cười tươi trẻ của anh. Một nụ cười hiền lành, nhỏ nhẹ dịu dàng trên môi anh. Phải chăng đó là nụ cười của người làng Dư Dụ tặng cho tôi trong một ngày đẹp trời. Đó là món quà vô giá, đúng như lời của nhà phật ngày nào đã dừng chân nơi đây, gửi gắm muốn trao niềm vui bất tận và sự an lạc trong nụ cười đến với mọi người. Huy tiễn tôi và hẹn một ngày trở lại với những nụ cười phật tích. Tôi đi như trôi trong niềm vui, trong nụ cười và ánh mắt của phật Di Lặc lấp lánh gửi lời chào bên mỗi cánh cửa dọc đường làng.

(Kiến thức gia đình số 50)

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).