| Hotline: 0983.970.780

Láng giềng hay… láng tỏi!

Thứ Năm 06/10/2011 , 11:17 (GMT+7)

Khi tôi đưa ra chủ đề “quan hệ với láng giềng trong thời buổi hiện nay”, có không ít ý kiến trái ngược. Nhiều người cho rằng, quan hệ tốt với hàng xóm, láng giềng là một lối sống tốt đẹp của người Việt Nam vì xưa nay, ông bà ta đã quen với lối sống phụ thuộc nhiều vào hàng xóm.

Thế nhưng, cũng rất nhiều người phản đối, coi đó đã là chuyện của quá khứ. Bởi cùng với sự phát triển của xã hội, với rất nhiều dịch vụ luôn sẵn sàng “phục vụ quí khách 24/24” nên quan niệm trên đã không còn phù hợp.

Xung đột chỉ vì một chút quyền lợi

Không ít người cho rằng, ngày nay để giữ được mối quan hệ “bình thường” với hàng xóm không phải điều đơn giản. Mình muốn tốt nhưng người ta không muốn, đôi khi chỉ vì một chút quyền lợi bé tí mà sinh ra cãi cọ, bất hòa.

Chị Mai Lan (khu tập thể Thành Công, Hà Nội) bức xúc: “Đối diện nhà em là hàng internet, bên cạnh là hàng ăn sáng, mặt ngõ chỉ có hơn 2m nhưng ai cũng muốn “bành trướng”. Mỗi lần đi làm về nhà là phải kêu gọi, nhờ vả mới đưa được xe vào nhà. Vậy mà chủ nhà vẫn kệ, xe của khách nhà mình mà coi như chuyện đương nhiên để xe trước nhà người khác. Đã thế lại còn xả rác tùm lum nữa. Nhiều lúc ức không chịu được. Vợ chồng em đi làm suốt ngày, chả lẽ lại nói mãi à? Bực nhất là nhiều hôm có người đến hỏi mua nhà. Họ nói, hàng xóm bảo mình đang muốn bán?!”

Chị Khánh (Cầu Diễn, Hà Nội) than thở: "Mình xây nhà vất vả quá, mấy ông bà hàng xóm suốt ngày gây khó dễ. Đào móng thì bảo là đào sâu quá, ảnh hưởng đến nhà họ, bắt đổ sớm hơn ngày dự tính. Mua được miếng đất rộng rãi, có hai mặt ngõ, mình có quyền mở cửa sổ thì cả xóm họp nhau lại, làm đơn kiện lên công an. Chính quyền vào giải quyết, nói “cứ làm”, mình thấy hả hê quá. Chắc sau này mình chẳng chơi được với mấy người hàng xóm này đâu".

Quả thực, câu nói “bán anh em xa, mua láng giềng gần” đã không còn phù hợp, khi mà mọi người mải mê chạy theo các giá trị vật chất và lợi ích riêng tư thì một vài cm đất, một cái cửa sổ mở ra ngõ, hay đơn giản chỉ là hơn nhau về địa vị xã hội cũng đủ để người ta ganh ghét, đố kị và gây khó khăn cho nhà hàng xóm lân cận. Nhiều người chọn lựa phương án “tối ưu”: Không để ý và không quan tâm. Liệu đó có phải là giải pháp hay và đúng?

“Một nửa cái gật đầu”

Anh bạn tôi kể rằng, anh mới chuyển về một khu chung cư mới. Hàng xóm của anh toàn những người chạc tuổi, hầu hết là các cặp vợ chồng trẻ. Mới về, anh mừng thầm, chắc là sống ở đây sẽ rất vui. Rồi các ông bố lại tha hồ tụ tập, các bà mẹ trẻ sẽ có thêm nhiều người bạn để “buôn dưa lê” và học hỏi kinh nghiệm nuôi con.

Thế nhưng, sau hơn một năm ở đó, anh buông tiếng thở dài: “Những tưởng có nhiều cái chung (tuổi tác, hoàn cảnh kinh tế, con cái…) các gia đình sẽ rất hòa hợp và vui vẻ. Thế nhưng, nhà nào biết nhà nấy. Hễ đi làm thì thôi, về nhà là đóng cửa thật chặt”.

Anh kể về ông hàng xóm sát tường. Hắn ta bằng tuổi anh, vợ hắn cũng mang bầu, hình như ít hơn vợ anh hai tháng. Anh và hắn có nhiều lần đi chung cầu thang máy, nhiều lần anh chủ động chào hắn trước, nhưng hắn có vẻ rất miễn cưỡng chào lại. “Một nửa cái gật đầu” của hắn khiến anh bực lắm. Anh nhủ thầm, sẽ không bao giờ chào hắn trước khi hắn chào mình.

Mà tay này cũng lạ, kiệm lời đến mức tối đa. Thành ra, đi cùng một hành lang, đứng chung trong 1m2 thang máy, nhưng “mặt hắn vênh bên phải”, “mặt anh vênh bên trái”. Nực cười nhất là có hôm, cả anh và hắn đều đưa vợ đi khám thai. Trong khi các bà vợ mải mê xét nghiệm, thì vô tình hai ông lại ngồi cạnh nhau. Chẳng biết hắn có nhận ra anh là hàng xóm không, chỉ thấy cái mặt ấy vẫn “vênh lên”. Anh mỉm cười với hắn, nhưng không được đáp lại.

 Sau lần đó, anh và vợ cùng quyết tâm, chỉ khi nào vợ chồng hắn hỏi trước thì nói chuyện, không thì coi như không quen biết. Mà thực ra cũng chưa bao giờ anh và hắn biết tên nhau.

Cuộc chiến mặt lạnh có lẽ không có hồi kết. Là một người cởi mở, vui vẻ, anh lấy làm ức chế lắm. Thực chất, anh không phải là người khó gần, khó tính, nhưng anh buộc phải làm như vậy với hắn. Phần vì cách cư xử thiếu tế nhị của hắn, phần vì anh để cho hắn biết: “Cuộc sống của ai người ấy lo, anh chẳng nhờ vả gì hắn cả”.

Ừ, có lẽ hắn sợ bị nhờ vả hay xin xỏ điều gì, nên hắn cấm cả ôsin sang nhà hàng xóm chơi. Ban ngày, ôsin và con trai hắn bị “nhốt” trong nhà. Chỉ khi nào vợ chồng hắn đi làm về thì được mở cửa. Hắn đưa con đi dạo, còn ôsin thì vẫn phải ở trong nhà nấu cơm, giặt giũ. Chẳng thế mà, chẳng ôsin nào ở với vợ chồng hắn được lâu. Thay bốn người trong bốn tháng, con số vẫn chưa dừng lại ở đó. Ai trước khi ra khỏi nhà hắn cũng chỉ nói một câu: “Ở nhà anh như ở tù thế này, tôi không chịu được”…

“Người trong cuộc” phải làm gì?

Ở đâu cũng có người xấu, người tốt. Nếu may mắn có được người hàng xóm tốt, thân thiện thì còn gì bằng. Song nếu những người chung quanh lại không tốt hay soi mói thì đôi khi cũng không ít phiền phức.

Cho nên, “người trong cuộc” nên giữ mức độ giao lưu vừa phải. Cần thẳng thắn, tránh nghe ngóng chuyện riêng tư của người khác và nói xấu sau lưng họ. Tránh tiết lộ quá nhiều về gia đình mình như mức lương, nơi làm việc, gia cảnh nhà mình và nhà chồng, cách ăn uống, chi tiêu… Không so sánh hoàn cảnh gia đình mình với hàng xóm, không đố kị người có điều kiện tốt, không chê người có điều kiện kém.

Bố mẹ tôi ở quê, lần nào xuống thăm con ở Hà Nội cũng chỉ dặn duy nhất một điều: “Các con ở đâu phải theo đấy. Sống xa gia đình thế này phải quan hệ tốt với hàng xóm. Nếu có chuyện gì xảy ra thì chính họ là người gần gũi nhất để giúp đỡ mình”. Tôi còn nhớ mãi lời dặn của mẹ, hãy đối xử tốt với mọi người, mọi người sẽ đối xử lại với mình như vậy.

Mỗi bận xuống chơi, ông bà lại “đùm đùm, nắm nắm” bao nhiêu thứ quà quê biếu hàng xóm mỗi người một ít lấy thảo, rồi nhà ai bà cũng sang chơi. Thế là các bác hàng xóm cũng biếu quà cho bà không ít. Tình làng nghĩa xóm của chúng tôi thêm phần khăng khít nhờ ông bà.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.