Con đường bê tông dẫn chúng tôi đến vườn hồng của gia đình anh Đặng Đình Thụ ở thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang). Anh Thụ là người ở làng hoa Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội) mang cây hoa hồng lên trồng ở vùng đất này từ năm 2018. Sau 3 năm cải tạo đất, lên luống đặt giống, đến nay anh Thụ có vườn hoa hồng rộng 1,5 ha.
Anh Thụ cho biết, để có đất trồng hoa hồng, anh thuê đất của người dân bản địa với giá 40 triệu đồng/ha/năm, làm hợp đồng trong vòng 10 năm. Đất đai và điều kiện thổ nhưỡng ở đây khá hợp cho cây hoa hồng phát triển.
Đặc biệt là vào dịp tháng 6, tháng 7 dương lịch khi thời tiết nắng gắt, những làng hoa ở miền xuôi không thể trồng được hoa hồng thì vườn hoa hồng của anh vẫn cho hoa thắm sắc rực rỡ. Năm 2020, hoa có giá trung bình từ 1.200 đến 2.000 đồng/bông, anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ha.
Trồng hoa hồng, anh Thụ cũng phải đối diện với khá nhiều sâu bệnh. Đặc biệt là các loại sâu bệnh như: Bệnh hoa hồng bị cháy lá, bệnh bọ trĩ hoa hồng, lá cây bị đốm đen, bệnh vàng lá... do đó người trồng hoa hồng ở đây thực hiện tốt khâu làm đất sạch bệnh, đủ dinh dưỡng; thường xuyên thăm vườn phát hiện sâu bệnh hại để có cách phòng trừ hiệu quả.
Giống như nhiều mặt hàng khác, dịch Covid-19 cũng khiến người trồng hoa hồng ở Quyết Tiến gặp nhiều khó khăn. Nếu giá bán hoa hồng 700 đồng/bông, trừ công chăm sóc, phân bón, thuê người, cước phí vận chuyển..., người trồng chỉ hòa vốn. Thế mà dịp Covid-19, thông thương khó khăn, sức mua của thị trường thấp, giá hoa hồng có thời điểm chỉ đạt 200 đồng/bông khiến người trồng hoa lỗ nặng. Nhiều nhà vườn phải cắt bỏ cả 50.000 bông vứt bỏ tại bờ để chuẩn bị chăm sóc vụ mới.
Ở xã Quyết Tiến, thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, nhiều sương, đất đai màu mỡ, là điều kiện lý tưởng để trồng hoa hồng, cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng của hoa.
Anh Nguyễn Thành Nam, một hộ trồng hoa ở thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến cho biết, anh là người quê gốc ở làng hoa Mê Linh (Hà Nội). Nơi đây có nghề trồng hoa hồng từ lâu đời, nhưng do đất chật người đông, hoa bị cạnh tranh mạnh, khí hậu mùa hè lại nóng bức khó trồng hoa.
Sau một thời gian tìm hiểu, nhận thấy khí hậu ở Quản Bạ rất phù hợp với cây hoa hồng, nhất là hoa trái vụ, cho bông đẹp, tươi lâu và hương thơm nên anh đã thuê đất trồng 3 ha hoa hồng từ năm 2019, đến nay cho thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng/ha và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.
Đến nay, toàn thôn Đông Tinh có 10 hộ dân là người ở làng hoa Mê Linh lên đây thuê đất trồng hoa hồng với diện tích khoảng 10 ha. Nhiều hộ gia đình mang cả con cái lên đây sinh sống, học tập và lập nghiệp. Bởi vậy, nơi đây nhanh chóng chở thành làng hoa hồng nổi tiếng khắp các tỉnh miền núi phía Bắc.
Gia đình chị Ngô Thị Tình lên vùng đất Quản Bạ trồng hoa được 3 năm nay với diện tích 1,5 ha. Ngoài vợ chồng và các con chị, còn có những đứa cháu họ cũng theo chị lên đây lập nghiệp.
Chị Tình cho biết, đất đai nơi đây khá màu mỡ, là điều kiện lý tưởng để trồng hoa. Bên cạnh đó, người dân bản địa khá lành và thân thiện, bởi môi trường sống không quá phức tạp nên việc làm ăn của gia đình thuận lợi.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoa hồng mất giá không bán được nên nhiều hộ bị lỗ. Kể từ tháng 9 đến nay, thị trường đã dần hồi phục, sức mua tăng, giá hoa hồng đạt từ 1.200 đến 1.700 đồng/bông nên người trồng hoa hồng bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, nếu bù vào số tiền bỏ ra từ đầu năm đến nay vào vườn hồng thì vẫn chưa đủ tiền vốn ban đầu bỏ ra.
Trung bình 2 ngày, 1 ha hồng sẽ cho thu hoạch khoảng 13.000 bông/lứa. Do thiên nhiên ưu đãi, lại nắm chắc kỹ thuật trong tay nên người trồng hoa hồng ở Quyết Tiến chủ động được thời điểm hoa cho hoa nào là phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao.