| Hotline: 0983.970.780

Làng không chồng bên sông Hàn

Thứ Sáu 11/11/2011 , 09:36 (GMT+7)

Ngôi làng mà tôi muốn nói đến mang tên “Khu liền kề phụ nữ nghèo bất hạnh” nằm bên bờ sông Hàn thơ mộng, thuộc phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

PV NNVN cùng với chị em trong làng
Ngôi làng mà tôi muốn nói đến mang tên “Khu liền kề phụ nữ nghèo bất hạnh” nằm bên bờ sông Hàn thơ mộng, thuộc phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Mỗi người mỗi phận

Trong chuyến công tác vào TP Đà Nẵng, tình cờ tôi nghe kể về ngôi "làng không chồng” qua một người bạn đồng hương. Ở làng ấy, người thì chồng chết sớm để lại mấy mẹ con bơ vơ, người thì số phận hẩm hiu lỡ thì... Và rồi, họ đã nhận được sự cưu mang của cộng đồng làm nên nhà cửa, làng xóm, thoát cảnh không còn lang thang cơ nhỡ và trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Theo chân chị Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Diệp Bích Ngọc, nhà B4-12. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước một căn hộ khang trang, từ hệ thống điện, nước tất cả đều được khép kín gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp.

Trở lại quá khứ, chị Ngọc vốn là một phụ nữ hiền lành, siêng năng, có gia đình, người thân nhưng do vì hoàn cảnh éo le nên một thời gian dài chị phải dựng lều bạt ở tạm bên góc vườn nhà em trai nhưng chẳng được bao lâu chị và người mẹ già bị cậu em xua đuổi. Lang thang không nơi nương tựa, ra phố chị thuê một ki ốt chừng 15m2 ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê để tá túc mưu sinh.

Ước mơ được làm mẹ như bao người phụ nữ khác trỗi dậy trong chị. Và năm 1993, bé gái Diệp Thị Bích Hiền ra đời, nhưng oái oăm thay, ngay từ lúc vừa mới lọt lòng bé Hiền đã có biểu hiện bất thường rồi lớn dần lên thì phát bệnh bé bị tâm thần.

Hoàn cảnh chị Ngô Thị Gà, ở nhà B3- 23 thì lại khác. Chị Gà tham gia TNXP những năm 1975-1978, sau khi xuất ngũ chị trở về sinh sống tại phường Thanh Lộc Đoán. Chị Gà lấy chồng sinh được 2 đứa con thì chồng chết, một mình chị bươn chải đủ thứ nghề: buôn thúng bán mẹt, gánh nước thuê, rửa chén... để nuôi con nhưng bất hạnh vẫn chưa buông tha chị khi đứa con thứ 2 mắc bệnh thần kinh, đau ốm triền miên.

Không người thân, không nhà cửa, chị Gà phải dắt díu 2 đứa con nay đây mai đó. “Cứ nhìn vào những vết sẹo dài gần chục phân chi chít trên người chị Gà do tai nạn giao thông, tai nạn lao động cũng đủ biết cuộc sống của chị em trong khu nhà này đã từng va vật với dòng đời đến mức nào”, chị Lan nghẹn ngào nói về số phận những phụ nữ bất hạnh.

Rời nhà chị Gà, chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình chị Lê Thị Diệu Liên (56 tuổi), chủ nhân nhà B4-10, mới 56 tuổi đời nhưng trông chị già nua trước tuổi rất nhiều. Từ lúc lọt lòng, chị Liên đã là một người kém may mắn do bị thiểu năng tuần hoàn não, lớn lên chị bị gia đình hắt hủi, đuổi đi.

Một mình tay bồng tay bế 3 đứa con lang thang giữa TP Đà Nẵng, không chốn nương thân, chị thuê một căn phòng nhỏ chưa đầy 13m2 bốn mẹ con sinh sống. Ngày ngày chị đi bán vé số, rửa chén bát, lượm ve chai kiếm tiền nuôi con. Sự vất vả của chị cũng được an ủi phần nào khi 2 đứa con lớn biết đi làm phụ mẹ, nuôi đứa em út đang học Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, cũng nhờ đó mà chị Liên được gọi là người may mắn trong số những người kém may mắn trong làng.

Và sự thật như mơ

Bí thư Thành uỷ TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh chia sẻ: Trước đây, mỗi khi ra phố, tôi bắt gặp những phụ nữ nghèo khổ lang thang bất hạnh, tôi đặt hoàn cảnh đó như là mẹ mình, chị mình, em mình thì sao; và mình phải làm gì đây? Trước hết là trách nhiệm của các tổ chức xã hội, của các cấp ủy Đảng, chính quyền đến tất cả chúng ta phải cùng nhau chung tay chung sức giúp họ có cuộc sống ổn định.

"Sau khi khảo sát thực tế cuộc sống ăn ở của họ, tôi xác định, TP Đà Nẵng ngày một phát triển văn minh hiện đại, không thể để những hoàn cảnh lang thang cơ nhỡ sống chui rúc trong cảnh bần hàn không nơi nương tựa, nhất là đối với trẻ em, phụ nữ phải tạo cho họ một cuộc sống ổn định sớm hòa nhập cộng đồng", ông Thanh nói.

“Để làm được ước mơ đó, năm 2007 chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp tiền của, sức lực đồng thời TP đã tiết kiệm ngân sách đầu tư 11 tỷ đồng xây dựng 126 căn hộ khép kín làm “bến đỗ” đón 126 phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong toàn thành phố về tá túc. Đồng thời, chỉ đạo Hội Bảo vệ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP, tạo kinh phí xây thêm một bệnh viện phụ nữ, nhằm giúp những đối tượng phụ nữ nghèo có điều kiện tới chữa bệnh góp phần giúp họ ổn định cuộc sống và phát triển, con cái họ có điều kiện học hành hòa nhập cộng đồng”, Bí thư Thanh chia sẻ.

Chị Liên xúc động: “Không chỉ xây nhà giúp chị em chúng tôi có chỗ ở ổn định, năm nào cũng như năm nào mỗi độ tết đến xuân về hay lũ lụt, thiên tai lãnh đạo thành phố đều về cho chúng tôi tiền, gạo động viên chị em vượt qua mọi khó khăn. Chị em chúng tôi biết ơn Đảng, Chính phủ, lãnh đạo TP nhiều lắm. Cả làng phụ nữ bất hạnh chúng tôi coi bác Thanh như vị cứu tinh”.

Cũng theo chị Liên, năm 2008 khu liền kề hoàn thành, Thành uỷ Đã Nẵng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, những phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh, ai có nhu cầu muốn có một nơi ở ổn định thì làm đơn đăng ký. Sau khi xét đủ tiêu chuẩn các chị được bàn giao mỗi gia đình một căn hộ khép kín rộng gần 70m2 với đầy đủ tiện nghi phòng bếp, bàn ghế, giường, tủ...

“Nghĩ lại ngày xưa phải thuê phòng trọ chật chội mỗi tháng mất từ 600-700 ngàn đồng/tháng chúng tôi sợ chết khiếp. Giờ đây có nhà rộng, tường cao ngày ngày không còn cảnh chủ nhà đến đòi nợ nữa, con cái cả làng đều có điều kiện học hành đến nơi đến chốn”, chị Liên tâm sự.

Cùng chung cảm nhận như chị Liên, chị Gà vẫn không tin những gì mình đang có, cứ tưởng như trên trời rơi xuống. Chị nói: “Mặc dầu tiền vận lắm nỗi vất vả nhưng hậu vận thanh nhàn và chúng tôi thực sự hạnh phúc khi được cộng đồng quan tâm giúp đỡ. Còn nhớ ngày đầu được ngủ trong căn nhà này mà ngỡ như một giấc mơ. Giờ đây không còn cảnh giữa bữa ăn nhưng phải đặt bát cơm xuống chạy sang hàng xóm vay để trả tiền nhà như hồi xưa nữa rồi”.

Rời làng phụ nữ không chồng, tôi vẫn nhớ mãi câu nói của chị Liên: “Làng phụ nữ bất hạnh chúng tôi coi bác Thanh là vị cứu tinh”.

Đúng như lời chị Gà nói, an cư mới lập nghiệp, có chỗ ăn ở ổn định nên chị em có điều kiện chuyên tâm làm việc, tích góp được tiền của lo cho gia đình. “Hoàn cảnh của các chị em trong khu na ná giống nhau nên ai cũng dễ sống và luôn đoàn kết bên nhau, hễ nhà nào có việc vui buồn là cả làng tập trung đến cùng chia sẻ, mỗi người một tay là xong tất”, chị Gà tâm sự.

Trước lúc chia tay với những mảnh đời bất hạnh ở làng không chồng, mặc dầu các chị đã có nhà có cửa, có cuộc sống gọi là sung túc hơn nhưng vẫn còn đó nỗi niềm mà các chị muốn gửi thông điệp qua nhà báo. Như hoàn cảnh của chị Trần Thị Thu Lan bị chứng bệnh thần kinh khó đi lại, lại còn phải nuôi 2 đứa con cũng bị lâm bệnh nặng. Rồi Dương Thị Mai (TNXP) có con là Nguyễn Thị Cẩm Nhung tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng phải ôm bằng ngồi ở nhà chưa xin được việc làm. Rồi chị Từ Thị Dương, nhà B4-06 có con trai 7 năm liền là học sinh giỏi nay có nguy cơ phải bỏ học vì không có tiền để tiếp tục theo học …

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Điểm danh' những mỏ lộ thiên cần tăng cường phòng chống mưa bão

QUẢNG NINH Các đơn vị của TKV đang rà soát kế hoạch phòng chống mưa bão năm 2024, xác định vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.