| Hotline: 0983.970.780

Làng mạc vọng tiếng kêu cứu

Chủ Nhật 17/10/2010 , 12:16 (GMT+7)

Lũ lịch sử như trút hết tất cả xuống trên đầu người dân Hà Tĩnh. Một lần nữa, người dân nơi quê nghèo này lại phải chới với gồng mình đứng lên để chống chọi với cơn đại hồng thủy khủng khiếp đang ngày đêm dội xuống.

Cơn lũ dữ vừa qua xảy ra đã làm cho Hà Tĩnh điêu đứng, hàng chục người chết và mất tích, hàng vạn ngôi nhà ở của dân bị ngập trôi và hư hỏng, hàng ngàn công trình giao thông thủy lợi, trường học, trạm xá bị hư hỏng, hầu hết các diện tích cây lương thực, rau màu chống đói bị lũ san bằng; các trường học phải nghỉ học trong nhiều ngày.

Trong lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Hà Tĩnh đang cùng với cả nước chung sức khắc phục hậu quả thì cơn lũ lịch sử chưa từng có trong vòng 100 năm lại xảy ra. Lũ lịch sử như trút hết tất cả xuống trên đầu người dân Hà Tĩnh. Một lần nữa, người dân nơi quê nghèo này lại phải chới với gồng mình đứng lên để chống chọi với cơn đại hồng thủy khủng khiếp đang ngày đêm dội xuống.

Ngược ngàn lên với vùng lũ

Trên chuyến xe lội nước ngược lên miền lũ Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự hầu như không hề ngớt nghe điện thoại bởi phía đầu dây liên tục là những cuộc gọi kêu cứu tới Chủ tịch. Cơn đại hồng thủy từ ngày 29/9-5/10 chưa dứt thì trận lũ lịch sử trăm năm có một không hai lại ập xuống làm cho cả Hà Tĩnh, kể cả TP Hà Tĩnh chìm ngập trong biển nước. Hàng trăm tiếng kêu cứu gọi đến máy ông Chủ tịch tỉnh Võ Kim Cự, đặc biệt nhiều công dân ở xã Phú Gia (Hương Khê), khi chuông điện thoại vừa dứt phía dầu dây bên kia run run tiếng kêu: “Chủ tịch tỉnh ơi hãy cho thuyền mau mau đến cứu dân chúng tôi với!...”.

Chuyến xe đại xa vượt lũ từ TP Hà Tĩnh men theo QL 1A rẽ đường 8 đến Hương Sơn phải lội nước hàng chục cây số bởi đường 8A đã bị nước lũ chia cắt nhiều đoạn. Hương Sơn là huyện miền núi, kể từ khi cơn lũ lịch sử năm 2002 xảy ra đã gần chục năm trời, từ đó đến nay Hương Sơn chưa có lũ lớn kể cả trận lũ vừa qua. Thế nhưng trận lũ lịch sử này, cả Hương Sơn như một biển nước, duy nhất còn lại con đường Hồ Chí Minh vẫn là nơi “trụ ngụ” của hàng ngàn hộ dân, trâu bò, lợn gà tập kết tránh lũ, hầu hết làng mạc, đồng ruộng đã trở thành một biển nước.

Gia súc, gia cầm được đưa lên đường mòn Hồ Chí Minh tránh lũ

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Duy Trinh hai tay đưa lên trời, quần áo ướt sũng miệng run run thưa với Chủ tịch tỉnh và đoàn công tác: “Đập Khe Mơ bị vỡ rồi và nhiều hồ đập khác đang trong tình trạng nguy cơ vỡ, cả huyện có 31 xã thì hầu hết đã bị cô lập, nhiều vùng dân cư như ở các xã Sơn Tân, Sơn Mỹ, Sơn Thịnh, Sơn Hòa, Sơn An có những chỗ nước dâng cao quá nóc nhà, một số dân đã được di dời, số còn lại đang chới với trên các nóc nhà chờ cứu hộ”. Sau khi nghe Chủ tịch huyện báo cáo, ông Võ Kim Cự dùng điện thoại điện ngay cho Tư lệnh QK4 yêu cầu hỗ trợ ca nô và lực lượng cứu hộ lên ứng cứu giúp đồng bào Hương Sơn ra khỏi vùng nguy hiểm những nơi có nguy cơ bị lũ quét. Trong lúc này cũng tại Hương Sơn các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng, Sơn Tây cơn lũ dữ như hổ đói mồi lồng lộn lên xông thẳng vào làng mạc, khu vực dân cư làm cho nhiều nhà dân sụp đổ; nhiều công trình cầu cống bị trôi; hàng ngàn con gia súc, gia cầm và tài sản người dân nơi đây bị cuốn theo dòng lũ. Mưa càng ngày càng dày đặc không ngớt và cơn lũ vẫn tiếp tục hoành hành, nguy cơ tính mạng và tài sản của người dân Hương Sơn bị cuốn trôi sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.  

Rời Hương Sơn chúng tôi đến với hai huyện Vũ Quang, Hương Khê vào thời điểm khoảng 15h30’ chiều qua 16/10, mực nước ở sông Chu Lễ đã lên tới 16,76m, vượt báo động III trên 3m, Vũ Quang, Hương Khê tất cả làng mạc chìm trong biển nước. Do mưa to gió lớn, nước dâng ngập tràn cả đường Hồ Chí Minh, chúng tôi không thể tiếp cận được với xã Phương Mỹ nơi mà chỉ cách đây vài ngày cơn đại hồng thủy đã cướp đi nhiều sinh mệnh, tài sản nhà cửa, nay người dân Phương Mỹ lại tiếp tục chạy lũ thêm một lần nữa bằng cách trèo lên nóc nhà chờ cứu hộ cứu đói. Qua điện thoại, ông Quân, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết; nước ở Phương Mỹ đã dâng lên rất cao vượt cả đỉnh lũ lịch sử năm 2007 và cao hơn nhiều lần so với lúc Phó Thủ tướng và Bộ trưởng vào thăm đến hơn 1 mét, nên toàn bộ dân Phương Mỹ lúc này chẳng khác gì chơi vơi giữa biển nước, nếu trời tiếp tục mưa nguy cơ hàng ngàn dân Phương Mỹ bị nước lũ cuốn trôi là rất cao.

Lực lượng QK4 kịp thời dùng xuồng máy ứng cứu nhân dân vùng lũ

Cũng như ở Hương Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh lại tiếp tục yêu cầu lực lượng quân đội tiếp viện thêm 4 xuồng máy và 200 chiến sỹ khẩn cấp vượt lũ lên cứu dân Phương Mỹ. Chia sẻ với người dân Phương Mỹ bởi cơn đại hồng thủy chưa ngớt thì cơn lũ lịch sử lại ập đến, lãnh đạo tỉnh mong sao bà con Phương Mỹ cố gượng dậy đoàn kết tương thân, tương ái luôn sát cánh bên nhau để vượt qua cơn hoạn nạn này. Theo báo cáo nhanh của Chủ tịch UBND huyện Hương Khê; Hương Khê có 22 xã thì tất cả đều chìm ngập trong biển nước, trong đó có đến 18 xã bị cô lập hoàn toàn, đợt lũ này so với đợt lũ vừa qua, tại các điểm mực nước đều cao hơn trên 1m làm cho một số hồ đập bị tràn có nguy cơ vỡ.

Cơn lũ từ ngày 29/9-3/10 vừa qua cơ bản ở các xã miền xuôi vùng hạ Hương Khê bị ngập, nhưng cơn lũ này ập đến, no nước nên các xã vùng thượng Hương Khê cũng đã bị ngập sâu, trên 20 nghìn nhà dân của hơn chục xã phía thượng lưu bị ngập tận nóc, biết được sự cố xảy ra huyện đã chủ động sơ tán dân kịp thời, số dân còn lại như lực lượng trung niên, thanh niên ở lại để bốc dỡ giúp các hộ neo đơn di dời đến nơi an toàn. Nguy cơ vỡ đập thủy điện Hố Hô với hàng chục triệu mét khối nước lại tiếp tục treo lơ lửng trên đầu hàng vạn dân Hương Khê; tuy 3 cánh cửa van cung đã được mở toang bởi trận lũ mấy ngày trước nhưng đến 19 giờ ngày 16/10 mực nước ở đập Hố Hô đã đạt đỉnh 71/ 72 cao trình thiết kế. Nguy hại hơn mưa vẫn càng ngày càng to, lượng mưa bình quân đo được gần 700mm. Vì thế, 3 cửa xả thủy điện Hố Hô sẽ không đủ để xả với lượng nước từ thượng nguồi đổ về, tràn đập và đập có nguy cơ bị vỡ bất kỳ lúc nào nên toàn bộ dân của hơn chục xã cận kề đã được di dời đến nơi an toàn trước 18h cùng ngày.

Thủy điện Hố Hô vào lúc 17h ngày 16/10

TP Hà Tĩnh chìm trong biển nước

Tính đến 17h chiều 17/10, toàn tỉnh có 8 người chết vì lũ, 5 người bị thương. Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang bị cắt liên lạc hoàn toàn do đường HCM bị ngập trên 1m5 ở đoạn Phúc Động dài 8km. Điện lưới bị cắt hoàn toàn, các xã bị cô lập không thể liên lạc với chủ tịch xã. Mực nước dâng cao 1.5 -2m, mưa vẫn như trút. Thành phố Hà Tĩnh vẫn ngập chìm trong biển nước, điện mất, hệ thống giao thông tê liệt. Giá thực phẩm tăng cao, 1 bó rau muống 12.000 đồng, 1 lạng thịt lợn giá 17.000 đồng.

Theo nhiều chuyên gia thủy lợi của Hà Tĩnh, họ từng sống trên đất Hà Tĩnh gần suốt một thế kỷ qua cho rằng; chưa bao giờ TP Hà Tĩnh bị ngập sâu như lần này, nhiều đoạn đường lớn trong trung tâm TP như đoạn QL 1A đi qua, đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Nguyễn Du, đường Vũ Quang…ngập sâu từ 2-2,5 m, toàn bộ xe cộ phương tiện đi lại đều bị tê liệt, riêng chiều 16/10 người dân chỉ có thể đi lại bằng thuyền (có một không hai); hầu hết nhà dân, công sở đều ngập…

Theo ông Bùi Lê Bắc Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều tỉnh: “TP Hà Tĩnh ngập lũ một phần là do mưa lớn kéo dài liên tục trong 3 ngày qua cộng với việc xả lũ ở hồ Kẻ Gỗ từ 300 lên 700m3/s, đây cũng là lần Kẻ Gỗ phải xả lưu lượng nước lớn nhất từ trước tới nay bởi lượng mưa bình quân trên địa bàn Hà Tĩnh đều đo được từ 600-700mm nên mực nước Kẻ Gỗ lên đến cao trình 31,55m/32,55m trong hai ngày liên tục ở mức nước dâng xấp xỉ 31,5-32,1m so với cao trình hồ. Để bảo đảm an toàn cho hồ Kẻ Gỗ buộc phải xả mức nước lớn như vậy, nên các huyện Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh và một số xã lân cận của huyện Thạch Hà phải chịu ngập sâu trong biển nước là vấn đề tất yếu”.

Đến 22 giờ 16/10 lượng mưa vẫn liên tục tăng, ông Võ Kim Cự đã liên tục gọi điện yêu cần các cơ quan chức năng phải động viên nhân dân trong vùng chẳng thà chịu ngập nước một thời gian để bảo đảm an toàn cho hồ Kẻ Gỗ, nếu giữ nước mà không xả trong lúc này thì hồ Kẻ Gỗ sẽ vỡ, mà hồ vỡ thì nguy cơ cả huyện Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh và Thạch Hà sẽ bị cơn hồng thủy khủng khiếp này cuốn trôi toàn bộ ra biển đông.

Cơn lũ xảy ra vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn, tuy Hà Tĩnh đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước của các tổ chức xã hội, các tỉnh bạn cùng các nhà hảo tâm trong và ngoài nước trợ giúp, nhưng vì phải gáng chịu 2 trận lũ liên tiếp xảy ra trong vòng chưa đầy 2 tuần nên cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mong sao trời đừng đổ mưa xuống nữa để cho người dân nơi quê nghèo sớm thoát lũ để họ gượng dậy cùng cả nước chung sức chung lòng sớm hàn gắn lại cuộc sống.

Cơn lũ lịch sử này tiếp tục nhấn chìm 22/22 xã của huyện Hương Khê, 12/12 xã thuộc huyện Vũ Quang, 15/31 xã thuộc huyện Hương Sơn ,14/28 xã huyện Đức Thọ, 7/27 xã của huyện Cẩm Xuyên, 27/31 xã huyện Thạch Hà, 15/23 xã huyện Can Lộc, 9/13 xã thuộc Lộc Hà  16/16 xã TP Hà Tĩnh, 2 phường thuộc Thị xã Hồng Lĩnh và 3 xã huyện Nghi Xuân. Thiệt hại ước tính ban đầu: 1 người chết, 1 người mất tích; 35.430 hộ dân bị ngập; trong đó Hương Khê 14 nghìn hộ, Vũ Quang 3.096 hộ, Cẩm Xuyên 4.300 hộ, còn lại 14.234 hộ thuộc các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, TP Hà Tĩnh, Thạch Hà, Kỳ Anh, Lộc Hà và Nghi Xuân; nhiều hồ đập và các công trình thủy lợi giao thông bị phá hủy. Đến 10 giờ ngày 17/10 trên địa bàn Hà Tĩnh trời vẫn mưa rất to, mực nước tại các sông suối, hồ dập tiếp tục lên cao, nhiều nơi nước đã tràn qua đập, nguy cơ vỡ các hồ dập là rất cao.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.