| Hotline: 0983.970.780

Lang Minh hái “vàng”

Thứ Hai 16/02/2015 , 06:12 (GMT+7)

Nhờ mạnh dạn tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh khoa học kỹ thuật đến từng thửa ruộng, đến nay xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã trở thành vùng đất giàu có.

Mặc dù đây vốn là một xã thuộc vùng khó khăn theo quyết định 30/TTg của Thủ tướng Chính phủ với hơn 200 hộ nghèo.

Đi lên từ nghèo khó

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc trầm ngâm kể: "Xã này có 1.500 ha nhưng diện tích trồng lúa chiếm hết 1.000 ha, năng suất đạt thấp từ 4 - 4,5 tấn/ha, thu nhập 20 - 30 triệu đ/ha/vụ/năm. Sau khi trừ chi phí không có lãi, nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

09-55-57_h1
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Chủ tịch Quốc hội trao đổi với ông Lý Phát Sinh (Chủ nhiệm CLB giảm nghèo người Hoa) để tìm hiểu cuộc sống của bà con nông dân người Hoa tại xã Lang Minh

Về sau chuyển đổi trồng bắp lai, áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật trồng 1 vụ lúa, 2 vụ bắp, năng suất rất cao, đạt 10 - 12 tấn/ha, trung bình lãi 30 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, không chỉ cây bắp lai, ở đây còn chuyển đổi từ điều, chôm chôm, cam, quýt già cỗi sang trồng 200 ha cà phê, 150 ha hồ tiêu, cao su đạt năng suất rất cao. Từ vùng trồng lúa, màu năng suất thấp bấp bênh, bây giờ Lang Minh đã trở thành vùng đa dạng hóa cây trồng, sản xuất hiệu quả, bền vững rồi".

Đón chúng tôi tại văn phòng UBND xã Lang Minh, ông Vũ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND xã vội kéo đi ngay xuống cơ sở. "Sáng nay bên Câu lạc bộ năng suất cao (CLB NSC) cây bắp ở ấp Tây Minh có họp trao đổi kỹ thuật trồng bắp vụ ĐX 2014-2015, mình xuống đó để nghe luôn".

Trên đường đi, ông Minh nói thêm: "Ở địa phương có tất cả 27 CLB hoạt động rải đều trên 4 ấp, ấp nào trồng cây gì, nuôi con gì đều thành lập CLB NSC, chẳng hạn CLB NSC cây lúa, tiêu, rau, bưởi, cao su, thuốc lá, cà phê, nuôi heo... mỗi CLB có khoảng 20 thành viên tham gia".

"Nhiều CLB NSC sinh hoạt như thế liệu có hình thức không?", chúng tôi hỏi. "Tất cả những CLB đều có chấm điểm công tác hàng quý, hàng tháng. Mục đích hoạt động chính của CLB là trao đổi, học hỏi, chuyển giao kỹ thuật giữa bà con nông dân với nhau, làm sao năng suất, chất lượng vườn cây năm sau cao hơn năm trước.

Chẳng hạn xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm (bằng béc phun) trong ruộng bắp, vườn tiêu (nhà nước hỗ trợ kinh phí 30%) để tăng năng suất, trong khi họp, hộ nào còn khúc mắc về kỹ thuật thì đưa ra CLB tranh luận góp ý. 

09-55-57_h2
Nông dân đang tưới bắp lai vụ ĐX 2014-2015 trồng trên đất ruộng

Về phía chính quyền, chấm điểm là dựa trên tiêu chí kết quả SX của CLB, như trồng bắp năng suất phải đạt thấp nhất 10 tấn/ha. Nếu thành viên nào không đạt thì mời ra khỏi CLB", ông Minh nói.

Tiên phong cải tiến kỹ thuật

Ông Đoàn Văn Năm, Chủ nhiệm CLB NSC cây bắp cho biết: "Những tiến bộ mới trong canh tác của bà con đã khiến nhiều địa phương nơi khác đến tìm hiểu, học hỏi. Thứ nhất là trồng cực dày, trong khi các Cty giống như Syngenta, Dekalb, CP Thái Lan... khuyến cáo trồng có 1,8 - 2 kg hạt giống/ha thì tại Lang Minh trồng đến 2,6 - 3 kg, tức gấp 30%.

Thứ hai, ngâm giống trước khi trồng từ 10 - 12 giờ, sau đó bỏ vào bao qua 1 đêm đem gieo.

Cty về đây tổ chức hội thảo, mình toàn làm ngược. Họ bảo không nên ngâm giống trước khi trồng vì sẽ làm mất tác dụng của thuốc tẩm trong hạt giống, nhưng bà con vừa làm vừa rút kinh nghiệm thấy cây bắp nẩy mầm đều và phát triển giai đoạn đầu khá mạnh", ông Năm giải thích.

Thứ ba, dùng máy xới đất "cải tiến" thành máy gieo hạt có công suất gấp 5 lần so với công lao động. Ví dụ, bằng công lao động trỉa hạt tốn hết 10 công/ngày/ha, trong khi dùng máy xới chỉ 1 "tài công" nhưng trỉa được 5 ha/ngày. Chính vì áp dụng kỹ thuật đúc kết từ kinh nghiệm trong quá trình SX mà năng suất bắp lai tại đây liên tục tăng.

09-55-57_h3
Con đường dẫn vào Xã NTM Lang Minh

Năm 2010, năng suất 7 tấn/ha; năm 2012 lên 9 tấn/ha; năm 2013 tăng 10 tấn/ha. Năm 2014, nhiều người cho rằng ở đây "1 ha bắp đạt 9 tấn là thấp, bây giờ 12 tấn mới nói chuyện".

Ông Trịnh Quốc Chung, cán bộ nông nghiệp xã dẫn chúng tôi đến vườn tiêu 1 ha trồng 1.700 nọc của ông Vũ Văn Sơn (ấp Tân Bình 2) trồng bằng nọc xi măng trên các bồn bao bằng gạch đường kính 1,4 m. Chi phí đầu tư 3 năm khoảng 700 ngàn/trụ, thu hoạch bình quân 5 kg tiêu/trụ/năm. Với giá bán 200.000 đ/kg, trung bình thu 1 triệu đồng/trụ.

"Trồng tiêu không đúng kỹ thuật, nhất là để úng nước hoặc chế độ tưới, bón phân không hợp lý sẽ làm cho tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm, rất may là tui trồng tiêu 6 năm nay chưa hề biết bệnh này là gì", theo ông Sơn.

Tại đây, ông Sơn đang áp dụng chế độ tưới tiết kiệm, tức là tưới qua hệ thống dây dẫn có đầu ra bằng béc phun. "Tưới tràn làm cho đất dẻ (không tơi xốp), lúc ướt quá, lúc khô quá, còn tưới theo phương pháp này (còn gọi là tưới kiểu Israel), mình kiểm soát được nước, khi bón phân cũng dễ, cây hấp thu trọn vẹn hơn", ông Sơn nói.

Thành công của Lang Minh trong tái cơ cấu nông nghiệp còn phải kể đến sự gắn bó của các cán bộ xã. Anh Chung quê ở Thanh Hóa, là một kỹ sư về công tác ở xã theo chế độ "thu hút" của tỉnh. Sau khi thi đậu công chức do tỉnh tổ chức, anh được phân công về xã Xuân Hiệp một thời gian, sau đó từ đầu năm 2014 anh về xã Lang Minh theo chế độ "luân chuyển công tác".

Ngoài lương hệ số cơ bản là 2,34 nhân với mức lương tối thiểu 1.050.000 đ/tháng, anh còn hưởng thêm hệ số 2,0 tiền ở trọ cùng các khoản phụ cấp khác, mỗi tháng thu nhập cũng được 6,8 triệu đồng.

"Nhiều Cty về đây hội thảo gợi ý tôi bỏ việc về với họ với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên công việc ở đây gắn liền với kỹ thuật, thấy bà con SX ngày càng hiệu quả, mình yêu nghề nên quyết tâm ở lại.

Lãnh đạo xã cũng mê KHKT lắm nên tại đây xây dựng rất nhiều mô hình. Vừa qua, cũng đã nghiệm thu 5 mô hình trồng rau trong nhà lưới tại ấp Tân Bình 1 và 3 mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ.

Sau khi mô hình trình diễn thành công, giao về cho các CLB để học tập nhân rộng. Hiện nay Lang Minh đã được công nhận là xã nông thôn mới nên cần phải tăng cường công tác KHKT nông nghiệp hơn nữa", Anh Chung nói.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Lang Minh, Ðỗ Phước Dũng nhớ lại:

"Trước đây khi chỉ trồng lúa, nhà cửa của dân đa số nhà lá. Từ khi chuyển đổi trồng bắp, hồ tiêu, cà phê, cao su... phần lớn các hộ đã có nhà xây, tivi, xe máy và các vật dụng sinh hoạt đắt tiền khác.

Thu nhập bình quân đầu người trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 chỉ có 6 triệu đồng/người/năm nhưng hiện nay thu nhập tăng lên gấp 6 - 7 lần. Khi kinh tế vững vàng, chúng tôi xây dựng NTM có phần thuận lợi hơn, nhưng trước hết phải dựa vào tiêu chí "5 đồng", đó là "đồng tâm, đồng lòng, đồng thuận, đồng hành và đồng tiến".

 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.