| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề... cứu hộ

Thứ Hai 15/09/2008 , 12:00 (GMT+7)

Ra đời từ rất lâu, làng đan thuyền nan cứu hộ thôn Định Tân, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) đã sống cùng với biết bao trận lũ lịch sử. Làng là cơ sở chính cung cấp phương tiện thuyền nan cho người dân sơ tán mỗi khi lũ về...

Ra đời từ rất lâu, làng đan thuyền nan cứu hộ thôn Định Tân, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) đã sống cùng với biết bao trận lũ lịch sử. Làng là cơ sở chính cung cấp phương tiện thuyền nan cho người dân sơ tán mỗi khi lũ về...

Sự hăng say và yêu nghề của những người thợ đan thuyền

Sống khoẻ

Men theo con đê Thạch Định đã bị bào mòn nhiều đoạn do hàng năm phải đối mặt với nhiều trận lũ. Phía dưới, nước sông Bưởi vẫn chảy hiền hoà, nhưng mỗi khi có mưa to, gió lớn thì nó lại "trở mặt" hung dữ làm trắng xóa cả một vùng. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã có mặt tại ngôi làng được mệnh danh là “làng đan thuyền nan cứu hộ”. Hình ảnh đầu tiên xuất hiện là những chiếc thuyền nan trông thật mảnh mai, gọn nhẹ nhưng lại có một sức mạnh khi lướt trên những con lũ hung dữ...

Ông Trương Cao Thắng, 55 tuổi, một thợ đan thuyền có tiếng trong làng cho biết: “Làng được hình thành từ rất lâu, cũng không biết là năm bao nhiêu nữa, chỉ biết rằng nghề đan thuyền do ông cha vùng lũ tự học rồi phát triển và truyền nghề cho đến bây giờ”.

Hiện nay, nghề đan thuyền đang phát triển theo phương thức góp vốn giữa các hộ gia đình tạo thành các cơ sở đan thuyền lớn. Không giống như những nghề khác, nghề đan thuyền làm hoàn toàn thủ công nên cần sự lành nghề của người thợ. Công thu nhập dao động khoảng 80 - 100 nghìn đồng/ ngày. So với thu nhập ở làng quê thì không gì bằng. Nghề đã giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều lao động.

Nghề đan thuyền làm quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là khi mùa lũ sắp về. “Lúc này có hàng nghìn đơn đặt hàng từ các huyện, xã lân cận. Vì vậy, chúng tôi phải làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, đồng thời phải thuê người làm để đáp ứng nhu cầu dùng thuyền chạy lũ của bà con" - bác Lê Văn Thành, một chủ cơ sở tâm sự.

Thuyền nan có mặt ở tất cả các nhà dân vùng lũ. Nó thay thế toàn bộ thuyền bê tông và thuyền tôn do đặc tính của thuyền nan nhẹ và chống được lật nên an toàn hơn. Trận lũ lịch sử năm 2007, nhờ có thuyền nan nên chỉ tính riêng xã Thạch Định cũng đã ứng cứu được khoảng 1.000 tấn lương thực, hơn 1.000 con gia cầm và sách vở và đồ dùng học tập đến nơi an toàn. Đặc biệt, huyện Thạch Thành cạnh sông Bưởi, nằm gọn trong địa bàn phân lũ, nên có sự hỗ trợ của thuyền nan là rất quan trọng.

Hoàn thành được những chiếc thuyền nan, những người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nguyên liệu để làm thuyền nan là cây nứa. Để mua được nứa, các cơ sở làm thuyền phải xin giấy xác nhận từ chủ tịch huyện mới được khai thác. Khi mua nứa về người thợ phải chẻ nan, vuốt nan cẩn thận để đan thành mê thuyền, sau đó dùng thép gia cố, cuối cùng là sơn nhựa đường để khô. Khi đan thuyền, người thợ phải tính toán được độ dài, rộng, cách lận nan để vừa tiết kiệm nguyên liệu, vừa đảm bảo các thông số kĩ thuật; ngoài ra còn phải tính toán đến lực nén, áp suất...

Trong các công đoạn làm thuyền, quan trọng nhất phải nói đến qua trình gia. Trong quá trình này người thợ phải tạo một cái hố hình thuyền ngay dưới mặt đất sao cho đúng thông số kĩ thuật, sau đó cho thuyền xuống uốn. Có như vậy thuyền nan mới đảm bảo được chất lượng và có hiệu quả tốt nhất.

Chính vì thế, đan thuyền nan mất khá nhiều thời gian, thợ lành nghề cũng phải mất 8-10 công để hoàn chỉnh một chiếc thuyền.

Những chiếc thuyền nan chờ ngày xuất xưởng

Còn lũ, còn nghề

Hiện nay cả làng có 17 cơ sở đan thuyền hoạt động theo mô hình có sự góp vốn giữa cá hộ gia đình. Vì được giao lưu tay nghề nên những chiếc thuyền nan làm ra ngày càng có giá trị cao, được người dân chấp nhận. Chỉ tính trong tháng 7/2008, làng đã xuất 200 chiếc đi khắp các nơi trong tỉnh. Những chiếc thuyền nhỏ chở từ 3- 4 người thường bán ra với giá từ 1,5  triệu - 2 triệu đồng/chiếc. Còn những chiếc thuyền to được bán với giá cao hơn tuỳ thuộc vào sức chở của nó.

Tiếng lành đồn xa, không những được mọi người dân trong tỉnh biết đến mà người dân các tỉnh lân cận cũng tìm đến để mua thuyền nan chạy lũ. Anh Nguyễn Văn Tình, khách hàng mua thuyền nan đến từ Hà Tĩnh cho biết: “Người dân chúng tôi rất thích dùng thuyền nan để chạy lũ. Chú thấy đấy, tôi vừa chuyển 60 chiếc thuyền nan về để bán lại cho bà con, nhưng do số lượng không đáp ứng đủ nhu cầu nên tôi tiếp tục quay lại làng để đặt hàng”.

Đang bận rộn bên chiếc thuyền con dang dở, nhưng bác Trương Cao Thắng vẫn hớn hở: “Mừng qua các chú ạ! Tại cuộc thi thương hiệu làng nghề do tỉnh Thanh Hoá tổ chức, làng thuyền nan của chúng tôi được tỉnh bình chọn là “làng nghề chống lụt” do có những phương tiện thuyền nan có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp dân chạy lũ đấy!”. Vừa qua,  thuyền nan Định Tân đã được tỉnh chọn làm phương tiện chính tham gia diễn tập phòng, chống bão lũ đạt hiệu quả cao.

Để giúp làng nghề phát triển một cách tốt nhất, UBND xã đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Chủ tịch UBND xã Thạch Định, ông Phạm Lâm Đồng cho biết: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho làng thuyền nan phát triển như hỗ trợ 50% kinh phí mua nguyên liệu, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng về kĩ năng đan thuyền... Hy vọng sẽ đưa làng thuyền nan trở thành một làng nghề truyền thống, tiêu biểu của xã cũng như của cả tỉnh”.

Khi chúng tôi hỏi bác Trương Cao Thắng, liệu có định truyền nghề lại cho con cháu hay không, bác vui vẻ đáp: “Có chứ, chúng tôi luôn gắn bó với nghề đan thuyền, với lại con cháu cũng rất yêu nghề do chúng tôi luôn phải sống chung với lũ mà”.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.