| Hotline: 0983.970.780

Làng người Mường trên đất cố đô

Thứ Tư 12/05/2010 , 15:15 (GMT+7)

17 năm trước, những chàng trai trẻ người Mường đã làm cuộc “thiên di” vào Nam và dừng chân dưới chân núi Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Sự xuất hiện một nhóm “người lạ” và cuộc kết nghĩa anh em với những người Kinh bản địa trên đất cố đô như một câu chuyện cổ tích giữa thời bình.

17 năm trước, những chàng trai trẻ người Mường ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã làm cuộc “thiên di” vào Nam và dừng chân dưới chân núi Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) để lập làng, lập xóm. Sự xuất hiện một nhóm “người lạ” và cuộc kết nghĩa anh em với những người Kinh bản địa trên đất cố đô như một câu chuyện cổ tích giữa thời bình.

Người dân Mường chăm lo sản xuất, làm giàu trên vùng đất mới

Cuộc se duyên lịch sử

Từ Quốc lộ 1A rẽ vào con đường liên thôn chạy men theo bìa rừng, chúng tôi tìm đến ngôi làng nằm lọt thỏm dưới chân núi Bạch Mã, đó là thôn Khe Su, xã Lộc Trì. Làng Mường ngự trị trên vùng đất chừng 35 ha bạt ngàn cây cao su, tràm… trải ra một màu xanh đến ngút mắt. Vào nhà Phó trưởng thôn Khe Su Hà Xuân Lâm (51 tuổi) đúng lúc ông đang chuẩn bị nông cụ để ra đồng. Biết có người về tìm hiểu làng Mường, ông Lâm mừng lắm, đôi mắt ánh lên niềm tự hào. Nhấp ngụm trà đậm, ông Lâm kể, quê gốc của những cư dân làng Mường ở đây ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Từ bao đời nay, đồng bào Mường chỉ biết làm lúa nước manh mún, khai thác lâm sản nên năm nào cũng giáp hạt, thiếu trước hụt sau. Ước mơ được đổi đời với vùng đất thiên nhiên ưu đãi hơn luôn nung nấu trong lòng các chàng trai người Mường. Vào những năm 1990-1991, ông Cái Quang Cừ - một trong những người tìm trầm nổi tiếng thời bấy giờ đã đặt chân đến đất của người Mường ở Phú Thọ và từ đây làm cuộc “se duyên lịch sử” cho đồng bào Mường đặt chân đến Huế. Ông Cừ từng tham gia cách mạng lập nhiều chiến công, sau khi giải ngũ trở về quê, thất nghiệp ông theo lớp trai làng đi “ngậm ngải tìm trầm” với ước mơ được đổi đời.

Đến đây, ông làm quen với anh Đinh Văn Giáp, Hà Xuân Lâm. Với bản tính thật thà, sức trẻ siêng năng, Giáp và Lâm đã chiếm được tình cảm thân thiện với ông Cừ. Thời gian ở đây, ông Cừ đã được đồng bào Mường cưu mang, giúp đỡ lương thực. Năm đó, cũng là chuyến đi tìm trầm cuối cùng của đời ông, như muốn trả chút nghĩa cho những cư dân Mường tốt bụng, ông mời anh Giáp, Lâm vào Huế thăm chơi. Ngay khi đặt chân xuống Huế - quê hương ông Cừ, Giáp và Lâm đã mê tít vùng đất này và có ước muốn định cư tại đây. Trở về quê Phú Thọ chưa đầy nửa năm, anh Giáp và Lâm đã dẫn gia đình, anh em họ hàng đến vùng đất dưới chân núi Bạch Mã để khai hoang lập nghiệp…

Miên man trong dòng kể của ký ức, ông Lâm, Giáp dẫn chúng tôi về vùng đất Khe Su của gần 20 năm trước. Thời đó, theo chân các ông vào đây chỉ có 4 hộ gia đình với hơn chục nhân khẩu. Để ổn định cuộc sống, những cư dân Mường đầu tiên phải dựng những căn chòi lá để ở. Ban đầu cuộc sống rất khó khăn, một buổi kiếm cây lá về tất bật dựng chòi, một buổi thì lam lũ đi làm thuê, ai gọi chi làm nấy.

Anh Giáp nhớ lại: “Thời đó vẫn chưa có điện thắp sáng như bây giờ, trẻ nhỏ vẫn chưa có điều kiện đến trường. Nếu không có sự giúp đỡ của người dân bản địa thì khó mà vượt qua được”. Trong lao động sản xuất, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau dần dần cư dân bản địa hiểu được những khó khăn của người con xa xứ, tha phương cầu thực mà có tấm lòng chân chất của những người con miền sơn cước. Phía chính quyền xã, thôn buổi đầu cũng lúng túng trước sự xuất hiện của những “người lạ” trên địa phương mình, nhưng cũng nhất quyết cần có biện pháp xử lý và giúp đỡ họ sớm định cư.  

Trẻ em Mường được đến trường sau cuộc lập làng, lập xóm đầy gian nan của cha ông

Ban đầu, chính quyền đã cho phép khai hoang vùng đất Khe Su để họ lập làng, cho mỗi hộ mượn 2 sào ruộng để canh tác, mỗi gia đình đều được trợ cấp 15 triệu đồng từ nguồn vốn 135 của Chính phủ để xây nhà chống mưa bão. Năm 2002, tất cả những người Mường ở thôn Khe Su đã được nhập hộ khẩu. Ông Lâm bộc bạch: “Từ khi được cấp đất sản xuất, hỗ trợ tiền xây nhà đời sống bà con người Mường khấm khá lên hẳn. Nhiều công dân mới đã ra đời chúng được cha mẹ đặt tên là Huế như một sự tri ân của dân bản về vùng đất đã cưu mang họ. Hiện tại, đã có em đã học đến lớp 12, chuẩn bị thi vào đại học. Bản Mường giờ đây đã có 7 hộ dân với gần 40 nhân khẩu”.

Đổi đời trên quê hương mới

Vào thôn Khe Su hôm nay, con đường liên thôn dẫn vào vùng đất nơi người Mường định cư trải ra một màu xanh chạy tít cho đến cuối thôn. Từ những hộ khai hoang đầu tiên, đến nay 7 hộ dân người Mường đã có trong tay 6 ha cao su, hàng chục ha hoa màu, cho thu nhập ổn định vài chục triệu đồng/năm. Nhà Phó trưởng thôn Lâm cũng cầm chắc 1 mẫu lúa, 2 ha cao su và 15 con bò…, cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm.

Anh Lâm bên vườn trang trại của mình

Theo anh Lâm ra thăm vườn, bàn tay thoăn thoắt cầm cuốc vun vườn rau vừa xanh tốt: “Ở quê mình hồi xưa ai nghĩ được như ri? Hồi mới vô chật vật trăm bề, không có điện đóm nên đêm về bản làng tối om như thời nguyên thuỷ, rồi cái khổ cũng sẽ qua. Đất không phụ lòng người chú à, nếu chịu khó làm, sỏi đá cũng thành cơm thôi”.

Từ vườn bên, anh Đặng Văn Dũng tranh thủ nghỉ giữa buổi cũng sang góp chuyện. Hộ gia đình anh Dũng cũng là một trong những người đến sớm và làm kinh tế thành công ở vùng đất này. Hiện tại, gia đình anh đang sở hữu 1,8 ha cao su, 1 hồ nuôi cá hơn 200 mét vuông, 2 ha cây keo chuẩn bị khai thác và 5 sào ruộng đợi mùa thu hoạch… Anh Dũng cho biết, trong thời gian qua đã được chính quyền xã, huyện quan tâm rất nhiều, Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho những hộ dân 4 con trâu để lấy sức kéo. Thôn người Mường đã mến mảnh đất này vì nhờ nó mà thoát được nghèo đói, bỏ lại mùa giáp hạt trong quá khứ.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.