| Hotline: 0983.970.780

Làng nông thôn mới ở Giang Tô

Thứ Ba 07/07/2020 , 08:32 (GMT+7)

Mô hình xã hội tiểu khang hay thịnh vượng vừa phải vẫn luôn là giấc mơ từ hàng ngàn năm nay của người nông dân Trung Quốc. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.

Làng ếch Tây Hương

Vấn đề lâu nay của ông Trương Mao Hưng ở làng Tây Hương, huyện Tô Châu, tỉnh Giang Tô cũng giống như nhiều nông dân khác vẫn là chuyện làm ra nông sản nhưng không thể bán nổi. Lý do là ngôi làng heo hút này ít ai biết tới khiến nhiều loại trái cây, rau củ và trà thu hoạch về thường xuyên phải chất đống, thối rữa trong sân.

Từ một làng nghèo hẻo lánh nay Tây Hương đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Ảnh: CND

Từ một làng nghèo hẻo lánh nay Tây Hương đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Ảnh: CND

Muốn bán được nông sản của mình, người đàn ông 62 tuổi họ Trương phải chở hàng vượt qua hai quả đồi mất 90 phút để đến trung tâm thị trấn Đông Sơn may ra mới có khách hàng. Mỗi khi trời mưa, những con đường đất trong làng trở nên lầy lội càng khiến cuộc sống người dân thêm nhiều bấp bênh.

Tuy nhiên mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2014, khi làng Tây Hương được một chuyên gia bảo vệ môi trường từ Đài Loan đến giúp người dân địa phương tìm cách thoát nghèo. Và điều ít ai ngờ được khiến mọi thứ thay đổi hoàn toàn lại chính là 61 loại ếch nhái ở đây. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã đầu tư hơn 20 triệu nhân dân tệ (2,8 triệu USD) để cải thiện cơ sở hạ tầng của làng, bao gồm đường bê tông, duy tu những ngôi nhà đổ nát và quy hoạch lại hệ thống nước thải để thu hút du khách.

"Tôi đã thấy ​​môi trường được cải thiện. Nhiều người dân trong làng không thể tin vào mắt mình, nó giống như chúng tôi đã chuyển đến một ngôi làng mới", ông Trương cho hay.

Làng Tây Hương giờ đây nổi tiếng khắp nơi với cái tên “làng ếch". Du khách viếng thăm có thể tìm hiểu về loài động vật lưỡng cư này tại bảo tàng của làng và nghe thấy tiếng kêu của chúng trong đêm hay thưởng thức cà phê ngay trên ao ếch. Nói tóm lại, yếu tố ếch đã được đẩy lên ở hầu hết mọi ngõ ngách trong làng.

Ông Trương hiện đã là chủ nhân một khách sạn kiêm bán trà, thanh mai và sơn trà. Doanh thu của gia đình ông trong năm ngoái đã đạt hơn 350.000 nhân dân tệ. Đứa con của ông trước đây đi lao động tự do ở thành phố cũng đã trở về nhà để giúp ông quản lý, điều hành khách sạn và trồng hoa quả.

Chuyện của gia đình ông Trương cũng giống như nhiều gia đình khác nên giờ đây làng Tây Hương đã hết u ám bởi luồng sinh khí mới từ lớp trẻ quay về làm ăn. Nếu như trước đây, mỗi thanh niên rời làng đi xa có thể kiếm được khoảng 30.000 tệ/ năm (tương đương 98,7 triệu đồng) thì hiện ở quê mỗi người đã có thu nhập khoảng 100.000 tệ/năm, trong khi còn được tận hưởng môi trường tốt hơn và có thời gian bên gia đình.

Ông Xu Ji, ủy viên làng Tây Hương cho biết, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều câu lạc bộ, nhà sách và quán cà phê được khai trương để du khách có thể được tận hưởng nhiều thú vui hoặc mua sắm các đặc sản nhà nông.

Giàu có nhờ sáng tạo

Mô hình làng du lịch Tây Hương là một trong nhiều mô hình nông thôn mới ở tỉnh Giang Tô, nhằm tận dụng tối đa lợi thế của mình để người dân có một cuộc sống tốt hơn. Các mô hình kiểu mẫu thành công khác phải kể đến làng Cám Du ở huyện Liên Vân Cảng- nơi có nhiều ngư dân trở thành triệu phú nhờ bán hải sản trực tuyến hay làng Thuật Dương ở Túc Thiên nổi tiếng với nghề bán cây con giống trên mạng.

Hộ gia đình ông Vương Quang Minh, một nông dân trồng cây cảnh ở huyện Như Cao hiện mỗi năm kiếm từ 1,5 triệu đến 2 triệu nhân dân tệ. Ông Vương cho biết, mỗi cây thông bonsai có chiều cao của một người trưởng thành có giá hơn 100.000 nhân dân tệ.

Hiện Như Cao có chừng 2.000 nghệ nhân và khoảng 100.000 nông dân chuyên nghề cây cảnh. Năm ngoái, cộng đồng này đã thu hút gần 2 triệu du khách và doanh thu từ du lịch đạt 250 triệu nhân dân tệ và thường xuyên tạo công ăn, việc làm cho hơn 200.000 lao động từ các địa phương lân cận. Vào mùa cao điểm, mỗi lao động có tay nghề có thể kiếm được 2.000 đến 3.000 nhân dân tệ/ngày, (tương đương từ 6 đến gần 10 triệu đồng).

Thị phần cây cảnh bon sai ở Trung Quốc tăng trưởng 10%/năm. Ảnh: CND

Thị phần cây cảnh bon sai ở Trung Quốc tăng trưởng 10%/năm. Ảnh: CND

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên kinh doanh hoa và cây cảnh ở tỉnh Giang Tô cho biết, xu hướng thị trường không chỉ dừng ở những cây bonsai lớn, đắt tiền mà thậm chí sẽ mở rộng sang loại thu nhỏ với kích thước chỉ bằng bàn tay.

"Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương hướng tới phát triển một thị trường nghề làm vườn kiểu mới vào cuối năm nay. Theo đó sẽ sớm hoàn thành một trung tâm triển lãm cây cảnh bonsai đa dạng để mọi người tùy nghi sử dụng trong vườn, phòng ngủ hay phòng khách", vị này tiết lộ.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.