| Hotline: 0983.970.780

Làng nuôi tôm tỷ phú

Thứ Sáu 04/11/2011 , 11:08 (GMT+7)

Hòa Mỹ vốn có thế mạnh nuôi tôm. Trong những năm qua, người dân ở đây đã biến những thửa ruộng trũng, phèn ngày nào thành những hầm tôm công nghiệp thu về bạc tỷ mỗi năm.

Về xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, chúng tôi tìm gặp những lão nông mà người dân địa phương và các vùng lân cận ưu ái đặt tên là “Tỷ phú tôm công nghiệp”. Tiếp xúc với chúng tôi, trên khuôn mặt từng người lộ rõ niềm vui khó tả.

Hòa Mỹ vốn có thế mạnh nuôi tôm. Trong những năm qua, người dân ở đây đã biến những thửa ruộng trũng, phèn ngày nào thành những hầm tôm công nghiệp thu về bạc tỷ mỗi năm. Từ thành quả có được, những nông dân này mạnh dạn bắt tay nhau hình thành nên các tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp cùng giúp nhau làm giàu.

Chưa từng thất bại

Trước khi vào gặp những lão nông này, chúng tôi được anh Phan Văn Bảo, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Mỹ quảng cáo rầm rộ: “Ở xã tôi, có những ông nông dân nuôi tôm công nghiệp rất tài ba, hầu như từ khi bắt đầu nuôi tôm đến nay chưa hề thất bại”.

Để minh chứng cho lời mình, anh Bảo dẫn chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Ý, ngụ ấp Rau Dừa, xã Hòa Mỹ, một lão nông kỳ cựu đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nuôi tôm công nghiệp tại địa phương. Tiếp chúng tôi, ông Ý từ tốn nói: “Sau mấy năm nuôi tôm quảng canh trên 2ha ao của gia đình, không lời lãi được bao nhiêu mà rủi ro lại nhiều. Từ năm 2004, tui quyết định chuyển sang nuôi tôm thâm canh, với 5 ao tôm công nghiệp gần 7 năm qua chưa hề thất bại vụ nào”.

Theo tính toán của lão nông này, bình quân mỗi năm nuôi 2 vụ, sau khi trừ tất cả chi phí, 5 hầm tôm của gia đình ông còn lãi trên 2 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong vụ tôm đầu năm nay, ông Ý đã thu về gần 1 tỷ đồng, còn vụ tôm thứ 2 cũng sắp sửa cho thu hoạch hứa hẹn thắng đậm.

Anh Bảo vui vẻ cho biết, người dân trong xã Hòa Mỹ không “hà tiện” phổ biến kinh nghiệm làm giàu trong nuôi tôm công nghiệp. Tiêu biểu như gia đình ông Ý, cứ người nào đến hỏi về kỹ thuật nuôi tôm  ông đều nhiệt tình chỉ dẫn. Người này mách người kia, riết rồi tất cả bà con trong ấp ai cũng nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả cao. Không chỉ thế, nhiều bà con còn tổ chức thành lập các tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp, nhằm mạnh dạn đầu tư vốn liếng, trao đổi khoa học… để cùng nhau nuôi.

Ghi nhận của chúng tôi, ở xã này những nông dân làm giàu từ tôm công nghiệp như ông Ý không phải là chuyện hiếm. Rời nhà ông Ý, chúng tôi lại cùng anh Bảo đến thăm 4 hầm tôm công nghiệp thu về hàng tỷ đồng mỗi năm của gia đình ông Trần Trung Tính, ngụ ấp Thị Tường.

Dù bận đi công chuyện, nhưng ông Tính quyết định tạm hoãn lại để tiếp chúng tôi. Dẫn khách đi tham quan các hầm tôm của gia đình, ông Tính nói chắc nịch: “Ngoài việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chúng tôi còn được tham gia học tập ở các lớp tập huấn do Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với xã tổ chức. Qua các lớp học, anh em chúng tôi được hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết về việc cải tạo ao đầm, cách chọn con giống, coi mặt nước, cho ăn… Nên khi bước vào nuôi, bà con ai cũng nắm vững kiến thức và kỹ thuật, hầu như không ai thất bại từ mô hình này”.

Theo anh Phan Văn Bảo, hiện tại xã đã hình thành được 3 tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp với hàng trăm thành viên tham gia. Nói về hiệu quả hợp tác nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ khẳng định: Từ khi các Tổ hợp tác này hình thành và đi vào hoạt động đến nay, đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho bà con. Diện tích nuôi tôm công nghiệp của xã trong thời gian qua không ngừng tăng lên.

Hiện tại, diện tích nuôi tôm công nghiệp của xã vượt chỉ tiêu huyện giao trong năm 2011 rất nhiều (với 44 ha, đạt 125% chỉ tiêu). Lợi nhuận kinh tế đưa lại cho bà con trong xã đến thời điểm này đã đạt trên 23 tỷ đồng, bình quân 1 ha thu gần 5 tấn tôm sú.

Lợi ích “hai chung”

Nếu ngày càng có nhiều Tổ hợp tác làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế như trên và ngày càng có nhiều lão nông chân đất dám nghĩ, dám làm như ông Ý, ông Tính… thì nông dân ở vùng đất cuối trời này còn sợ gì cái nghèo đeo bám.

“Tuy các Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp chỉ mới hình thành trong thời gian gần đây, nhưng những hiệu quả mà nó mạng lại là thấy rõ. Từ đó, ngày càng có nhiều bà con nông dân trên địa bàn đăng ký tham gia Tổ hợp tác. Khi là thành viên của Tổ hợp tác, nông dân có lợi ích từ nhiều mặt: Được hỗ trợ lẫn nhau kinh nghiệm nuôi, được hỗ trợ từ đồng vốn của quỹ tương trợ giúp nhau thoát nghèo”- ông Phan Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Thống Nhất, xã Hòa Mỹ nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng, ngoài việc các thành viên trong Tổ hợp tác được hưởng các lợi ích thiết thực, bà con nông dân còn dễ dàng tiếp cận được với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nguồn vốn ngân hàng, nhà cung cấp thức ăn, thuốc trị bệnh trên tôm…

Tìm hiểu của chúng tôi, nguồn vốn từ quỹ tương trợ giúp nhau thoát nghèo của các Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp ở xã Hòa Mỹ thời gian qua đã giúp ích cho rất nhiều gia đình nghèo trong xã vươn lên. Nông dân Trần Trí Lời vui mừng bày tỏ: “Khi tham gia vào Tổ hợp tác, tui được hỗ trợ thêm về nguồn vốn để cải tạo ao đầm, mua con giống, được chuyển giao khoa học kỹ thuật từ các thành viên trong tổ. Vì thế gia đình tui giờ đã có của ăn của để. Tuy không nhiều nhưng những gì mà tui có được bây giờ, trước đây nằm mơ cũng không thấy”.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất