| Hotline: 0983.970.780

Làng quê dần vắng lời ru?

Thứ Năm 04/09/2008 , 08:00 (GMT+7)

Rất nhiều người mẹ trẻ thời đại @ này đã không còn biết đến làn điệu hát ru và những lời ru con cổ truyền...

Ảnh minh họa

Cách đây mấy năm, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã tổ chức một cuộc “Thi hát ru”, với mục đích bảo tồn và phát huy loại hình dân ca rất độc đáo, quý giá này. Nhưng phải chăng cuộc thi đó còn phản ánh một thực trạng: Làng quê Việt Nam bây giờ đang vắng dần những lời ru? Bởi rất nhiều người mẹ trẻ thời đại @ này đã không còn biết đến làn điệu hát ru và những lời ru con cổ truyền?

Bữa tiệc đầy tháng cho đứa cháu nội anh bạn tôi ở Trực Ninh (Nam Định) tàn đã lâu, khách khứa về hết, chỉ còn tôi nán lại, do gần chục năm nay không gặp nhau, hơn thế nữa anh và tôi đều có chung một niềm vui là cùng mới có cháu nội, lại đều là cháu trai, nên câu chuyện kéo dài mãi mà không sao dứt ra được... Trong buồng, cháu nội anh chợt thức giấc, khóc oe oe. Mẹ cháu, tức con dâu của bạn tôi, vội chạy vào buồng ẵm con ra võng, ấn vú vào miệng con nhưng cháu bé vẫn không nín, người mẹ trẻ bèn đưa tít võng, vừa nựng vừa “ru” con:

- Ơi… mẹ đây… mẹ đây… mẹ thương… mẹ thương… à ơi… Con cò bé bé/ Đậu ở ngọn tre/ Đi không hỏi mẹ/ Biết đi đằng nào/ Khi đi em hỏi/ Khi về em chào/ Miệng em chúm chím/ Mẹ có yêu không nào…à ơi…

Thấy thằng bé vẫn ngằn ngặt khóc, mẹ trẻ chuyển sang bài “ru” khác:

- À ơi… Hôm qua em đến trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em đến lớp…ơi ơi…nín đi… nín đi con… mẹ thương… mẹ thương… ôi con tôi làm sao thế này…

Chừng xót vì thấy cháu khóc quá, bạn tôi bảo con dâu:

- Con phải ru cháu đi thì nó mới nín chứ…

- Con ru mãi mà nó có nín đâu, bố…à ơi… mẹ xin… mẹ xin… nín đi con

- Đấy không phải là ru. Sao bố, rồi mẹ dạy mãi mà con không hiểu…

Anh đón lấy cháu, bảo con dâu đứng lên rồi ẵm cháu nằm vào võng, vừa đưa nhè nhẹ vừa ru cháu:

-Ả (à) ơ…ơi…i… Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước ả (ă) trong nguồn chảy (à) ra a a… Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu (ả ă a…) mới là (à) đạo (à) co…con…ả à ời…ả à ơ…ơi i i…

Kỳ diệu thay! Chỉ sau mấy lời ru nữa là cháu bé nín, rồi thiu thiu ngủ. Bạn tôi lắc đầu:

- Chả biết con dâu ông thế nào. Chứ con tôi… dạy bảo mãi mà không biết, không thuộc lấy một bài hát ru. Mà chẳng riêng gì con tôi. Làng này, rất nhiều người mẹ trẻ bây giờ không biết ru con, thế mới buồn chứ…

- Con tôi, thì cũng có khác gì con ông đâu. Con khóc, nó ru con, hết “Trái đất này là của chúng mình/ Quả bóng xanh bay giữa trời xanh/ Bồ câu ơi…”. Tôi đã soạn sẵn hàng chục bài ca dao, cả một số bài thơ lục bát rất hay của các nhà thơ đương đại, có thể dùng để ru con được. Bảo nó học, mà nó có chịu học đâu.

- Mấy năm trước lên Hà Tây (cũ) thăm nhà văn X. Tôi thấy con dâu ông ấy cũng hát hết bài này sang bài khác, mà toàn bài hát của người lớn, để… ru con. Thấy con không nín, nó đặt con xuống võng rồi đứng lên vừa nhẩy Lam - bat - đa vừa hát. Tội nghiệp, thằng bé mới sáu tháng tuổi mà phải nghe những lời hát Tây chẳng ra Tây, Tàu chẳng ra Tàu. Thật là chuyện cười ra nước mắt. Nhìn nét mặt buồn một cách sâu sắc của ông bạn văn, tôi cũng rầu lòng. Ai ngờ ngày nay cháu tôi lại phải hưởng những “lời ru thời a - còng”. Làng quê đang dần vắng lời ru rồi…

Làng quê đang dần vắng lời ru. Nhận xét của anh bạn tôi thật chính xác. Mấy chục năm trước, đến làng quê nào mà ta chẳng được nghe cái làn điệu ru con ời ời vọng ra từ những ngôi nhà. Những lời ru như được chắt ra từ hồn người, hồn quê. Lời ru toàn một thể thơ lục bát, nhưng nội dung thì phong phú vô cùng. Có người ru con bằng một đoạn Kiều, một đoạn Nhị Độ Mai, một đoạn Hoa Tiên hay Phan Trần… Có người ru con bằng những bài ca dao và có người ru con bằng cả “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính nữa…

Có một điều hết sức lạ lùng là, những cháu bé còn nằm trong nôi đâu đã hiểu gì về nội dung những lời ru. Nhưng vì sao hễ cất lời ru lên là bé nín, rồi đi dần vào giấc ngủ? Sau không biết bao nhiêu là trăn trở, suy tư, tôi mới dần dần nhận ra, rằng không phải nội dung mà chính là nhạc điệu của bài ru mới làm nên chuyện đó. Hãy nghe kỹ mà xem. Thơ lục bát, tự nó đã rất giầu tính nhạc bởi cấu trúc âm thanh bằng trắc, trắc bằng rồi. Khi hát lên theo điệu ru, tiếng bổng tiếng trầm xen nhau, dãi dài ra bằng những tiếng đệm à ơi, thanh âm sẽ trở thành một hình sin nhạc điệu rất nhẹ nhàng, khoan thai, mênh mông, vời vợi, khác nào một làn gió mơn man, dìu dặt, vừa ve vuốt vừa vỗ về… khiến bé ngừng tiếng khóc. Một bác sỹ - nhà thơ từng nói với tôi:

- Nhạc điệu lên bổng xuống trầm của lời ru rất trùng với nhịp thở của bé. Bổng là hít vào, trầm là thở ra, ông cứ ngẫm kỹ mà xem. Chính vì thế mà nhạc điệu lời ru có tác dụng giúp bé điều hoà nhịp thở, làm cho cơ thể cháu bé trở lại trạng thái thoải mái nhất, và bé ngừng khóc vì thế…

Với những bé lớn từ bốn năm tuổi trở lên, không còn phải dỗ ngủ bằng lời ru nữa và đã bắt đầu có nhận thức thì nội dung lời ru lại vô cùng quý giá. Những lời ru về công cha, nghĩa mẹ, về tình làng xóm, tình anh em… chính là những bài học vỡ lòng về đạo làm con, làm người… Cứ thế, lời ru truyền từ đời này sang đời khác, thân thuộc như hạt lúa củ khoai, như sân đình bến nước...

Những người mẹ trẻ lần đầu tiên ôm trong lòng đứa con dứt ra từ khúc ruột của chính mình, không cần ai dạy cũng biết cất lời ru, bởi lời ru đã thấm vào họ từ thuở ấu thơ, như là cơm ăn nước uống, như không khí họ hít thở hàng ngày. Nhưng bây giờ, tất cả đã khác. Lời ru, những hạt châu, hạt ngọc của làng quê, đang rơi rụng dần…

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.