| Hotline: 0983.970.780

Làng quê "săn" Tết...

Thứ Hai 22/12/2008 , 08:00 (GMT+7)

Những tưởng cuộc sống trần thế mới lao đao bởi khủng hoảng kinh tế, không ngờ những mặt hàng phục vụ đời sống tâm linh như vàng mã cũng theo đà kinh tế xuống dốc…

Bài 1: Suy thoái kinh tế đã lan tới… âm phủ

Những tưởng cuộc sống trần thế mới lao đao bởi khủng hoảng kinh tế, không ngờ những mặt hàng phục vụ đời sống tâm linh như vàng mã cũng  theo đà kinh tế xuống dốc… 

Hàng mã cao cấp đang ế ẩm
Vừa bán vừa cho nợ vẫn... ế

Vào mùa này mọi năm đến Đông Hồ, khắp đường làng, ngõ xóm đều rực lên muôn hồng, ngàn tía của vàng mã. Màu trắng của mặt hình nhân, màu vàng của tiền giấy, màu đỏ của mũ hia, ánh bạc lóng lánh của những chú ngựa mã…Chúng được xếp đầy trên những chiếc ôtô tải, xe máy nườm nượp đến ăn hàng.

Thế nhưng, năm nay đến làng, cảnh tấp nập ấy không còn, thay vào đó là một không khí đìu hiu, chợ chiều. Vào nhà trưởng thôn Đông Khê, Nguyễn Đức Phong đúng lúc ông đang thảnh thơi tán chuyện con gà, con kê cùng mấy người bạn. Nhà trưởng thôn cũng làm vàng mã như bao hộ dân trong làng nhưng khách ít nên chẳng phải hộc tốc, dốc gan mà làm như mọi dạo.

Có lẽ khắp dọc dài đất nước, ít có nơi nào nghề vàng mã lại thịnh như ở Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) khi có tới 2 làng chuyên sống bằng nghề phục vụ cõi âm (Đông Khê và Đạo Tú) với số hộ tham gia xấp xỉ cỡ 700-800 hộ.

Ông Phong cho hay trước đây, nhà mình cũng làm tranh truyền thống nhưng rồi thị trường không có đầu ra nên bản khắc tranh bị đem đóng làm…chuồng gà hết để chuyển sang làm mã: “Có hai loại hàng mã chính là hàng gõ (làm từ giấy báo loại, phết dung dịch đất cộng hồ rồi gõ vào cốt (khuôn) để ra các sản phẩm như mũ ông công, mặt hình nhân, phỗng…) và hàng dán gồm các loại được sản xuất, định hình bằng cách dùng hồ dán lại. Vàng mã tiêu thụ mạnh nhất vào 2 dịp là rằm tháng bảy và Tết nguyên đán giải hạn đầu năm nhưng năm nay đã vào vụ Tết rồi mà hàng chậm lắm, ước giảm sút đến non nửa”.

Làm một cuốc vòng quanh Đông Hồ tôi thấy ngồn ngộn vàng mã chất đống ở kho, trong nhà lẫn ngoài sân. Anh Tươi- Nụ não nuột: “Làm nhiều chết nhiều, làm ít chết ít, nhà nào cũng méo mặt cả nên cả làng năm nay mất Tết. Gia đình tôi làm các mặt hàng bình dân như hia, mũ, giầy…Để làm hàng dịp Tết phải chuẩn bị nguyên liệu trước đó nhiều tháng, đúng vào thời giá cao. Nay hàng đi chậm đã đành, giá còn hạ xuống mạnh lắm nên dự kiến vụ này nhà tôi mất đứt 6 triệu”.

Vào cửa hàng của chị Dương Thị Sinh, vàng mã chất đống tới tận nóc nhà. Là một đầu mối lớn chuyển hàng đi Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội thậm chí vào cả trong Nam, dịp cuối năm nhà chị đáng lẽ phải tất bật lắm nhưng giờ nhiều lúc ngồi chơi không.

Vàng mã phải bán nợ, dịp Tết bán hàng rằm tháng bảy mới trả róc, rằm tháng bảy bán đến cuối năm mới thu hết tiền về. Thế nhưng năm nay, chị Sinh bảo tốc độ bán hàng chỉ bằng 50-60% năm ngoái, mà bán nợ là chủ yếu. Số vốn cỡ 200 triệu như nhà chị, “đồng lân, đồng lưu” bị chịu cũng cỡ trên 50 triệu đồng. “Năm nay kinh tế khó khăn, mất mùa nhiều nơi nên tôi cũng không dám cho chịu lắm vì khó thu hồi vốn”. Theo chị Sinh, những đồ bán chủ yếu vẫn chỉ là đồ bình dân như vali, cặp số, đầu giàn, tivi, tủ lạnh…kịch trần cỡ ba, bốn chục ngàn mà thôi.

Đông Hồ giờ đây chỉ còn có 3 hộ làm tranh chính còn lại đã chuyển sang vàng mã hết. Ước tính với 2 làng Đạo Tú và Đông Khê mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục triệu sản phẩm vàng mã, trị giá nhiều chục tỉ đồng.

Làm vàng mã ngồi từ sáng sớm đến tối mịt, mỗi ngày tới 10-12 tiếng nên hầu như đau lưng, đau dây thần kinh toạ, đau xương khớp là bệnh phổ biến, cỡ 70-80% dân làng đều bị. (Ảnh: Vợ nghệ nhân tranh Đông Hồ Trần Nhật Tấn ngồi dán hàng mã)

Hàng mã cũng phải... kích cầu

Sức mua giảm sút rõ nhất thể hiện ở những mặt hàng thuộc diện xa xỉ cho người cõi âm. Ông Phùng Đình Suất- một gia đình chuyên làm mặt hàng này nhận định thấm thía: “Năm nào bão lụt ít thì hàng chạy nhanh, năm nào thiên tai nhiều thì hàng bán chậm nhưng chưa năm nào mức độ giảm sút mạnh tới 50% như vụ này”.

Nhà ông Suất không làm hàng chợ mà chỉ làm hàng kỹ như ngựa, voi, hình nhân, mãng xà, thuyền rồng…với kích thước, tỷ lệ lớn y như thật. Những con ngựa được bán tại chỗ giá 120.000đ, thuyền rồng 100.000đ hay mãng xà dài cả chục mét, thân to như cái phích giá 700-800.000đ mọi năm vốn bán chạy là thế mà năm nay cứ…quyến luyến chủ không muốn rời đi. Chỉ những hàng cỡ dăm bảy chục là còn túc tắc bán được.

“Các mặt hàng này chủ yếu được đem dâng cho các chùa, giao cho những người mở khoá lễ cúng thường được trả tiền tươi nhưng năm nay họ lấy hàng rồi viện cớ khó khăn xin khất nợ. Không biết có chịu đến mùa…quýt hay không”.

Những mặt hàng đắt tiền khác của làng âm phủ như ôtô, nhạc cụ các loại cũng rơi vào tình trạng chẳng mấy người mua. Bà Nguyễn Thị Vũ-vợ của nghệ nhân làm tranh đã quá cố Trần Nhật Tấn bảo nhà mình giờ sản xuất cả ôtô khách, ôtô bảy chỗ, bốn chỗ, hay thậm chí cả xe ủi, máy xúc giấy (cho những người lúc còn sống làm nghề này)…Có người còn cầu kỳ yêu cầu chúng tôi làm cả biển số đẹp, tỉnh, thành này nọ cũng phải chiều theo.

“Nguyên liệu vụ này tăng ghê gớm, hồ trước chỉ 4.000đ/kg nay 8.000đ, phẩm trước 12.000đ/lạng nay 25.000đ, nứa làm nan trước 7.000đ/cây nay 14.000đ/cây, công xá đều tăng mà hàng làm ra bán chậm lắm. Để kích cầu, chúng tôi đã khuyến mãi giảm giá cỡ 10%, một chiếc ôtô to trước 60.000đ nay chỉ còn 50.000đ, ôtô nhỏ trước 6.000đ nay còn 5.500đ mà vẫn bị chậm, vẫn bị mua chịu”.

Hết chuyện vàng mã, bà lại rủ rỉ với tôi về chuyện làm tranh truyền thống. Từ cái thủa mới biết nhuộm răng đen, trùm khăn mỏ quạ bà đã bó tranh quẩy đi khắp các chợ Keo, Nôm, Dâu, Mão Điền trong tỉnh hay chợ Đồn Áp ngoài tỉnh để bán. “Mỗi chuyến đi bộ lên tận Thái Nguyên mất 3-4 ngày mới về. Hồi đó bán tranh sướng lắm. Tết nhà nào chẳng treo y môn, câu đối, tranh Tết. Giờ thì…”. Bà lão bỏ lửng câu nói, thở dài. Chính bà đang ngồi dán vàng mã trong cửa hàng có cái biển đã ố vàng, trên đó ghi nắn nót “Nghệ nhân Trần Nhật Tấn-sưu tầm, bảo tồn và phát triển tranh Đông Hồ”…

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm