| Hotline: 0983.970.780

'Làng thúng chai' dưới chân đèo Cù Mông

Thứ Sáu 02/08/2019 , 13:10 (GMT+7)

Hàng trăm năm trước, một số ngư dân đến định cư bên ghềnh đá hoang sơ dưới chân đèo Cù Mông, với nghề đánh bắt hải sản chủ yếu bằng những chiếc thúng chai, lâu dần hình thành nên làng chài Xuân Hải thuộc thôn 2, xã Xuân Hải (TX Sông Cầu, Phú Yên).

Trù phú “làng thúng chai”

Đêm xuống, là thời điểm dân làng chài Xuân Hải bắt đầu cuộc mưu sinh trên biển. Những chiếc thúng chai lần lượt cưỡi sóng ra khơi. Những chiếc thúng chai bé tí trông như chiếc “vỏ đậu” mà có  đến 5 - 7 ngư dân ngồi vây quanh vành thúng cưỡi sóng phăm phăm ra khơi.

1152132287
Những chiếc thúng chai của ngư dân làng chài Xuân Hải.

Sự kiên cường của ngư dân với công cuộc mưu sinh đầy bất trắc trên những phương tiện thô sơ giữa muôn trùng sóng nước. Họ chèo lái những chiếc thuyền thúng điêu luyện như những nghệ sĩ trên những con sóng, bằng cách lắc, xoay những chiếc dằm cỏn con để chinh phục biển cả mênh mông.

Lão ngư Hồ Văn Thìn (68 tuổi), cư dân của làng chài Xuân Hải chia sẻ: "Không biết làng chài Xuân Hải hình thành từ lúc nào, nhưng theo cách tính của các bậc cao niên ở đây thì những ngư dân đầu tiên đến định cư bên ghềnh đá hoang sơ dưới chân đèo Cù Mông cách nay đã mấy trăm năm".

Bây giờ, Xuân Hải đã chật kín người với gần 1.000 hộ dân, trên 5.000 nhân khẩu. Dân làng chài bám biển mưu sinh bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ, ngư trường đánh bắt của họ chỉ cách bờ khoảng 10 hải lý. Phương tiện hành nghề chủ yếu là thúng chai, đánh bắt cá trích. Ngoài ra còn nhiều nghề khác như lưới tôm, bóng mực; lưới ba màng, lưới cao đánh bắt cá sòng, cá ngân; lưới một đánh bắt cá phèn, cá hố, cá liệt; lưới chuồn đánh bắt cá chuồn bay…

Hàng ngày, vào khoảng 5 giờ rưỡi chiều là thuyền thúng rậm rịch kéo nhau ra biển đánh bắt, đến 6 giờ sáng hôm sau tất cả đồng loạt về bờ. Vài năm trở lại đây, nhiều ngư dân ăn nên làm ra, tích lũy được số vốn đóng tàu lớn vươn khơi.

Mùa cá trích kéo dài từ tháng 9 âm lịch đến tháng Giêng năm sau. Dân vạn chài Xuân Hải gọi đó là “mùa no ấm”, bởi gia đình nào cũng có thu nhập khá. Vài năm trở lại đây, Xuân Hải xuất hiện thêm  nghề mới, đó là nghề “săn” cá chuồn bay, đang là nghề dễ hốt bạc nhất hiện nay.

2152132880
Sau nhiều năm hành nghề bằng thúng chai, nhiều ngư dân tích góp vốn sắm tàu lớn đi đánh bắt khơi xa.

Vừa khéo léo gỡ những vỏ hàu và ốc bám trên tấm lưới, ngư phủ Trần Hiến (47 tuổi) vừa vui vẻ kể chuyện: “Chiếc thúng chai trông đơn giản là thế nhưng kiếm cho ngư dân bộn tiền lắm anh à! Đêm nào trúng đậm mẻ cá thì tui kiếm được vài ba triệu. Vào chính vụ đánh bắt cá trích, thỉnh thoảng có mẻ cá “vào cầu” kiếm được trên chục triệu đồng. Còn bình quân thì mỗi đêm tui kiếm được 500.000 – 700.000đ”.

Bà Tô Thị Chua (54 tuổi), khẳng định: “Nhiều chủ thúng chai hành nghề rất trúng, không những xây được nhà cao cửa rộng mà còn nuôi con ăn học đến đại học. Bố mẹ chúng ngày xưa ai cố lắm cũng chỉ học đến lớp 3, lớp 5 là bỏ học bám biển. Giờ thì hầu như tất cả con em làng chài này đều được đi học đến nơi đến chốn, ít đứa bỏ học dở chừng”.
 

Căn cứ địa cách mạng

Theo lời kể của các lão ngư ở làng chài Xuân Hải, trước kia, nơi đây từng là vùng căn cứ địa cách mạng, nuôi giấu bộ đội giải phóng. Những năm 1960, 1965, 1970, 1973, tại làng chài Xuân Hải đã xảy ra những trận chiến ác liệt.

“Hồi ấy, mỗi khi dân chúng tôi qua bên chợ Gò Duối nay thuộc xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu để bán than kiếm tiền mua gạo thường bị lính bắt lại, lục soát. Họ dùng khèo làm bằng cây rừng vót nhọn, chọc vào những vật dụng mà chúng tôi đựng đồ mua sắm ở chợ, nếu thấy có gạo là chúng tôi bị quy tội mua gạo về tiếp tế cho cộng sản nên bắt phải đổ ra ngay. Thời ấy, đói là thế nhưng dân làng chài Xuân Hải vẫn quyết tâm che chở, nuôi bộ đội giải phóng”, bà Tô Thị Chua nói.

Một chiều mùa hạ năm 1973, khi ấy bà Chua xấp xỉ 10 tuổi. Cha bà là bộ đội hoạt động cách mạng ở trên những ngọn núi phía sau làng chài. Mỗi ngày, mẹ bà Chua phải đùm cơm, giả làm người đi lên núi chặt cây rừng đốt than đưa cơm cho chồng.

Có hôm, mẹ bà Chua lâm bệnh, khi ấy bà đảm nhận trách nhiệm đưa cơm cho cha và đồng đội. Mẹ bà nấu cơm vắt bỏ vào bọc để bà Chua mang lên núi. Ì à ì ạch leo đến nửa dốc núi thì cô bé Chua bị lính phát hiện, bắt lại để lục soát. Quá sợ hãi, đôi tay của cô bé run rẩy, đôi chân thì như muốn khuỵu.

May thay, vừa lúc ấy có bà cô hàng xóm quen với tay lính đứng ra ngăn lại, bảo: “Con cháu nó tội lắm, nhỏ vậy mà phải băng rừng đưa cơm cho cha nó đang đốt than trên núi về đổi gạo ăn chứ nhà nó nghèo lắm, lấy đâu tiếp tế cho cộng sản. Thôi, chú đừng lục soát nó chi, cho nó đi nó còn về không kẻo tối nó sợ”. Nhờ vậy mà cô bé Chua thoát chốt địch.

“Khi mang cơm lên đến chỗ ẩn náu của cha và các chú bộ đội, lúc ấy tui thấy có 4 chú bộ đội dùng cành cây quật qua, quật lại trong không khí. Lấy làm lạ, tui hỏi: “Các chú đang làm gì vậy?”. Một chú bộ đội trả lời: “Do dưới hang các chú đang nấu canh để cải thiện bữa ăn, sợ khói bốc lên bị địch phát hiện nên các chú phải làm thế để xua tan khói, chứ nếu để địch thấy chúng kêu pháo binh nã đạn hoặc bỏ bom là chết hết”.

Làng chài Xuân Hải bây giờ trông rất trù phú và cũng rất yên bình. Sau hàng trăm năm ẩn mình dưới những gềnh đá hoang sơ, khi QL1D nối TP Quy Nhơn (Bình Định) với thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đi ngang qua, làng chài bỗng lộ ra với những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ.

3152133394
Chiều tới, ngư dân làng chài Xuân Hải chuẩn bị lưới, thúng để ra khơi đánh bắt.

Sóng biển, núi đá cùng hoạt động của ngư dân ở đây với những chiếc thúng chai đã làm nên bức tranh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng mà cũng rất hiện thực. Xuân Hải được thiên nhiên ban tặng dải cát vàng óng, hạt to. Chiều, ngả lưng lên bãi cát ngắm hoàng hôn không phải lo dính bẩn vì cát ở đây rất sạch. “Do dải cát đẹp và sạch, nên trước đây trai gái trong làng tìm hiểu nhau thường ra bãi cát trò chuyện, tỏ tình. Dải cát này đã kết duyên vợ chồng cho biết bao cặp trai gái”, lão ngư Hồ Văn Thìn nhớ lại.

10 năm gần đây, người dân làng chài Xuân Hải nơm nớp nỗi lo mất kế sinh nhai khi những tàu hành nghề giã cào hoành hành khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt. Tàu giã cào còn kéo dứt lưới của ngư dân thả ngoài biển. Nhiều thúng chai bị tàu giã cào tông chìm. Ngư dân ở đây gọi tàu hành nghề giã cào là “giặc giã cào”, và mong muốn có 1 “phép màu” khiến lũ “giặc giã cào” biến mất.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.