| Hotline: 0983.970.780

Làng trong phố

Thứ Hai 16/09/2019 , 08:15 (GMT+7)

Hiện nay TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) có 7 phường và 2 xã. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Vĩnh Yên chỉ có 2 xã. Định Trung là 1 trong 2 xã xây dựng NTM.

Đường làng rộng thoáng.

Có thể hình dung Định Trung, một vùng nông thôn với nhiều cây, con, trong đó nổi trội vùng trồng rau an toàn… đang “lọt thỏm” trong thành phố.
 

Xuất phát điểm thấp

Khi xây dựng NTM, cả 2 xã Định Trung và Thanh Trù đều có xuất phát điểm thấp. Năm 2010, Thanh Trù mới đạt 4/19 tiêu chí. Định Trung mới đạt 6/19 tiêu chí. Nền nông nghiệp nhỏ lẻ, cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn và đời sống của người dân còn thấp, nên gặp nhiều khó khăn trong huy động sức dân và kêu gọi đầu tư để hoàn thành các tiêu chí NTM.

Để đạt 19 tiêu chí NTM, nhu cầu nguồn lực là rất lớn, trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách không thể đủ ngay. Việc huy động nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là từ doanh nghiệp còn hạn chế, do số doanh nghiệp ít và nhỏ. Mối quan hệ giữa NTM và nông thôn truyền thống còn chưa theo kịp phát triển kinh tế, việc xây dựng các thiết chế đồng bộ còn khó khăn. Đất SX nông nghiệp manh mún, nông dân hạn chế về trình độ KHKT nên việc tổ chức SX để hình thành vùng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ chưa đồng bộ.

Trước thực tế đó, UBND TP Vĩnh Yên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã về 19 tiêu chí và 41 nội dung xây dựng NTM. Hàng năm giao chỉ tiêu kế hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể. Hàng tháng, hàng quý tổ chức đánh giá tiến độ, xác định khó khăn, hạn chế và tìm giải pháp tháo gỡ.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, thực hiện cơ chế hỗ trợ của tỉnh và TP, đến hết năm 2014, Định Trung đã có 100% đường giao thông được cứng hóa, đảm bảo đạt chuẩn. Từ năm 2015 đến 2019 theo kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí, cùng với Thanh Trù, Định Trung tiếp tục duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường đã đầu tư, đồng thời huy động nguồn lực xây dựng, cải tạo các tuyến đường giao thông đã xuống cấp.

Việc cải tạo, nâng cấp đường giao thông, sẽ kéo theo việc phát triển hàng loạt những hoạt động khác như giao thương, dịch vụ, phát triển SX không chỉ trong vùng mà sang cả các huyện khác, tỉnh khác. Đi đôi với phát triển mạng lưới giao thông, Định Trung còn chú trọng đầu tư hệ thống thủy lợi, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu SX và dân sinh. Định Trung có 3 trạm bơm được đầu tư sâu là trạm bơm xóm Chám, xóm Nọi và xóm Sứ.

Đến hết năm 2013 đã có 100% kênh loại I, II được kiên cố hóa và đến hết năm 2014, có 100% kênh loại III được UBND tỉnh đầu tư đảm bảo đạt chuẩn theo quy định (xã Định Trung có 16/16km kênh loại III, đạt 100%). Với hệ thống trạm bơm và công trình kênh mương đã kiên cố hóa, đã góp phần phục vụ tốt SX và sinh hoạt của nhân dân.

Tỷ lệ tưới của Định Trung là 366,76/366,76ha, đạt 100%. Tỷ lệ tiêu 360,74/366,76ha, đạt 98,36%. Tỷ lệ tưới và tiêu đều chủ động, đảm bảo đạt chuẩn yêu cầu của bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020.
 

“Làng rau” trong phố

Để nâng cao mức sống người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, TP Vĩnh Yên đã huy động mọi nguồn lực kinh tế, với nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, ưu tiên hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp… tạo việc làm, tăng thu nhập.

TP Vĩnh Yên đã triển khai nhiều chương trình, dự án, đầu tư hỗ trợ SX cho 2 xã Định Trung và Thanh Trù. Những năm qua, các xã đã vận động tốt các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ SX hàng hóa, chăn nuôi tập trung để giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả SX. Hỗ trợ các giống lúa mới chất lượng cao như Hương Thơm số 1, Thục Hương 6, Hương Thơm kinh bắc, Thiên Ưu 8, RVT…

Vùng rau an toàn của Định Trung.

Hỗ trợ giống ngô biến đổi gen cho nông dân SX vụ đông, nhằm khuyến khích nông dân tích cực SX, hạn chế bỏ ruộng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hỗ trợ trồng 5,5 ha khoai tây, 2,14 ha bí xanh, 2,38ha bí đỏ, 2,2ha dưa chuột, hướng dẫn 2 xã chuyển dịch cơ cấu mùa vụ từ 2 vụ lúa (lúa xuân - lúa mùa) sang 1 vụ lúa xuân - dưa lê - cà chua ghép cho hiệu quả kinh tế từ 4 - 6 triệu đồng/sào/năm lên 20 - 25 triệu…

Bên cạnh đó, TP còn hỗ trợ 2 xã triển khai mô hình trồng rau trong nhà lưới với diện tích 500 - 600 m2/nhà. Giai đoạn 2011 - 2019 đã hỗ trợ một phần kinh phí lưới che và 30% tiền cột để xây dựng nhà lưới trên địa bàn 2 xã, trong đó Định Trung có 17 nhà, góp phần tăng năng suất, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, tăng thu nhập cho người dân.

Thông qua việc triển khai thực hiện mô hình, xã đã hình thành mối liên kết các nhóm hộ chuyên SX rau, củ, quả, quanh năm cung ứng cho các nhà hàng, bệnh viện, trường học, làm tiền đề cho phát triển nông nghiệp đô thị. Một số mô hình trồng rau hữu cơ, trồng rau củ, quả theo hướng an toàn đã được áp dụng, bước đầu thu được hiệu quả tốt.

Định Trung có mô hình trồng rau hữu cơ của HTX Sản xuất - Thương mại Định Trung với tổng diện tích hơn 2 ha, đã có uy tín từ nhiều năm nay, không chỉ cung cấp rau an toàn cho các siêu thị trong TP, mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận, thậm chí các siêu thị lớn ở Hà Nội…

Gắn nông thôn kiểu mẫu với đô thị hóa

Điểm nổi bật trong công tác xây dựng NTM của xã Định Trung, là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị, thiết chế thể thao gắn với cộng đồng dân cư phục vụ tốt cho nhu cầu học tập, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân.

Thành ủy, UBND TP Vĩnh Yên sẽ tiếp tục chỉ đạo 2 xã (trong đó có Định Trung) trước mắt tập trung xây dựng xã NTM đạt chuẩn nâng cao, triển khai xây dựng các thôn dân cư NTM kiểu mẫu theo định hướng của Trung ương và quy định cụ thể của tỉnh. Căn cứ kết quả, tình hình thực tế triển khai sẽ lựa chọn loại hình xã NTM kiểu mẫu, gắn với quá trình đô thị hóa để chỉ đạo thực hiện, đảm bảo đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.

Định Trung đúng là một hình mẫu của NTM, gắn kết giữa SX nông nghiệp với công nghiệp hóa, với đô thị hóa của TP Vĩnh Yên. Sự gắn kết này, vừa giữ tính hài hòa giữa nông nghiệp và đô thị, vừa giúp SX nông nghiệp nhanh chóng bắt kịp những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhất trong nông nghiệp.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.