| Hotline: 0983.970.780

Làng ung thư xứ Thanh kêu cứu

Chủ Nhật 18/10/2009 , 15:59 (GMT+7)

Cứ một, hai tháng, nhân dân làng Thổ Vị lại đau buồn tiễn đưa thân nhân của mình về cõi vĩnh hằng vì căn bệnh vô phương cứu chữa này. Những nạn nhân "sống chung" với bệnh ung thư nhiều năm qua đang quằn quại, đau đớn và chờ “thần chết hỏi thăm” mình.

1. Ngoài giếng trong mỗi gia đình, dân làng Thanh Lê còn sử dụng thêm nguồn nước của giếng làng nhưng chất lượng nước đều như nhau: Ô nhiễm nghiêm trọng.

Từ thị trấn huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hoá, chạy xe máy 10 km về phía xã Hợp Tiến, tôi dừng lại hỏi đường vào làng Bái Ngoại. Một bà cụ xởi lởi, chỉ đường: “Chú hỏi đường về làng có nhiều người chết bị ung thư có phải không”. Ngạc nhiên, tôi hỏi: “sao cụ biết ạ”. “Thì ở đó cả làng, cả xã ai cũng kinh hoàng trước nổi sợ hãi nhiều người chết do bệnh ung thư mà ngày càng có nhiều người tuổi còn trẻ là gì”- nhỏm nhẹm miệng ăn trầu, cụ bà bảo vậy. Cảm ơn cụ, tôi lên xe hướng về phía cụ chỉ đường vào làng Bái Ngoại.

Ông Hà Văn Ánh- cán bộ UBND xã Hợp Tiến cho biết: “10 năm qua, tại làng Bái Ngoại đã có tới 40 người chết vì các bệnh liên quan đến ung thư”. Trong sổ lưu tại trạm Y tế xã thì từ tháng 2/2005 đến 9/2009 cả xã có 29 người chết do các bệnh liên quan đến ung thư. Có những trang trong sổ 10 người chết thì có đến 7 người chết do ung thư, trong đó làng Bái Ngoại có 6 người.

Ông Ánh dẫn tôi đến một số gia đình có người chết do bệnh ung thư. Nhìn vào ngôi nhà trước mặt thấy 2 cụ già đang côi cút, ngồi co ro trong hiên nhà lạnh lẽo. Chị Lê Thị Thuý, con dâu của 2 cụ, vừa đi làm từ ngoài đồng về, kể rằng anh Lê Công Thành, chồng chị, qua đời vì bệnh ung thư khi chưa đầy 40 tuổi. Anh Thành mất đi để lại mình chị nuôi 2 người con thơ và bố mẹ già trong cảnh nợ nần chồng chất, túng bấn.

Chị Lê Thị Thuý cùng bố chồng 77 tuổi chuẩn bị bữa cơm chiều

Chị suy sụp hoàn toàn, nghẹn ngào kể lại: “anh Thành to cao vạm vở lắm nhưng cuối tháng 1 năm 2006 người bắt đầu xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, sốt cao. Gia đình cứ nghĩ là bị cảm hàn nên lấy thuốc nam uống nhưng không khỏi. Thấy người sút cân nên đưa anh đi khám và nhận được kết luận là anh bị ung thư gan. Bệnh viện đã khuyên gia đình đưa anh về nhà. Từ khi phát bệnh cho đến khi anh qua đời là 8 tháng”.

Nhà chị Thuý làm nông, quanh năm vất vả mà vẫn nghèo túng. Từ ngày phát hiện chồng bị bệnh, gia cảnh càng khó khăn vì của nả lần lượt “đội nón ra đi”. Hai đứa con nhỏ phải bỏ học giữa chừng, đi phụ hồ ở Bình Dương kiếm tiền thuốc thang cho bố. Nhưng mọi cố gắng đều thành vô nghĩa. Hôm lo tang lễ cho chồng, chị Thuý phải chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền ma chay.

Làng Bái Ngoại ở trên một vùng đất bạc màu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Cái đói, cái nghèo cứ luẩn quẫn quấn quanh chân những người dân nghèo nơi đây. Những gia đình có người bị bệnh ung thư thì tất thảy họ có một điểm chung là nợ nần chồng chất và người thân lần lượt ra đi để lại bao tang thương, đau khổ cho người ở lại. Nhìn họ mà lòng quặn thắt trong cảm giác buồn thương.

Một mình chị Thuý giờ phải chèo chống lam lũ  nhọc nhằn mong sao kiếm đủ cơm ăn cho mình và bố mẹ chồng năm nay ngoài 77 tuổi. Không có nghề phụ gì ngoài 4 sào ruộng khoán nên đói giáp hạt đang treo lơ lửng trước mắt chị. Khoản nợ lãi ngân hàng 20 triệu quá hạn mấy năm nay vẫn còn đó. Ngoài ra chị còn gánh thêm 30 triệu nợ nóng với lãi suất 3%/tháng của các cá nhân trong xã.

Chỉ riêng tiền lãi thôi, mỗi tháng chị Thuý phải oằn cổ, thắt lưng, buộc bụng, nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn cả thuốc thang cho bà mẹ già bị bệnh bại liệt trên giường để có đủ số tiền trên 1,2 triệu đồng trả lãi cho ngân hàng và hàng xóm. Chị Thuý nức nở: “Những ngày cuối tháng là tôi ăn, ngủ không ngon vì phải chạy vạy nơi này, nơi khác kiếm tiền trả lãi. Bây giờ thì kiệt sức rồi, lãi mẹ đẻ lãi con cứ chồng lên đó, không biết đến bao giờ thì mới trả được. Thương chồng, thương con, thương bố mẹ già mà tôi bất lực”. Ai rơi vào hoàn cảnh đó cũng buồn đau như chị.

Đang đi quanh làng Bái Ngoại cùng ông Ánh, tôi gặp một cháu trai chừng 10 tuổi, vẻ mặt buồn rười rượi. Hỏi ra mới biết, bố của cháu là anh Nguyễn Văn Tuân (sinh năm 1975), mắc bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối. Anh Tuân, bố của cháu, đang lao động khỏe mạnh, bỗng nhiên đổ bệnh. Mẹ và ông bà, các cô, chú, cậu gì hai bên nội ngoại đã đưa bố của cháu ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Sau hai lần mổ và 12 lần chuyền hoá chất, sức khoẻ anh Tuân đã gần như kiệt quệ hẳn.

* Theo kết quả xét nghiệm xác định các mẫu nước, đá lấy từ các giếng ở làng Thổ Vị đều bị nhiễm các chất a-mi-ăng, sắt, natri, thạch tín v.v… Không có mẫu nào đảm bảo dùng làm nước ăn, uống, sinh hoạt.

* Cứ một, hai tháng, nhân dân làng Thổ Vị lại đau buồn tiễn đưa thân nhân của mình về cõi vĩnh hằng vì căn bệnh vô phương cứu chữa này. Những nạn nhân "sống chung" với bệnh ung thư nhiều năm qua đang quằn quại, đau đớn và chờ “thần chết hỏi thăm” mình.

* Trong 10 năm qua, theo con số thống kê của Trạm y tế xã Quảng Thọ, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa cho thấy, có 158/484 người chết là do bị mắc ung thư. Từ đầu năm đến nay, xã Quảng Thọ có thêm 11 người chết do ung thư. 

Bốn tháng đầu sau mổ chỉ ăn cháo, tinh thần khủng hoảng, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn thêm đã làm cho vợ anh ngày đêm khóc thương chồng mà không biết làm sao hơn. Chị Hà Thị Vịnh- vợ anh Tuân than thở: “trâu, bò, lợn, gà em bán hết; em vay mượn tiền của Ngân hàng, anh em bạn bè gần trăm triệu rồi chỉ mong sao cứu lấy được chồng vì các con em còn thơ dại quá. Đầu tuần tới em lại đưa chồng ra Hà Nội để BV chuyển sang tia xạ 6 tháng vì đã hết thời kỳ chuyền hoá chất. Bây giờ em chưa biết xoay xở tiền đâu để mà đi nữa”.

Ông Hà Văn Hưng- trưởng thôn Bái Ngoại nói: “Tại địa phương nhiều gia đình có hai thế hệ chết vì bệnh ung thư (bố và con); chẳng hạn như nhà ông Hà Văn Nguyên và con trai là Hà Văn Đỉnh đều chết vì ung thư. Bố, chị gái tôi là ông Hà Văn Giao và chị Hà Thị Lương cũng đã chết vì bệnh ung thư gan. Đặc biệt, số người mắc và tử vong vì căn bệnh này ngày càng trẻ hoá về độ tuổi. Nhân dân đang rất hoang mang vì số người mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều”.

Được biết, nhiều năm nay, nhân dân trong làng Bái Ngoại thường lấy nước giếng khơi và nước của đập thuỷ lợi Long Hưng để sử dụng sinh hoạt. “Tại đập này, hễ có mưa là nhiều loài cá trong đập lại chết hàng loạt”- ông Ánh cán bộ UBND xã cho biết.

2. Chia tay dân làng Bái Ngoại, tôi đến thăm làng Thổ Vị, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Theo thống kê, từ năm 1993 đến nay, làng có 73 người chết vì ung thư. Đây là số người chết có bệnh án hẳn hoi, còn những người chết nghi ngờ mắc bệnh này còn nhiều hơn. Năm 2008, số người chết của xã là 23 người trong đó có 11 người chết vì bệnh ung thư, làng Thổ Vị có 5 người.  

Anh Nguyễn Văn Tuân sau 2 lần mổ và 12 lần chuyền hoá chất do bị ung thư đại trực tràng đang ngồi bên vợ và con

Đời sống của bà con trong làng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 46%. Theo thống kê của Trạm Y tế xã Tế Thắng, số người mắc bệnh ung thư gan, phổi ở làng này chiếm tới hơn 80% so với các bệnh khác; trong đó bệnh nhân nam chiếm 80%. Số người mắc các bệnh ung thư dưới 30 tuổi (đã chết) chiếm 8%, số người từ 30- 55 tuổi chết vì bệnh này chiếm tới 54% và số người từ 55 tuổi trở lên là 38%. Trong làng có sáu hộ có hai người chết vì bệnh ung thư.

Làng Thổ Vị nằm sát chân núi Nưa- nơi có mỏ quặng amiăng (trước kia đã được khảo sát, thăm dò và khai thác). Nguồn nước sinh hoạt của làng được lấy từ giếng khoan, hoặc giếng khơi. Các giếng đều được kè bằng những viên đá lộ thiên, lấy từ núi Nưa về có chứa các sợi amiăng. Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống đường giao thông trong làng đều được rải đá có chứa loại sợi này.

Khi gặp mưa, sợi amiăng trong đá tan vữa ra, đục như nước vo gạo, rồi chảy xuống ao, hồ, thẩm thấu vào giếng khơi của các gia đình. Nhân dân e ngại và cho rằng rất có thể đây là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư mà bà con nơi đây đang phải hứng chịu.

Đặc biệt, gia đình anh Vũ Đình Vương (33 tuổi) có tới bốn người gồm: bố là ông Vũ Đình Dung, mẹ là Phạm Thị Vẹm; hai anh trai là Vũ Đình Thắng, Vũ Đình Tân đều chết vì bệnh ung thư gan. Hiện nay, trong làng có hơn 10 người đã được bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương kết luận là mắc bệnh ung thư gan, phổi, dạ dày, nhưng do bệnh đã quá nặng, hoặc kinh tế gia đình quá khó khăn, không có tiền chạy chữa đành nằm... chờ chết

Họ đang thoi thóp lo âu trước những khoản nợ lãi chồng chất và thắc thỏm không biết căn bệnh quái ác ấy rồi đây có tha cho mình không hay lần lượt gõ cửa hết người này đến người khác trong làng?

Hầu hết, nước ở các giếng đào, giếng khoan ở đây có váng nhưng nhiều gia đình vẫn phải dùng vì chưa có nguồn nước thay thế. Gần đây, người ta khắc phục bằng cách xây dựng bể hứng nước mưa để lấy nước sinh hoạt (chi phí từ 2 - 3 triệu đồng/bể). Tuy nhiên, không phải nhà nào trong làng cũng có điều kiện để xây dựng.

Không thể để người dân làng Thổ Vị và làng Bái Ngoại dùng mãi nguồn nước bị ô nhiễm như vậy được. Ai cũng hiểu điều đó, nhưng đến bao giờ dân làng nơi đây có nước sạch để dùng là vấn đề cấp bách nhất, không thể chờ đợi lâu hơn nữa.Chúng tôi mong các ngành chức năng tỉnh Thanh Hoá cần thể hiện trách nhiệm của mình để cùng chia sẽ lo lắng nhằm có giải pháp cứu lấy dân nghèo nơi đây thoát khỏi lưởi hái tử thần ghê sợ đó.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất