| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 17/04/2019 , 09:20 (GMT+7)

09:20 - 17/04/2019

Lãnh đạo còn thế, trách gì ai?

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), thì từ năm 2012 đến 2016, các bộ Tài chính, Công thương, Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, đã có 20 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài để “học tập kinh nghiệm”.

Ảnh mang tính minh họa

Các địa phương như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đăk Lăk, Đồng Nai, Tiền Giang cũng không kém khi có đến 22 kế hoạch cử đoàn đi nước ngoài, cùng để “học tập kinh nghiệm”. Tổng cộng, trong 5 năm đó, các bộ và địa phương đã cử 17.000 đoàn, gồm 53.000 người là cán bộ sắp nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu đi tham quan “học tập kinh nghiệm” ở nước ngoài, với kinh phí lên đến 1.200 tỷ đồng.

Theo TTCP, đây là sự lãng phí ghê gớm, bởi kinh phí dành cho những người đi tham quan đó là lấy từ ngân sách Nhà nước. Những người đó sẽ “học tập” được những kinh nghiệm gì? Và học để làm gì? Khi vừa đi tham quan về thì cuốn sổ hưu đã chờ sẵn?

Tưởng rằng chuyện đó không bao giờ xảy ra ở TTCP. Nhưng rồi dư luận hết sức bức xúc khi biết năm 2018, rất nhiều cán bộ của TTCP đã hưu hoặc sắp hưu được cử đi nước ngoài tham quan để “học tập kinh nghiệm” về phòng chống tham nhũng. Đó là các ông Lê Khả Thanh, Phó Chánh văn phòng, đã nghỉ hưu từ ngày 6/6/2018, nhưng ngày 6/8/2018 vẫn được cử đi Nhật 8 ngày; ngày 11/9/2018, Cục phó Cục III Vũ Huy Tác được cử đi Hàn Quốc 3 ngày để “học tập kinh nghiệm chống tham nhũng”, ngày 14/9/2018 ông về nước, thì cũng là ngày ông nhận quyết định hưu; ngày 13/9/2018, thanh tra viên cao cấp Nguyễn Thanh Hải nhận quyết định hưu cùng lúc nhận quyết định đi Nga 9 ngày, cũng để “học tập kinh nghiệm chống tham nhũng”...

Thật là một sự mỉa mai, một sự nhạo báng các quy định của pháp luật!

Cũng như vậy, một vụ việc nữa cũng khiến dư luận hết sức bức xúc, là kết quả điều tra vụ gian lận thi cử ở Sơn La cho thấy, trong tổng số 44 thí sinh được nâng điểm trái pháp luật, thì có tới 12 thí sinh là con của lãnh đạo ngành giáo dục.

Đó là những điều không thể chấp nhận!